Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Thay đổi hình thức giao khoán

TRẦN HỮU 20/06/2019 14:29

Ngành lâm nghiệp đang trong lộ trình sắp xếp, chuyển giao, thay đổi các hình thức quản lý, bảo vệ rừng (BVR) theo hướng gọn nhưng hiệu quả. Lực lượng BVR  sẽ được hưởng lợi trong chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99 của Chính phủ, đồng thời có trách nhiệm hơn với diện tích được giao khoán, bảo vệ.

Việc chọn lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách cần được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.Ảnh: T.H
Việc chọn lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách cần được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.Ảnh: T.H

Linh hoạt giao khoán rừng

Nhiều diện tích rừng hiện nay do UBND xã quản lý và đây là chủ thể ký hợp đồng giao khoán BVR với các nhóm hộ gia đình, cá nhân theo chính sách chi trả DVMTR. Tại khu vực miền núi và trung du, các chủ rừng lớn (ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng hay khu bảo tồn), diện tích rừng bao trùm nhiều xã trong huyện và liên huyện. Vì vậy, chính quyền tỉnh đang rốt ráo chỉ đạo nhất quán trong cơ chế giao khoán, ủy quyền giao khoán BVR tại các địa phương.

Cụ thể, với Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi đang thực hiện chính sách chi trả DVMTR phần diện tích thuộc lưu vực thủy điện Duy Sơn (Duy Xuyên) 79ha và Đại Lộc phần diện tích thuộc lưu vực thủy điện Khe Diên 219ha, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn đang thực hiện DVMTR tại huyện Đại Lộc diện tích 4.742ha (thuộc lưu vực thủy điện An Điềm, Đại Đồng, Sông Cùng) thì bàn giao cho các xã tiếp tục quản lý.

Trong tháng 6, UBND xã ủy quyền cho ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng tổ chức quản lý, bảo vệ các diện tích rừng tự nhiên chưa giao, chưa cho thuê do UBND cấp xã đang trực tiếp quản lý. Do chưa thực hiện điều tra, lập hồ sơ nên tạm thời sử dụng diện tích theo số liệu diễn biến rừng ở thời điểm hiện tại. Đối với diện tích rừng tự nhiên tại xã đảo Tân Hiệp (Hội An), trước mắt chính quyền TP.Hội An giao cho Ban quản lý Dự án rừng trồng Cù Lao Chàm, UBND xã thực hiện, sau khi có quyết định giao đất giao rừng cho Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm sẽ giao cho đơn vị này quản lý.

Theo Sở NN&PTNT, những diện tích không chuyển đổi hình thức tổ chức quản lý, BVR gồm các dự án nước ngoài như dự án bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông mở rộng - BCC, dự án thiết kế trồng rừng bền vững do Chính phủ Đức tài trợ (KFW10) và dự án SIDA đang giai đoạn triển khai thực hiện. Diện tích đang triển khai giao khoán BVR cho hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn có sử dụng nguồn vốn ngân sách như Nghị định số 75, năm 2015 của Chính phủ và Quyết định số 886 của Thủ tướng.

Ngoài ra, không chuyển đổi hình thức tổ chức quản lý BVR với diện tích đang giao khoán cho hộ gia đình, nhóm hộ theo chính sách DVMTR trên địa bàn huyện Nam Trà My và diện tích đang thực hiện khoanh nuôi BVR. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Minh Hưng cho rằng, các nơi sẽ không cứng nhắc hình thức giao khoán quản lý rừng. Trong quá trình khảo sát thực tế để xây dựng phương án quản lý, BVR trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ rừng xác định những diện tích đã chuyển từ hình thức giao khoán cho nhóm hộ sang giao khoán cho cộng đồng quản lý BVR đạt hiệu quả cao thì giữ nguyên, không thực hiện chuyển sang BVR theo tổ tuần tra BVR.

Giữ rừng theo phương thức mới

Quan điểm của tỉnh, các diện tích rừng sẽ dần chuyển từ hình thức giao khoán BVR theo nhóm hộ, cộng đồng sang hình thức chủ rừng tự tổ chức quản lý, BVR theo lộ trình thời gian. Trước bất cập của mô hình giao khoán quản lý BVR theo nhóm hộ từ chính sách DVMTR, năm 2018, các địa phương, chủ rừng đã bắt đầu chuyển sang giao khoán BVR cho cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, từ năm 2019, ngành lâm nghiệp dần chuyển diện tích giao khoán rừng sang hình thức chủ rừng tự tổ chức quản lý, BVR.

Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các chủ rừng xác nhận diện tích được chi trả DVMTR trong năm 2018 là hơn 276.830ha (đạt gần 97% kế hoạch). Đơn vị này làm việc với các huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức xây dựng hồ sơ giao khoán rừng, phương án sử dụng tiền DVMTR để trình phê duyệt. Tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh phê duyệt năm 2019 có 14 lưu vực với diện tích thực hiện chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh là hơn 289.632ha.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện giao khoán rừng theo đội BVR chuyên trách, theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tính đến thời điểm này, chủ rừng này đã giao khoán rừng cho 120 nhóm hộ với diện tích hơn 27.680ha và một cộng đồng với 1.967 hộ; tổ tự BVR diện tích 9.795ha. Chủ rừng này chi tạm ứng tiền DVMTR qua 3 đợt hơn 4,7 tỷ đồng cho nhóm hộ, cộng đồng và hiện chuẩn bị chi trả tiền thanh toán năm 2018 và tạm ứng lần 1 năm 2019 cho các nhóm hộ và cộng đồng.

Hiện nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung đang ký hợp đồng với cộng đồng dân cư - người đại diện là trưởng thôn; ký hợp đồng với lực lượng BVR chuyên trách. Phối hợp với cộng đồng dân cư thôn và chính quyền địa phương tổ chức họp thôn lấy ý kiến thống nhất để lựa chọn các thành viên có đủ tiêu chí yêu cầu tham gia tổ BVR chuyên trách. Số người tham gia lực lượng BVR chuyên trách của mỗi cộng đồng tùy thuộc vào diện tích của từng thôn, nếu diện tích ít, có thể thành lập tổ BVR liên thôn.

Theo Quyết định số 44 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng BVR chuyên trách của chủ rừng có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi phá hoại rừng, khai thác lâm sản, săn bắn động vật rừng, lấn chiếm rừng trái pháp luật… Nói về khó khăn khi chuyển sang hình thức giữ rừng mới, ông Nguyễn Hữu Phước - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung cho rằng, hiện tại với hình thức giao khoán BVR cho các nhóm hộ, cộng đồng thì số lượng người tham gia và hưởng lợi rất lớn; khi chuyển sang tổ, đội BVR chuyên trách, lượng người tham gia, được hưởng lợi sẽ ít hơn gây nên trở ngại cho công tác tuyển chọn lực lượng BVR chuyên trách.

“BVR không phải một vài năm là xong mà đòi hỏi tính lâu dài. Câu hỏi đặt ra: Những người tham gia lực lượng BVR chuyên trách được ký hợp đồng trong 2 năm (2019 - 2020), liệu sau thời gian này họ sẽ về đâu khi không còn lực lượng chuyên trách BVR?” - ông Phước băn khoăn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chi trả dịch vụ môi trường rừng: Thay đổi hình thức giao khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO