(QNO) - Ông Krishna Srinivasan - Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa nêu 3 lý do giúp châu Á vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới.
Châu Á đóng góp 60% vào tăng trưởng toàn cầu. Các thị trường mới nổi ở châu Á đang đóng góp nhiều hơn so với các nền kinh tế tiên tiến vì các nền kinh tế tiên tiến đang chứng kiến lãi suất thắt chặt và nhu cầu nội địa yếu.
Ngoài ra, châu Á cũng đưa lạm phát xuống mức thấp và ổn định nhanh hơn các khu vực khác, mở ra khả năng cắt giảm lãi suất cho nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực.
"Châu Á là khu vực năng động nhất thế giới. Nơi đây có lực lượng lao động dồi dào, phần lớn trong số đó cũng là lực lượng lao động có tay nghề. Đây cũng là khu vực được tích hợp cao vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cuối cùng, đây là khu vực chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về tăng trưởng năng suất" - ông Krishna Srinivasan phát biểu.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) mới nhất trong năm nay và năm sau công bố vào tuần trước, IMF duy trì dự báo tăng trưởng toàn cầu vào năm 2024 ở mức 3,2%, phù hợp với dự báo vào tháng 7 của IMF. Trong khi đó, khu vực châu Á mới nổi và đang phát triển dự kiến sẽ tăng trưởng 5,3%.
Tuy vậy, ông Krishna Srinivasan lưu ý rằng trong tương lai, khu vực châu Á sẽ phải đối mặt với rủi ro về sự phân mảnh địa kinh tế, tác động của trí tuệ nhân tạo (AI), biến đổi khí hậu...
Cụ thể, theo ước tính của IMF, có khoảng 1.000 biện pháp hạn chế thương mại vào năm 2019, nhưng đến năm 2023, con số này tăng vọt lên 3.000.
Vì thế, ông Krishna Srinivasan nhận định: "Ở châu Á - nơi được hưởng lợi nhiều nhất từ hội nhập khu vực và hội nhập chuỗi cung ứng, bất kỳ hình thức phân mảnh nào cũng có nghĩa là châu Á có nguy cơ mất mát nhiều nhất". Nhất là khi nhu cầu toàn cầu yếu đi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến châu Á vốn thuộc nhiều vào xuất khẩu.
IMF dự báo tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại 0,2 điểm phần trăm tại châu Á vào năm 2025. Mặc dù có sự giảm tốc nhẹ này, châu Á sẽ vẫn là "động lực tăng trưởng của thế giới" với mức tăng trưởng dự báo là 4,4% so với mức trung bình toàn cầu là 3,2%.
Theo IMF, kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng 6% vào năm 2024 và tăng nhẹ 6,1% vào năm 2025 - cao hơn các nước trong khu vực, như 4,5% đối với Trung Quốc, 5,1% đối với Indonesia, Thái Lan 3% và Malaysia 4,4%.
Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam sẽ giảm nhẹ từ 2,1% vào năm 2024 xuống còn 2% vào năm 2025. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5 - 7% và quy mô nền kinh tế dự kiến đạt 500 tỷ USD vào năm 2025.