Lâm nghiệp

Chuyển đổi số trong chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Quảng Nam

TRẦN HỮU - VĂN VƯƠNG 31/10/2024 11:06

QNO) – Việc ứng dụng công nghệ số đang giúp Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, lực lượng bảo vệ rừng dễ dàng phát hiện chính xác những biến động của rừng và đất lâm nghiệp. Qua đó tạo cơ sở thực thi chính sách dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) diễn ra kịp thời, minh bạch, tiết kiệm được chi phí, công sức, thời gian…

z5975187038559_d764e0e124ac920526a52d0faece5fce.jpg
Lực lượng bảo vệ rừng trong chuyến tuần tra rừng phòng hộ ở Nam Giang.

“Tai mắt” bảo vệ rừng

Trong số 462.320,5ha rừng tự nhiên của toàn tỉnh, thời điểm này cơ quan lâm nghiệp, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh xác định được diện tích chi trả DVMTR là 311.120,67ha. Các cánh rừng vùng tây xứ Quảng trải dài trùng điệp, nếu theo phương pháp kiểm kê rừng truyền thống thì sẽ có sai số diện tích rất lớn trong xác định trạng thái rừng giàu nghèo.

Những năm qua, các khu bảo tồn (Sao la, voi Nông Sơn), vườn quốc gia (Sông Thanh, Bạch Mã)… gần như khai thác được các tính năng tích hợp của công nghệ giải đoán ảnh viễn thám để phục vụ cho nhiệm vụ bảo tồn. Bằng chứng là bẫy ảnh viễn thám đã phát hiện, ghi nhận nhiều cá thể sao la, voi rừng còn sống.

Ông Hà Phước Phú – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh ví von, công nghệ viễn thám là “tai mắt”, vệ tinh quản lý bảo vệ rừng. Với độ bao phủ lớn, ảnh viễn thám được sử dụng để thu thập, xây dựng dữ liệu, tính toán, minh bạch trạng thái rừng giàu nghèo, hoặc xác định được khu vực không có rừng.

“Ảnh viễn thám đã và đang trở thành một công cụ đắc lực, mang lại hiệu quả cao trong giám sát và bảo vệ rừng” – ông Phú khẳng định.

Từ triển khai công nghệ số theo dõi diễn biến rừng mà năm 2023, cơ quan chức năng đã xác định không chi trả DVMTR với diện tích hơn 639ha. Bởi các nguyên do: phát hiện khu vực đất trống không đưa vào chi trả, khai thác rừng trồng và trồng rừng mới, sai khác hiện trạng kiểm kê rừng, canh tác nương rẫy cũ, diện tích rừng bị sạt lở, trùng lặp bản đồ, phá rừng tự nhiên....

z5590102389337_44de70c48dc04047551a769834e2fb05.jpg
Cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng của Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn dùng thiết bị công nghệ giám sát, theo dõi diễn biến rừng trong lâm phận được giao. Ảnh: H.P

Theo ông Nguyễn Văn Vương – Trưởng phòng Kế hoạch – kỹ thuật Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, năm 2019, phần mềm cập nhật diễn biến rừng (FRMS) được sử dụng phổ biến trong toàn bộ ngành lâm nghiệp, đặc biệt phần mềm giúp xác định diện tích rừng chi trả tại các địa phương nhanh chóng, kịp thời, độ chính xác cao, làm cơ sở chi trả tiền DVMTR hàng năm cho các chủ rừng.

“Công nghệ cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp, kịp thời phát hiện sớm những khu vực bị mất rừng để xác định nguyên nhân, ngăn chặn, xử lý theo quy định và báo cáo số liệu hằng năm lên cấp trên” – ông Vương khẳng định.

Ảnh vệ tinh giám sát hiệu quả các hệ sinh thái rừng. Bởi có chức năng phát hiện và theo dõi sự thay đổi theo thời gian trong đất đai, cây trồng bằng cách ghi lại một danh sách các tham số sinh học khí hậu như độ ẩm đất, việc thay đổi mục đích sử dụng đất, giám sát sự phát triển cây, theo dõi phá rừng, ước lượng lượng sinh khối, bảo tồn tự nhiên…

Ông Lê Quốc Hưng - Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia (Bộ TN-MT)

Thời gian qua, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm bản đồ trên thiết bị di động cho 18 cộng đồng tại 3 huyện Bắc Trà My, Tây Giang và Nam Giang. Mỗi đợt bám rừng, cộng đồng dân cư đều phải dùng điện thoại smartphone chụp ảnh ghi lại tọa độ hiện trường, diễn biến khu vực rừng được tuần tra.

Tùng bước số hóa dữ liệu

Để thực thi chính sách DVMTR, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã phối hợp với các huyện, UBND các xã tổ chức tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, Nghị định 156/2018/NĐ-CP về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; lợi ích từ việc chi trả tiền DVMTR không dùng tiền mặt.

Từ triển khai đồng bộ, thống nhất các phần mềm công nghệ cho các chủ rừng, việc xác định diện tích rừng chi trả DVMTR hằng năm dựa trên số liệu theo dõi diễn biến rừng để làm cơ sở chi trả (tạm ứng, thanh toán) đỡ tốn kém kinh phí, công sức, thời gian và đạt độ chính xác cao so với nghiệm thu trực tiếp diện tích rừng chi trả DVMTR trước đây.

z5984615098326_4c033c9bfa18f45a019cc48a4dbb0b07.jpg
Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam vừa tổ chức hội nghị tập huấn công tác tài chính chi trả DVMTR cho 11 chủ rừng là vườn quốc gia, các khu bảo tồn, ban quản ly rừng phòng hộ.

Việc chi trả DVMTR cho các chủ rừng ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới… qua tài khoản ngân hàng, giao dịch điện tử đã mang lại nhiều tiện lợi. Đồng thời, đã tiết kiệm được nhân lực, thời gian để thực hiện việc chi trả tiền DVMTR, giảm bớt lượng tiền mặt tồn quỹ, hạn chế được rủi ro mất mát

Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh Quảng Nam Huỳnh Đức

Điểm thuận lợi nữa, tháng 4/2024 UBND tỉnh đã ban hành quy định số lần tạm ứng, tỷ lệ tạm ứng và thanh toán tiền DVMTR hàng năm giúp công tác quản lý, điều hành, sử dụng nguồn tiền chi trả đúng quy định và đi vào nền nếp. Tại Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh, cán bộ, viên chức, người lao động đang sử dụng các phần mềm công nghệ số vào lĩnh vực kế toán, bảo hiểm, quản lý tài sản, kê khai và quyết toán thuế; sử dụng các phần mềm Mapinfor, QGIS để quản lý, theo dõi diện tích rừng chi trả, các chủ rừng...

Cạnh đó, đơn vị đăng tải các tin, bài tuyên truyền cũng như thông báo, số liệu về diện tích, số tiền chi trả để các chủ rừng, chính quyền và các cơ quan liên quan nắm bắt, khai thác... Các thông tin bổ ích đều được Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh chia sẻ lên các nền tảng mạng xã hội như: Zalo, fanpage facebook, youtube nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của đơn vị.

Đến ngày 15/10, Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam đã nhận thu ủy thác hơn 141,5 tỷ đồng tiền DVMTR, đạt hơn 72,7% kế hoạch năm 2024 (194,5 tỷ đồng). Nguồn thu chủ yếu từ các nhà máy thủy điện và điều phối từ Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển đổi số trong chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO