Châu bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới:Bằng chứng thuyết phục về chủ quyền biển đảo

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH 01/08/2014 08:37

LTS: Ngày 30.7 vừa qua, tại Hà Nội, Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước đã tổ chức lễ đón nhận Bằng Di sản tư liệu thế giới đối với Châu bản triều Nguyễn. Dip này, Báo Quảng Nam trân trọng giới thiệu bài viết của PGS-TS. Ngô Văn Minh (Học viện Chính trị Khu vực 3) về những giá trị độc đáo mang tính toàn cầu của Châu bản triều Nguyễn, nhất là những tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong di sản này.

CHÂU bản triều Nguyễn bao gồm văn bản của các cơ quan trong bộ máy chính quyền trung ương và địa phương trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực son và văn bản của các Hoàng đế ban hành. Tuy có bị thất lạc, hư hỏng một số do những hạn chế về điều kiện, phương tiện bảo quản trong những năm chiến tranh, nhưng đến nay vẫn còn hàng nghìn đơn vị văn bản gốc được sắp xếp thành 734 tập, lưu trữ, bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (thuộc Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước). Nhận thấy khối tài liệu quý hiếm này sẽ đáp ứng khá đầy đủ các tiêu chí về giá trị nội dung, ý nghĩa quốc tế, tính độc đáo và hiếm có của một di sản tư liệu mà Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO đề ra, tháng 11.2013, Việt Nam đệ trình hồ sơ và đến ngày 14.5.2014, bộ hồ sơ này chính thức được ghi danh tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Lễ đón nhận Bằng Di sản tư liệu được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Hà Nội vào sáng 30.7.2014. Tại buổi lễ, bà Katherine Muller – Marine, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu: “Châu bản triều Nguyễn có ý nghĩa quan trọng với bất kỳ ai, vì nó đưa chúng ta ngược dòng lịch sử hơn 100 năm trước, qua đó tiếp cận với nền văn hóa, chính trị, những cam kết lâu dài về văn hóa, khoa học, và những cam kết ngày nay vẫn rất mạnh mẽ”.

Châu bản ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836). (Ảnh tư liệu)
Châu bản ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836). (Ảnh tư liệu)

Trong bối cảnh chúng ta đang đấu tranh khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bộ Châu bản triều Nguyễn là những bằng chứng lịch sử có giá trị nhất, bởi nhiều châu bản hiện còn cho thấy các vua triều Nguyễn (cho tới thời Bảo Đại) đã triển khai toàn diện, hệ thống và liên tục các hoạt động quản lý nhà nước đối với 2 quần đảo này. Chẳng hạn, tờ châu bản đề ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) của Bộ Công về việc phái thuyền mang cọc gỗ đi cắm mốc ở Hoàng Sa, có hai dòng chữ châu phê của nhà vua. Một dòng quy định mỗi cọc gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc. Một dòng viết “mỗ thuyền đáo hà xứ tức thụ mộc vi chí” (nghĩa là: thuyền nào đến chỗ nào lập tức dựng cọc làm mốc”. Châu bản ghi ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19 (1838) cho biết trong năm này, đoàn đã khảo sát được 25 đảo. Hoặc bản tâu ngày 27 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 11 (1830) của Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng về việc một tàu buôn Pháp từ cảng này đi Lữ Tống bị va phải đá ngầm ở phía Tây đảo Hoàng Sa, cảng đã phái thuyền đi cứu hộ. Nội dung như sau: “Thần Nguyễn Văn Ngữ chức Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng chắp tay dập đầu trăm lạy kính cẩn tâu việc:

“Châu bản triều Nguyễn có ý nghĩa quan trọng với bất kỳ ai, vì nó đưa chúng ta ngược dòng lịch sử hơn 100 năm trước, qua đó tiếp cận với nền văn hóa, chính trị, những cam kết lâu dài về văn hóa, khoa học, và những cam kết ngày nay vẫn rất mạnh mẽ”.
(Bà Katherine Muller – Marine, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam)

Ngày 27 tháng này tiếp nhận được viên Tài phó người nước Pháp và 11 viên phái viên, thủy thủ, lái thuyền cùng đi trên một chiếc thuyền ván nhỏ vào đậu tại bản tấn [cửa biển] mà viên Tài phó thưa rằng nguyên thuyền (của họ) ngày 20 tháng này rời cảng này ra biển, đến giờ Tuất ngày 21 tháng này mới đến được các xứ sở Hoàng Sa, thì bị sóng cát, thuyền đắm, nước xô vào, viên thuyền trưởng Đô-ô-chi-ly cùng bọn phái viên đem 2 hòm bạc cùng 15 viên thủy thủ, lái thuyền xuống chiếc thuyền đó đi sau, hiện nay chưa thấy về, vả lại nước ngọt trên chiếc thuyền đó đã hết.

Thần lập tức điều động và sức cho thuyền tuần tiễu ở tấn mang nước ngọt ra biển tìm kiếm bọn phái viên, bảo vệ và đưa họ về tấn, còn bọn Tài phó cho ở lại tấn. Thần xin soạn tập tâu đầy đủ, kính cẩn tâu trình. Thần khôn xiết run sợ. Kính tâu”. Vua Minh Mạng châu phê chữ “Lãm” (đã xem) vào bản tâu này.
Theo bản tâu ngày 19 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 19 (1838) của quan Bố chính sứ tỉnh Quảng Ngãi Đặng Đức Thiệm thì thuyền dân thuê đi sai phái vào việc khảo sát, đo vẽ bản đồ ở Hoàng Sa được tâu lên nhà vua xin miễn trừ thuế trong năm: “Vâng theo chỉ chuẩn của nhà vua, lần này thần đã thuê, điều động hai chiếc thuyền lớn tại bản hạt cùng với hai thuyền của tỉnh Bình Định đang neo đậu tại đấy theo phái viên đến Hoàng Sa thực hiện công vụ. Nay thuyền đã trở về, thần xin đem số thuyền thuê quá lệ để xin miễn trừ thuế năm nay…”. Các bản tấu khác lại cho biết việc thưởng phạt đối với những người đi thực hiện công vụ, như trường hợp Thủy sư Phạm Văn Biện cùng với Vũ Văn Hùng, Phạm Văn Sênh, Lưu Đức Trực đi Hoàng Sa về quá hạn bị trách phạt bằng hình thức đánh đòn. Viên Giám thành Trương Viết Soái vốn mắc tội quân, được sai đi Hoàng Sa nhiều lần, nhưng có một lần khi trở về không mang theo bản đồ để dâng trình, Bộ Công  đề xuất án phạt trảm giam hậu (chém đầu nhưng giảm đợi đến mùa thu thì xét xử), nhưng vua Minh Mạng châu phê 6 chữ “Vi binh tái sĩ sai phái”, nghĩa là cho về làm lính, đợi sai phái tiếp (tờ tâu của Bộ Công đề ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 18 - 1837).

Gần đây, nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An đã phát hiện và công bố thêm 2 châu bản của triều Bảo Đại viết bằng chữ Việt, kèm theo 1 văn bản chữ Pháp. Theo đó, ngày 3.2.1939 vua Bảo Đại đã chấp thuận đề nghị của Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil truy tặng huy chương Long tinh của triều Nguyễn cho Louis Fontan, Chánh Cai đội hạng nhất của đội lính Khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa, vừa qua đời tại Huế ngày 2.2.1939 do nhiễm phải bệnh sốt nguy hiểm trong thời gian công tác ở Hoàng Sa. Ngày 15.2 năm này Bảo Đại cũng ngự phê hai chữ “chuẩn y” và ký tắt 2 chữ “BD” bằng bút chì màu đỏ ở lề trái tờ phiến, đồng ý ban thưởng huy chương “ngũ hạng Long tinh” cho ngạch lính Khố xanh ở Trung kỳ do họ đã có nhiều công lao trong việc dẹp loạn ở cao nguyên và lập đồn phòng thủ ở Hoàng Sa. Điều đó cho thấy, dù triều đình nhà Nguyễn bấy giờ đang phụ thuộc vào sự bảo hộ của Pháp nhưng vẫn quan tâm đến việc thực thi chủ quyền và phòng thủ ở Hoàng Sa.

Như vậy, với việc Châu bản triều Nguyễn chính thức được ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO, cũng có nghĩa là UNESCO đã chính thức công nhận những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

PGS-TS. NGÔ VĂN MINH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Châu bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới:Bằng chứng thuyết phục về chủ quyền biển đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO