(QNO) - Hội nghị thượng đỉnh hàng không 2024 diễn ra trong hai ngày 2 và 3/10 vừa qua tại Philippines nêu bật ngành hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương là cơ hội thu hút các nhà đầu tư toàn cầu.
Điểm nhấn từ Việt Nam
Với sự tham dự của hơn 300 quan chức ngành hàng không thuộc khu vực công và tư từ châu Á và châu Âu, hội nghị dự báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ dẫn đầu tăng trưởng lưu lượng hàng không toàn cầu trong hai thập kỷ tới, tạo cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài của ngành từ cơ sở hạ tầng đến công nghệ và dịch vụ.
Ông Benoit De Saint-Exupery - Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh thuộc Bộ phận máy bay thương mại của Airbus báo cáo đội bay toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi lên 48 nghìn chiếc vào năm 2045 với châu Á - Thái Bình Dương dẫn dầu, góp phần tăng trưởng kinh tế khu vực.
Trong khi đó, bà Yuli Thompson - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhấn mạnh: "Mức phục hồi trung bình của khu vực Đông Nam Á đến nay đạt hơn 90%, với Việt Nam là quốc gia duy nhất phục hồi hoàn toàn cả du lịch trong nước và quốc tế, báo hiệu khả năng phục hồi và tiềm năng tăng trưởng của khu vực".
Cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực
Hiện một số dự án phát triển sân bay quy mô lớn đang triển khai tại khu vực. Như sân bay U-Tapao nâng cấp thành cửa ngõ quốc tế - một phần của sáng kiến Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) của Thái Lan, dự án sân bay quốc tế Long Thành (Việt Nam) nhằm giảm tải lưu lượng tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất khi có khả năng phục vụ 100 triệu hành khách mỗi năm.
Philippines hiện nâng cấp sân bay quốc tế Clark để phục vụ nhiều chuyến bay và hành khách quốc tế hơn cũng như đẩy nhanh quá trình cải tạo sân bay quốc tế Ninoy Aquino thông qua quan hệ đối tác công tư....
Tại hội nghị, ông Kurt Edwards - Giám đốc Hội đồng doanh nghiệp hàng không quốc tế (IBAC) lưu ý hàng không thương mại là ngành đi đầu khi hướng đến hiệu quả, giảm lượng khí thải và ông gợi ý về các cơ hội đầu tư tiềm năng, có trách nhiệm vào các công nghệ hàng không bền vững.
Cạnh đó, các chuyên gia khẳng định, ngành hàng không tăng trưởng sẽ mang đến cơ hội đáng kể cho đầu tư phát triển lực lượng lao động. Theo dự báo, khu vực cần gần một triệu lao động có tay nghề mới trong hai thập kỷ tới gồm phi công, kỹ thuật viên và thành viên phi hành đoàn.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của việc đầu tư thận trọng vào cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp hàng không để đảm bảo tăng trưởng dài hạn trong khi duy trì cân bằng giá cả phải chăng bởi chi phí hoạt động tăng không được vượt quá khả năng chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt tại khu vực cũng là vấn đề cần quan tâm.