Lâm nghiệp

Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Nâng cao năng lực giữ rừng chuyên nghiệp

HỒ QUÂN (hotranminhquanbc@gmail.com) 27/05/2025 15:22

(QNO) - Từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chủ rừng duy trì việc ký kết hợp đồng với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Đây là lực lượng bám sát địa bàn, có đủ năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm cao với diện tích lâm phận được giao quản lý, bảo vệ.

RUNG FINAL

(QNO) - Từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chủ rừng duy trì việc ký kết hợp đồng với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Đây là lực lượng bám sát địa bàn, có đủ năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm cao với diện tích lâm phận được giao quản lý, bảo vệ.

Phát huy hiệu quả chính sách

Tổng diện tích thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) thuộc lâm phận Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện Đông Giang quản lý là hơn 31.655ha. Trong đó, diện tích giao khoán cho 33 cộng đồng gần 16.162ha, còn lại 15.493ha do đơn vị tự tổ chức quản lý, bảo vệ.

DONG GIANG TUAN TRA BV R
Cộng đồng nhận khoán Đông Giang tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: HỒ QUÂN

Nguồn thu DVMTR hơn 15,9 tỷ đồng/năm, đơn vị chủ rừng đã chi cho cộng đồng hơn 8,6 tỷ đồng (số liệu năm 2024) để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR). Ông Nguyễn Mạnh Trường – Phó Trưởng BQL rừng phòng hộ Đông Giang cho biết, để đảm bảo tính công khai, minh bạch, các biên bản trả tiền, họp phân chia tiền, danh sách chi trả đến nhóm hộ, cộng đồng được niêm yết công khai tại UBND xã và nhà văn hóa thôn.

Đặc biệt, danh sách hộ nhận khoán, số tiền, chữ ký nhận tiền, xác nhận của địa phương, chủ rừng...; các hồ sơ, văn bản liên quan đến việc chi tiền, tăng hoặc giảm diện tích, thay đổi nhóm trưởng, hộ thành viên đều được công khai và bàn giao đầy đủ cho cộng đồng. Ngoài ra, sau từng đợt chi trả tiền, chủ rừng đều phân công cán bộ địa bàn phối hợp với cộng đồng thôn để nắm bắt tình hình sử dụng tiền DVMTR.

DONG GIANG BV R 1
Lực lượng chuyên trách BQL rừng phòng hộ Đông Giang phối hợp với cộng đồng nhận khoán tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: HỒ QUÂN

Với kinh phí chi cho công tác tự quản lý, bảo vệ, BQL rừng phòng hộ Đông Giang đã ký hợp đồng với 37 nhân viên BVR chuyên trách. Đồng thời chi trả cho công tác tuần tra, truy quét của lực lượng này. Theo phương án BVR đã được duyệt, chủ rừng này đã xây dựng 1 tổ BVR cơ động, 5 trạm và 3 chốt bảo vệ. Mỗi nhân viên hợp đồng chuyên trách được giao bảo vệ 250ha rừng.

Ông Trường cho biết, năm 2025, tổng kinh phí theo phương án thu, chi DVMTR đã được phê duyệt là gần 13,5 tỷ đồng. Từ nguồn thu này, đơn vị chủ rừng chủ động xây dựng phương án quản lý BVR, phòng cháy chữa cháy rừng, tập huấn nghiệp vụ và các nhiệm vụ liên quan đến chi trả DVMTR, tuần tra, truy quét…

BAN VOI TUAN TRA BV R
Một cánh rừng thuộc diện tích chi trả DVMTR của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi. Ảnh: HỒ QUÂN

Tại Quế Sơn, chủ rừng là Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi đang quản lý, bảo vệ hơn 19.000ha. Đối với nguồn thu từ diện tích chi trả DVMTR gần 5.730ha, chủ rừng này ký kết 9 hợp đồng chuyên trách để tự quản lý, bảo vệ. Trung bình, mỗi hợp đồng chuyên trách phải bảo vệ 636,5ha.

Ngoài ra, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi còn thụ hưởng chính sách bảo vệ rừng đặc dụng theo Quyết định số 24/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 22/2023 của HĐND tỉnh về hỗ trợ quản lý, BVR tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện. Từ kinh phí hỗ trợ của 2 chính sách này hơn 6,6 tỷ đồng/năm, chủ rừng ký kết thêm 42 hợp đồng chuyên trách BVR.

Ông Mai Văn Dưỡng – Giám đốc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi cho biết, lực lượng chuyên trách được phân công nhiệm vụ tại 3 trạm, 3 chốt và 1 tổ cơ động BVR, là nòng cốt thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền và tuần tra, truy quét ngăn chặn các hành vi khai thác, mua bán lâm sản, săn bắn, bẫy bắt động vật rừng; chặt phá rừng tự nhiên trái phép trong lâm phận được giao quản lý, bảo vệ…

Kiểm soát chặt tài nguyên rừng

BQL rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My được giao quản lý, bảo vệ 19.510ha thuộc diện DVMTR. Những năm qua, từ nguồn thu DVMTR, đơn vị đã ký kết 90 hợp đồng làm việc tại 5 trạm BVR. Tùy theo địa bàn, các trạm sẽ xây dựng chốt hoặc các tổ tuần tra, bảo vệ. Tổng cộng đã có 13 chốt và 3 tổ BVR được thành lập.

Lực lượng chuyên trách Ban QBL rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: HỒ QUÂN

Ông Châu Minh Ninh – Giám đốc BQL rừng phòng hộ Bắc Trà My cho biết, mỗi năm, lực lượng chuyên trách thực hiện khoảng 5.000 lượt tuần tra, kiểm soát hiện trạng rừng và phối hợp truy quét các tuyến giáp ranh, điểm khai thác khoáng sản trong lâm phận, các vị trí có nguy cơ khai thác củi, gỗ, xâm lấn rừng, săn bắt động vật, thu hái thực vật. Riêng 3 tháng đầu năm 2025, đơn vị đã tuần tra và phối hợp với lực lượng kiểm lâm truy quét hơn 1.100 lượt.

Ngoài ra, lực lượng chuyên trách các trạm sẽ tập trung công tác tuyên truyền, nắm bắt thông tin cơ sở và ký cam kết BVR, phòng cháy chữa cháy rừng với người dân; xác minh các điểm biến động rừng; thực hiện chuyển hóa địa bàn về lấn chiếm đất rừng, khai thác củi gỗ rừng tự nhiên, khai thác khoáng sản trái phép trong lâm phận quản lý.

[VIDEO] - Lực lượng chuyên trách BQL rừng phòng hộ Bắc Trà My tuần tra, BVR:

Thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp quản lý BVR nên địa bàn chuyển hóa - xã Trà Đốc hơn 1 năm nay không xảy ra vi phạm, người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật Lâm nghiệp.

Ông Châu Minh Ninh – Giám đốc BQL rừng phòng hộ Bắc Trà My

Tương tự, nhiều địa bàn, cánh rừng ở các huyện Phước Sơn, Nam Giang đã được chuyển hóa thành công, từ tinh thần trách nhiệm của lực lượng chuyên trách BVR. Ông Ung Duy Ba - Phó Giám đốc phụ trách BQL rừng phòng hộ huyện Phước Sơn thông tin, đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ hơn 40.300ha rừng, trong đó, diện tích chi trả DVMTR là hơn 33.600ha. Từ nguồn thu này, đơn vị đã ký kết 125 hợp đồng chuyên trách để bố trí làm việc tại 7 trạm quản lý BVR và 1 tổ cơ động.

PHUOC SON - BV RUNG
Lực lượng chuyên trách BQL rừng phòng hộ huyện Phước Sơn nỗ lực tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: HỒ QUÂN

Theo ông Ba, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm dần qua từng năm. Nếu như năm 2022 có đến 18 vụ vi phạm, thì năm 2024 lâm phận đã giao quản lý đã giảm xuống chỉ còn 4 vụ. Đáng mừng, năm 2024 trong lâm phận không xảy ra vụ cháy rừng.

Diện tích chi trả DVMTR của Vườn Quốc gia Sông Thanh là hơn 45.775ha. Chủ rừng này đã ký 96 hợp đồng chuyên trách BVR. Ngoài tuần tra, phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, lực lượng chuyên trách của chủ rừng này còn tích cực tham gia các hoạt động truy quét, chốt chặn khai thác vàng trong lâm phận quản lý. Chuyển biến rõ nhất là các các hầm vàng bị đánh sập trước đây đang được quản lý, bảo vệ tốt, không có dấu hiệu các đối tượng quay hoạt động.

Đào tạo nâng cao nghiệp vụ lâm nghiệp

Anh Lê Minh Tuấn (quê ở Bắc Trà My) ký kết hợp đồng với BQL rừng phòng hộ Nam Trà My từ năm 2021 và được bố trí nhiệm vụ Trạm quản lý, bảo vệ rừng Trà Linh. Sau hơn 1 năm làm việc, anh được lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện không bố trí công việc vào thứ 7 và chủ nhật để theo học lớp Trung cấp lâm nghiệp hệ chính quy do Trường Cao Đẳng Quảng Nam tổ chức giảng dạy tại Nam Trà My. Nhờ đó, anh được tiếp cận các kiến thức chuyên môn về quản lý BVR; thống kê lâm nghiệp, khí tượng thuỷ văn; kỹ thuật ươm cây, trồng rừng; nghiệp vụ điều tra rừng, đo đếm khối lượng gỗ,…

Trước khi tham gia vào lực lượng chuyên trách, tôi chưa có kiến thức gì về lâm nghiệp. Trong năm đầu tiên làm việc, tôi học hỏi đồng nghiệp từ quá trình tuần tra BVR để hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Song, kiến thức, kinh nghiệm vẫn còn hạn chế để có thể gắn bó lâu dài với công việc giữ rừng này. Do đó, khi Trường Cao Đẳng Quảng Nam mở lớp, tôi đăng ký theo học ngay"

Anh Lê Minh Tuấn

Năm 2024, Lê Minh Tuấn là một trong số 47 học viên thuộc BQL rừng phòng hộ huyện Nam Trà My tốt nghiệp lớp trung cấp lâm nghiệp. Anh Tuấn nói, từ kiến thức học được, anh và các đồng nghiệp thực hiện tốt công tác chuyên môn về quản lý, BVR. Đây là động lực để anh tiếp tục lớp liên thông cao đẳng vừa mở lớp tại Nam Trà My.

ntm.jpg
Lực lượng chuyên trách BQL rừng phòng hộ Nam Trà My tham gia lớp lớp cao đẳng và trung cấp lâm nghiệp hệ chính quy. Ảnh: HỒ QUÂN

Ông Nguyễn Vinh Hiền - Phó Giám đốc phụ trách BQL rừng phòng hộ huyện Nam Trà My cho biết, đơn vị rất chú trọng việc nâng cao kiến thức, nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Ngay sau thành công của lớp trung cấp lâm nghiệp đầu tiên năm 2024, đơn vị tiếp tục phối hợp với Trường Cao đẳng Quảng Nam khai giảng lớp cao đẳng và trung cấp lâm nghiệp hệ chính quy cho 95 học viên vào tháng 3/2025. Đây đều là lực lượng chuyên trách được đơn vị ký hợp hợp đồng tuyển dụng từ nguồn thu DVMTR.

“Chúng tôi đã phối hợp với giảng viên xây dựng thời khóa biểu phù hợp để vừa đảm bảo học viên tham gia các lớp học đầy đủ, vừa thực hiện tốt công tác quản lý BVR được giao. Đặc biệt, chúng tôi sẽ xin phép cấp thẩm quyền cho phép BQL rừng phòng hộ huyện Nam Trà My tích từ nguồn chi trả DVMTR và cải cách tiền lương để hỗ trợ lực lượng chuyên trách vừa học, vừa làm từ 20-30% mức lương cơ sở” – ông Hiền cho biết.

[VIDEO] - Ông Nguyễn Vinh Hiền - Phó Giám đốc phụ trách BQL rừng phòng hộ huyện Nam Trà My nói về công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách BVR:

Tại Tiên Lãnh (Tiên Phước), diện tích chi trả DVMTR lưu vực thủy điện Sông Tranh 3, Sông Tranh 4 là 1.167ha. Chủ rừng là UBND xã đã giao khoán cho 3 tổ BVR, với 14 thành viên để thực hiện quản lý nghiêm ngặt 5 tiểu khu là 551, 552, 553, 556 và 557. Đáng nói, các thành viên nhận khoán là cán bộ bán chuyên trách đã nghỉ việc, cán bộ thôn, công an viên, dù rất ham hiểu địa bàn và tâm huyết với công tác quản lý, BVR, song lại hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm về lâm nghiệp, nhất là ứng dụng các phần mềm phục vụ công việc.

TIEN LANH - BVR
Ông Nguyễn Văn Nhựt – kiểm lâm địa bàn (Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Phước) tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm GeoPfes cho lực lượng BVR xã Tiên Lãnh. Ảnh: HỒ QUÂN

Để nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng này, chủ rừng đã phối hợp Hạt kiểm lâm huyện Tiên Phước tập huấn kỹ năng sử dụng phần mềm GeoPfes. Ông Nguyễn Văn Nhựt – kiểm lâm địa bàn (Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Phước) cho biết, ứng dụng này sẽ hỗ trợ các hoạt động giám sát, đánh giá hiện trường rừng đến từng lô, khoảnh, tiểu khu. Trong quá trình tuần tra, sử dụng phần mềm này, lực lượng BVR sẽ cập nhật hình ảnh, vị trí, đo vẽ biến động rừng để chủ rừng giám sát.

Song song với sử dụng phần mềm, lực lượng BVR còn được trang bị kiến thức lập biên bản sau chuyến tuần tra để báo cáo chủ rừng, không còn phụ thuộc vào kiểm lâm địa bàn. Đây là cơ sở để nâng cao năng lực quản lý, BVR, góp phần vào công tác giữ rừng bền vững đối với địa bàn xã Tiên Lãnh.

Ông Nguyễn Văn Nhựt – kiểm lâm địa bàn (Hạt Kiểm lâm huyện Tiên Phước)

[VIDEO] - Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam tập huấn sơ cứu, cấp cứu, băng bó vết thương cho lực lượng chuyên trách:

Từ nguồn chi trả DVMTR được cấp hằng năm, các chủ rừng luôn ưu tiên chi một phần kinh phí cho công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách. Đặc biệt, các chủ rừng ở Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang – nơi sở hữu đa dạng sinh học cao, thường xuyên được tiếp cận các nguồn hỗ trợ của các dự án phi chính phủ để mở các khoá nghiệp vụ về cứu hộ động vật rừng, điều tra đa dạng sinh học; sơ cứu, băng bó vết thương và sử các phần mềm giám sát rừng,…

Ông Lê Hoàng Sơn – Giám đốc Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam cho biết, nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách luôn được đơn vị quan tâm. Trong đó, công tác sơ cứu, cấp cứu, băng bó vết thương sẽ được duy trì tổ chức khoảng 2-3 năm/lần để giảm thiểu rủi ro trong quá trình tuần tra BVR. Nhờ kiến thức sơ cấp cứu này, trong những năm qua, cán bộ, nhân viên của Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam bị thương, gãy chân trong quá trình tuần tra được sơ cứu kịp thời và đưa ra khỏi rừng điều trị an toàn.

SAO LA BV R

Thực hiện hiệu quả chính sách chi trả DVMTR, đến nay Quảng Nam hình thành, duy trì lực lượng chuyên trách hơn 1.000 người. Lực lượng này miệt mài bám dân, bám rừng, chuyển hóa các địa bàn trọng điểm về quản lý, BVR; ngăn chặn hiệu quả mối nguy về lấn chiếm rừng, phá rừng và cháy rừng, góp phần đưa Quảng Nam trở thành điểm sáng trong công tác giữ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.

Nội dung: HỒ QUÂN (hotranminhquanbc@gmail.com)

Trình bày: LÊ MỸ

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Nâng cao năng lực giữ rừng chuyên nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO