(QNO) - Ngày 26/4, hàng triệu người trên khắp khu vực Nam Á và Đông Nam Á tiếp tục hứng chịu điều kiện thời tiết nóng như thiêu đốt.
Nắng nóng gay gắt đã buộc các trường học ở Bangladesh và Philippines phải tạm ngừng tổ chức giảng dạy các lớp học trực tiếp trong tuần này, và khiến chính phủ phải phát đi các cảnh báo về nhiệt độ cao.
Thái Lan vào ngày 25/4 đã phát đi các cảnh báo mới sau khi chỉ số nhiệt độ ở Bangkok vượt 52 độ C, điều này thậm chí còn đe dọa đến tính mạng con người.
Các nghiên cứu khoa học đã phát hiện rằng biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng trở nên dai dẳng hơn với cường độ cao hơn.
Các tháng 3, 4 và 5 thường là những tháng nóng và khô nhất, nhưng năm nay điều kiện thời tiết đã trở nên trầm trọng hơn do hiện tượng khí hậu El Nino.
Trong tuần này, Liên hợp quốc cũng cho biết châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các nguy cơ về khí hậu và thời tiết vào năm 2023.
Điều kiện hạn hán thậm chí đã làm cho một di tích 300 năm tuổi ở Philippines từng chìm dưới nước do việc xây dựng một con đập vào những năm 1970 bất ngờ "hiện hình" khi mực nước giảm.
Năm ngoái, nhiệt độ toàn cầu đạt đến mức kỷ lục và Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc đã chỉ ra rằng châu Á đang trở nên ấm lên với tốc độ đặc biệt nhanh chóng.
Báo cáo về tình hình khí hậu ở châu Á năm 2023 của WMO đã phát hiện rằng khu vực này đang trải qua quá trình ấm lên nhanh hơn so với trung bình toàn cầu, với nhiệt độ năm ngoái tăng gần 2 độ C so với trung bình giai đoạn từ 1961 đến 1990.