Chi trả an sinh không dùng tiền mặt ở TP.Hội An: Tiện lợi nhưng cần lộ trình phù hợp

MỸ LỆ 05/10/2023 07:57

Năm 2023, TP.Hội An triển khai thí điểm chi trả chế độ chính sách không dùng tiền mặt cho gần 1.400 người có công và bảo trợ xã hội có điều kiện chuyển đổi tại phường Minh An và xã Cẩm Thanh. Đây là chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực thi chính sách an sinh xã hội.

Ngân hàng VietinBank - chi nhánh Hội An hỗ trợ thẻ ATM cho đối tượng chính sách. Ảnh: Mỹ Lệ
Ngân hàng VietinBank - chi nhánh Hội An hỗ trợ thẻ ATM cho đối tượng chính sách. Ảnh: Mỹ Lệ

Bà Lê Thị Thúy Diễm - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, trên địa bàn xã có số lượng lớn người có công được hưởng chính sách. UBND xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch chuyển đổi từ hình thức trực tiếp chi trả trợ cấp bằng tiền mặt sang hình thức chi trả không dùng tiền mặt trên cơ sở vừa triển khai vừa hướng dẫn, tư vấn để người dân nắm bắt chủ trương của Nhà nước và lợi ích của việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt.

Tại xã Cẩm Thanh đã có 35% người hưởng đồng ý chuyển sang phương thức nhận chế độ qua thẻ ATM. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - chi nhánh Hội An cung ứng miễn phí dịch vụ khi mở thẻ, không tính phí nuôi thẻ và miễn cước giao dịch.

Ông Huỳnh Ngọc Xê - người có công cách mạng tại xã Cẩm Thanh rất ủng hộ chủ trương này: “Nhận tiền chính sách qua thẻ ATM rất nhanh chóng, tiện lợi, không mất nhiều thời gian chờ đợi như khi nhận chế độ tại UBND xã. Khi nào cần thì tôi chủ động đến cây ATM rút tiền. Nếu bận thì có thể nhờ người thân rút tiền tại cây ATM”.

Ông Lê Viết Phúc - Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An nói, theo lộ trình, từ tháng 10 - 12/2023, các địa phương thí điểm thực hiện chi trả qua tài khoản cho đối tượng thụ hưởng có điều kiện chuyển đổi; tổng kết, rút kinh nghiệm công tác thí điểm và nhân rộng toàn thành phố. Tuy vậy, vẫn còn những trở ngại trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi này.

Ông Đặng Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND phường Minh An cho hay, toàn phường có khoảng 470 người thụ hưởng chính sách, nên phường sẽ chủ động triển khai chủ trương. Mặt tích cực của kế hoạch này là các đối tượng được hưởng chế độ có thể trực tiếp nhận tiền hoặc nhờ người thân nhận thay.

Do đó việc chuyển nhận tiền qua thẻ sẽ giúp tránh áp lực đi lại, giảm phiền hà cho người thân. “Tuy nhiên, cần chọn ngân hàng hỗ trợ tối đa cho người dân, miễn phí các loại phí dịch vụ, tạo điều kiện tối ưu nhất cho người sử dụng” - ông Cảnh nói.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đoàn Thị Hoài Nhi khẳng định, việc thực hiện chính sách an sinh không dùng tiền mặt phù hợp với chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ và các cấp chính quyền.

Song nhóm thụ hưởng chính sách này chủ yếu là người cao tuổi, người yếu thế, khó tiếp cận công nghệ thông tin, đây là những trở ngại khiến lộ trình thực hiện việc chi trả các dịch vụ an sinh không dùng tiền mặt gặp khó khăn. Do đó, TP.Hội An cần xây dựng lộ trình phù hợp.

Bà Nhi đề nghị TP.Hội An trước mắt tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho nhóm thụ hưởng và người thân đồng tình ủng hộ, tự nguyện đăng ký chuyển đổi. Đồng thời cần nghiên cứu thành lập tổ công tác hoặc ban chỉ đạo; bố trí thêm đường dây nóng để người dân phản ánh những vướng mắc, trở ngại trong quá trình triển khai. Qua đó, kịp thời tháo gỡ để có hướng chỉ đạo, đánh giá việc thí điểm bước đầu rồi mới triển khai toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chi trả an sinh không dùng tiền mặt ở TP.Hội An: Tiện lợi nhưng cần lộ trình phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO