Nhiều chính sách “thoáng” cho ngành y tế trong nhiều năm qua, từ việc thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc tại các cơ sở công lập, nâng cấp hệ thống y tế cơ sở cho đến mở cơ hội cho y tế tư nhân phát triển... Thế nhưng khi đánh giá về năng lực khám chữa bệnh, đại diện nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh lại dẫn chứng nhiều khó khăn đang gặp phải, và bao giờ cũng bắt đầu từ chuyện phải xoay xở với nguồn nhân lực đang thiếu hụt.
BÀI 1: KHOẢNG TRỐNG Ở BỆNH VIỆN CÔNG
Người giỏi vẫn đang rời bệnh viện công; lãnh đạo bệnh viện xoay xở để tăng thêm nguồn thu cho nhân viên; một số khoa không hoạt động vì thiếu nhân lực... Đó là những mảnh ghép trống trải trong bức tranh hệ thống y tế tại Quảng Nam.
Bác sĩ rời bệnh viện công
Trong các năm từ 2019, Bệnh viện (BV) Mắt Quảng Nam có đến 4 bác sĩ nộp đơn xin nghỉ việc. Nhiều lý do được đưa ra. Trong đó, có đến 3 bác sĩ trẻ đầu quân cho các cơ sở y tế tư nhân. Bác sĩ H.T.T.T cho biết, chị về BV Mắt được 2 năm; trong quãng thời gian này, chị vừa làm vừa theo học để bổ túc các chứng chỉ cần thiết. Nhưng môi trường làm việc quá khác biệt tại BV dẫn đến việc ra đi của chị T. và các bác sĩ còn lại.
Một bác sĩ từng làm việc ở BV Đa khoa Quảng Nam, nay đã đầu quân về BV Thái Bình Dương Tam Kỳ cho biết, có rất nhiều lý do để chị rời bỏ BV công. Từ môi trường làm việc không còn phù hợp, muốn thử sức trong điều kiện làm việc khác, và tất nhiên còn cả yếu tố thu nhập.
“Trả đồng lương xứng đáng với những gì cống hiến” - là lý do được ghi nhận nhiều nhất từ các y bác sĩ rời hệ thống y tế công lập sang BV tư nhân trên địa bàn tỉnh.
Thiếu bác sĩ và ê kíp chuyên môn sâu
Thống kê đến cuối năm 2020, nguồn nhân lực ngành y tế toàn tỉnh là 9.803 người, trong đó đội ngũ có chuyên môn y tế là 8.041 người (có 1.685 bác sĩ, 252 dược sĩ đại học 252), đạt 11,2 bác sĩ /10.000 dân.
Theo nhìn nhận của đại diện Sở Y tế, so với các quy định hiện nay thì nguồn nhân lực y tế chưa đảm bảo. Số bác sĩ/giường bệnh chưa đạt mức 0,2 bác sĩ/giường bệnh và về cơ cấu chuyên môn bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ cho lĩnh vực điều trị chưa đảm bảo, thiếu bác sĩ chuyên sâu một số lĩnh vực y khoa cũng như thiếu các ê kíp thực hiện kỹ thuật chuyên môn sâu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây vài năm, ở BV tư, thu nhập của các bác sĩ cùng trình độ chuyên môn không khác biệt nhiều, nhưng ở BV công phải theo khung bậc của Nhà nước.
Chỉ một số ít bác sĩ ngoại khoa ở BV công có thu nhập cao hơn các bác sĩ khác nếu người đó rất giỏi, làm phẫu thuật, thủ thuật nhiều và tham gia mổ dịch vụ.
Do đó, đa số bác sĩ làm ở BV công, nhất là bác sĩ nội khoa, có thu nhập thua xa các bác sĩ ở BV tư. Tuy nhiên, gần đây, với cơ chế “giữ nguồn nhân lực”, một số bác sĩ ở BV công có mức thu nhập khá hơn trước.
Tại BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam năm 2020 và những tháng đầu năm nay chứng kiến sự ra đi của không ít y bác sĩ. Trong đó, rất nhiều bác sĩ đầu ngành tại BV dù đã cống hiến từ những ngày BV mới thành lập, vẫn xin thôi việc.
Ông Đinh Đạo - Giám đốc BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết, BV đang gặp tình trạng khủng hoảng nhân lực, đặc biệt là lực lượng có năng lực về điều trị Covid-19.
Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, nhân lực tại BV sụt giảm. Thời điểm tháng 7.2019, BV có 140 bác sĩ thì đến nay chỉ còn 118 bác sĩ. Nguyên nhân do tác động rất lớn của việc nhận nhiệm vụ điều trị Covid-19 dẫn đến số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh đa khoa giảm sâu, nguồn thu giảm theo.
Cùng với đó, do có sự cạnh tranh về nhân lực, đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao dần chuyển sang khu vực y tế tư nhân. “BV đang thiếu nhân lực trầm trọng, đặc biệt là bác sĩ hồi sức” - ông Đinh Đạo nói.
Tại 3 BV đa khoa tuyến tỉnh, tổng số bác sĩ là 398 người, tỷ lệ bác sĩ chuyên khoa II (4%) và bác sĩ chuyên khoa I (34,7%), đều đạt thấp so với mục tiêu phát triển nhân lực là phải có ít nhất 20% bác sĩ chuyên khoa II và ít nhất 50% bác sĩ chuyên khoa I trở lên (theo quyết định của Bộ Y tế).
So với mục tiêu Nghị quyết 11 năm 2017 của HĐND tỉnh, ngành y tế mới đạt được 30/64 người (46,8%) đào tạo chuyên sâu và 20/88 kíp chuyên sâu (23%).
Chật vật xoay xở
Thừa nhận BV hiện vẫn không đủ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh trên địa bàn, ông Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc BV Đa khoa Quảng Nam cho biết, đơn vị đang tự chủ về tài chính, tuy nhiên giá dịch vụ y tế lại quá thấp.
“Nếu làm đúng theo biên chế của Thông tư 08 thì thu nhập của người lao động rất thấp. Trong khi anh em muốn làm thêm việc tại BV để có thêm một khoản tiền nữa.
Tôi đơn cử một điều dưỡng của BV hiện nay bình quân có thể nhận được 6 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu BV nhận thêm biên chế thì thu nhập của họ sẽ giảm chỉ còn chưa đến 4 triệu đồng. Cho nên các BV tự chủ thường có xu hướng không nhận đủ biên chế theo quy định” - ông Ẩn nói.
Chính điều này dẫn đến tình trạng, khi số lượng bệnh nhân tăng lên thì khả năng đáp ứng của nhân viên y tế lại hạn chế. Điều này có thể thấy rõ trong đợt dịch Covid-19 năm nay tại TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác.
“Thêm một lý do nữa, bây giờ người dân dần hình thành thói quen không đi chăm bệnh và thăm bệnh, do vậy, ở nhiều trường hợp, nhân viên y tế đảm nhận luôn việc chăm sóc bệnh nhân. Điều đó đòi hỏi số lượng biên chế cũng như nguồn nhân lực trong BV phải tăng lên.
Ở khía cạnh tiền lương và thu nhập, cũng là một bài toán mà các đơn vị tự chủ phải tính toán để đảm bảo sự cạnh tranh giữa hệ thống y tế tư nhân và công lập thời gian tới” - ông Phạm Ngọc Ẩn chia sẻ.
Thu không đủ bù chi là điều khiến nhiều BV công lập tự chủ tài chính phải xoay xở để khống chế số lượng biên chế, nhằm tăng thu nhập cho nhân viên tại chỗ. Ông Tô Mười - Giám đốc BV Đa khoa Khu vực miền núi phía bắc cho biết, hiện BV có 810 nhân viên y tế, trong đó có 190 bác sĩ được đào tạo theo hướng chuyên sâu.
“Ở tầm tương đương về lĩnh vực chuyên khoa, chúng tôi tự hào có một đội ngũ y bác sĩ lành nghề và chuyên sâu. Số giường theo kế hoạch hiện nay là 930 giường. Chúng tôi trả lương cho 810 nhân viên, rồi tiền điện nước, xử lý rác thải... đều do BV trang trải chi phí. Do đó, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi giá thu dịch vụ y tế do Bộ Y tế quy định quá thấp, dẫn đến thu không đủ bù chi.
Trong Thông tư 08 chỉ tính chi lương cho khối lâm sàng, trong khi chúng tôi còn khối quản lý, khối gián tiếp. Trong năm 2020, lượng bệnh nhân giảm hơn một nửa khiến chúng tôi đã khó càng khó hơn” - ông Tô Mười nói.
Trong khi tại BV Phụ sản - Nhi Quảng Nam, dù cơ sở vật chất khá khang trang nhưng hiện tại nhân lực đáp ứng công tác điều trị vẫn chưa đảm bảo. Chính điều này dẫn đến nhiều chuyên khoa chưa thể đi vào hoạt động. Được đầu tư hơn 150 tỷ đồng và hoàn thiện vào năm 2019, nhưng đến thời điểm này, khoa sản và các khoa chuyên sâu nhi như ngoại nhi, gây mê hồi sức, các chuyên khoa lẻ khác vẫn chưa hoạt động.
Mới đây, ngày 27.9, BV Phụ sản - Nhi đăng thông báo tuyển dụng đến 31 y bác sĩ theo kế hoạch tuyển dụng viên chức y tế của UBND tỉnh, trong đó nhiều nhất là nhi khoa (7 bác sĩ) và sản khoa (5 bác sĩ). Các trang thiết bị tại BV từng bước được đầu tư, nhưng xem ra, để vận hành được còn phải tiếp tục chờ nguồn nhân lực...
------------------------------
Bài 2: Y tế cơ sở thiếu bác sĩ
Các cơ sở y tế tuyến huyện tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt y bác sĩ; trong khi đó không ít người trong đội ngũ này lại nhấp nhỏm với nguy cơ bị cắt hợp đồng...