Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Giám sát chặt chẽ, giải ngân kịp thời

TRẦN HỮU 21/12/2023 21:06

(QNO) – Năm 2023, dù nguồn thu dịch vụ môi trường rừng không đạt như kế hoạch đề ra, nhưng việc giải ngân cho các đối tượng thuộc diện hưởng lợi chính sách luôn kịp thời, đúng quy định, không xảy ra trường hợp tồn tại, vướng mắc. Có được kết quả này là nhờ các bộ phận chuyên môn của Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên các chủ rừng, cộng đồng dân cư được giao nhận khoán bảo vệ rừng.

Trong chương trình công tác năm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam luôn xác định, kiểm tra, giám sát chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là một trong những nhiệm vụ quan trọng luôn đặt lên hàng đầu của đơn vị. Thời gian qua, ở miền núi do tồn tại song hành các mô hình giao khoán bảo vệ rừng (chủ rừng hợp đồng với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, chủ rừng hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với nhóm hộ, cộng đồng dân cư) nên quá trình kiểm tra, giám sát tiến độ chi trả càng yêu cầu chặt chẽ và khoa học hơn.

Cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao La trực tiếp chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng tại xã Bhalêê (Tây Giang).
Cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao La trực tiếp chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng tại xã Bhalêê (Tây Giang).

Đầu tháng 11/2023, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam đã giao cán bộ chuyên môn trực tiếp về các thôn A Tếp, Ta Lang và Đang, xã Bhalêê (Tây Giang) để kiểm tra, giám sát việc chi trả tiền giao khoán cho 3 cộng đồng dân cư ở đây. Ba cộng đồng thôn này nhận khoán bảo vệ gần 1.300ha rừng theo chính sách chi trả DVMTR.

Tại thôn Ta Lang của xã Bhalêê, trong năm 2023, cộng đồng dân cư được nhận tổng cộng hơn 171 triệu đồng tiền DVMTR. Ông Alăng Sen - Trưởng thôn Ta Lang khẳng định, việc chi trả tiền của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao La, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang luôn công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích, tạo sinh kế lâu dài cho các hộ dân trong cộng đồng; nhờ đó đồng bào rất có trách nhiệm với khu vực rừng được giao khoán bảo vệ.

Ông Lê Minh Phúc, cán bộ của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam cho biết, trong đợt giám sát 3 cộng đồng dân cư nhận khoán giữ rừng tại các thôn A Tếp, Ta Lang và Đang của xã Bhalêê vừa qua, đơn vị đã giám sát chủ rừng trực tiếp chi trả bằng tiền mặt cho đồng bào với số tiền hơn 184 triệu đồng, nâng tổng số tiền tạm ứng trong năm lên gần 745 triệu đồng.

Đồng bào Cơ Tu ở xã Bhalêê (Tây Giang) tập trung ở nhà gươl truyền thống để nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng
Đồng bào Cơ Tu ở xã Bhalêê (Tây Giang) tập trung ở nhà gươl truyền thống để nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng
Đồng bào Cơ Tu ở xã Bhalêê (Tây Giang) tập trung ở nhà gươl truyền thống để nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

[VIDEO] - Chi tiền chính sách dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng Cơ Tu ở xã Bhalêê (Tây Giang) hồi đầu tháng 11/2023: 

Toàn bộ diện tích giao khoán cho 3 cộng đồng thôn trên nằm ở lâm phận do Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao La quản lý. Trong khi đó, chủ rừng đặc dụng này cung ứng DVMTR diện tích 15.384,77ha nằm trên 2 lưu vực thủy diện A Vương – Za Hung và lưu vực thủy điện Sông Kôn 2. Tổng kinh phí DVMTR đã được Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh tạm ứng thời điểm này hơn 9,4 tỷ đồng.

Riêng năm 2023, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao La đã ký hợp đồng giao khoán 8.672,58ha diện tích rừng cho 16 cộng đồng dân cư, tổng kinh phí chi tạm ứng (3 đợt) cho các cộng đồng dân cư đến nay hơn 4,5 tỷ đồng.

Từ nguồn tài chính chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng dồi dào, Quảng Nam đã  quản lý chặt chẽ các khu rừng đặc dụng trong những năm gần đây.
Từ nguồn tài chính dồi dào về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quảng Nam đã quản lý chặt chẽ các khu rừng đặc dụng trong những năm gần đây.

Trong năm 2023, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam đã kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR nhiều đơn vị chủ rừng và 12 UBND các xã được giao quản lý, bảo vệ rừng. Cụ thể, kiểm tra ban quản lý rừng phòng hộ các huyện: Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước Sơn; giám sát Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao La, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, Vườn quốc gia Sông Thanh, Vườn quốc gia Bạch Mã.

Ngoài ra, đơn vị còn kiểm tra tình hình chi trả DVMTR tại 12 UBND xã được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng (gồm các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Hiệp (Tiên Phước), Phước Gia, Thăng Phước, Quế Lưu (Hiệp Đức), Duy Sơn (Duy Xuyên), các xã Đại Quang, Đại Đồng, Đại Sơn, Đại Lãnh, Đại Hưng (Đại Lộc).

Đánh giá về chi trả DVMTR, ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam nhìn nhận, phần lớn chủ rừng thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng ở diện tích cung ứng DVMTR theo quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Các đơn vị chủ rừng đã thanh toán tiền DVMTR cho các cộng đồng, nhóm hộ nhận khoán và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng kịp thời và đầy đủ theo hợp đồng đã ký kết.

“Năm nay, do đơn vị kiểm tra, giám sát thường xuyên, cộng với việc các ngành chức năng hướng dẫn cụ thể nên các tổ, trạm bảo vệ rừng đã ghi chép và lưu trữ hồ sơ đầy đủ, lập kế hoạch tuần tra theo tháng và phân công lịch tuần tra rất chi tiết cho từng nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách” – ông Đức nói.  

Tuy vậy, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như một số chủ rừng chưa lập báo cáo quyết toán kinh phí DVMTR; chậm triển khai xây dựng phương án sử dụng kinh phí DVMTR; chi trả tiền cho lực lượng bảo vệ rừng còn chậm trễ. Cá biệt, UBND xã Đại Sơn hiện vẫn chưa ký kết hợp đồng khoán đối với Tổ bảo vệ rừng năm 2023.

Cán bộ và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Sông Thanh tuần tra ở lưu vực lòng hồ thủy điện
Cán bộ kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Sông Thanh tuần tra ở lưu vực lòng hồ thủy điện

Để xây dựng hệ thống công cụ giám sát chính sách chi trả DVMTR, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam phối hợp với Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học vừa tổ chức hội thảo triển khai thí điểm phần mềm giám sát quản lý hồ sơ chi trả. Tại đây, các đại biểu đóng góp ý kiến về thí điểm sử dụng phần mềm mới để vận hành giám sát DVMTR thống nhất trong năm 2024.

Phần mềm giám sát sẽ giúp Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng từ cấp trung ương đến địa phương cập nhật kịp thời cơ sở dữ liệu thông tin về biến động diện tích, trạng thái rừng, nhật ký tuần tra rừng, chi trả tiền…, giúp nâng cao tính hiệu quả trong quá trình thực hiện chính sách.

Năm 2023, tổng diện tích chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh hơn 312.157ha. Trong đó, 11 chủ rừng đại diện cho tổ chức nhận khoán bảo vệ 297.409,56ha; 13 chủ rừng là UBND các xã được giao trách nhiệm nhận khoán bảo vệ 9.879,4ha; chủ rừng là 18 cộng đồng dân cư được giao khoán bảo vệ 4.868,30ha. Tính đến cuối tháng 11/2023, tổng thu tiền DVMTR hơn 169 tỷ đồng, đạt 91,58% kế hoạch năm.
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Giám sát chặt chẽ, giải ngân kịp thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO