Chia sẻ kinh nghiệm cải thiện chỉ số PCI

TRỊNH DŨNG 20/07/2018 09:25

Thành lập trung tâm hành chính công; lập ban xúc tiến đầu tư; đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị; tương tác doanh nghiệp qua diễn đàn mạng hay kết nối khởi nghiệp… là những kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hội thảo do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID/Việt Nam) tổ chức tại Hội An vào hôm qua, 19.7.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: T.DŨNG
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: T.DŨNG

Kinh nghiệm từ các địa phương

Theo GS-TS.Edmund Malesky (Đại học Duke Hoa Kỳ), PCI không phải là công cụ duy nhất, không đo lường tất cả, không phải là nhân tố duy nhất, nhưng nó là một chỉ báo hữu ích về chất lượng điều hành hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân. PCI tạo ra động lực liên tục để bộ máy chính quyền địa phương thay đổi, cải thiện chất lượng điều hành kinh tế theo hướng tốt hơn. Không chỉ là cơ sở tham khảo quan trọng cho các cơ quan nhà nước mà còn là căn cứ để quyết định đầu tư, kinh doanh của nhiều nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến đầu tư.

Kết quả khảo sát PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2017 đã xuất hiện một quán quân mới là Quảng Ninh. Kể từ năm 2013, địa phương này liên tục đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Không phải là nơi đầu tiên triển khai, nhưng Quảng Ninh lại là tỉnh áp dụng khá hiệu quả công cụ giám sát từ bên ngoài để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính và chất lượng chỉ đạo, điều hành tại các ngành, các cấp trong tỉnh. Đó là việc triển khai xây dựng và công bố thường niên bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, huyện và thành phố (DDCI) từ năm 2015. Công cụ DDCI cho phép tỉnh giám sát hiệu quả và nâng cao trách nhiệm giải trình của các lãnh đạo sở ngành, huyện thị đối với hoạt động của các đơn vị mà họ phụ trách.

Năm 2017, Quảng Ninh tiên phong trong việc tận dụng sức mạnh của mạng xã hội, khi lập trang fanpage DDCI Quảng Ninh trên mạng Facebook. Sáng kiến này giúp tỉnh sớm nắm bắt và giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính ngay từ cấp cơ sở, trước khi chúng dồn tụ thành bức xúc và lan rộng. Tránh việc tiến hành đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp theo lối hình thức như trước đây, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã ủng hộ mô hình “Cafe doanh nhân” do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì, định kỳ hằng tháng tổ chức. Mô hình này tiến hành theo chuyên đề, với sự phối hợp của các sở, ban, ngành của tỉnh, để kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Bà Vũ Thị Kim Chi - Tổ phó Tổ công tác PCI Quảng Ninh cho biết, nỗ lực triển khai PCI của Quảng Ninh là một chặng đường cải cách bền bỉ. Quảng Ninh đã cải cách thông qua vận hành mô hình trung tâm hành chính công và thành lập ban xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp. Nhờ đó, Quảng Ninh từ vị thứ 27 năm 2006 (54,05 điểm) đã tiến đến vị thứ số 1 (70,69 điểm) năm 2017, đẩy tốc độ thu hút FDI từ tốp 5 toàn quốc đã tiến lên vị trí dẫn đầu.

Quảng Nam cũng trở thành gương mặt sáng giá khi PCI lọt vào tốp các tỉnh, thành có thứ hạng cao nhất, thuộc nhóm tốt. Theo ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư, mô hình của Quảng Nam là mô hình 3 trong 1 đầu tiên trên cả nước, bao gồm hành chính công, xúc tiến đầu tư, trợ doanh nghiệp; cơ quan đầu mối tập trung thực hiện quy trình 4 bước (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả) tại chỗ cho tổ chức, công dân. Mô hình này cũng giúp quảng bá tiềm năng, thế mạnh và nhu cầu đầu tư phát triển; tuyên truyền, kêu gọi, tư vấn, thu hút các nhà đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp từ các cuộc đối thoại, gặp gỡ định kỳ đều được chia sẻ, lắng nghe và giải quyết cụ thể.

Bến Tre lần đầu tiên bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu PCI, với những cải thiện rõ rệt trong các chỉ số thành phần. Ông Lê Xuân Vinh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp Bến Tre nói, địa phương kết nối khởi nghiệp thông qua các diễn đàn, sự kiện, kết nối hỗ trợ vốn khởi nghiệp, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển sinh kế, đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác. Nỗ lực của Bến Tre trong việc cải thiện chỉ số PCI thông qua rút ngắn tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tăng cường đối thoại doanh nghiệp. “Sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, từng sở, ngành, địa phương là hướng tới mục tiêu nâng cao mức sống người dân. Chúng tôi định hướng hun đúc tinh thần khởi nghiệp của mỗi người dân để thoát nghèo, làm giàu, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp và thu hút đầu tư, nhưng không phát triển số lượng doanh nghiệp bằng mọi giá mà hướng đến bảo đảm chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp” - ông Vinh nói.

Còn nhiều dư địa cải cách

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI nói, xu hướng môi trường kinh doanh khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên đã có sự cải thiện. Điểm số PCI của khu vực duyên hải miền Trung đã tăng từ 59,27 điểm (năm 2014) lên 63,09 điểm (năm 2017), Tây Nguyên cũng tăng từ 56,45 điểm (năm 2014) lên 60,05 điểm (năm 2017) nhưng vẫn nằm trong tốp trung bình. Theo ông Tuấn, dù có gia tăng liên tục về điểm số, song tốc độ cải cách tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên dường như chậm hơn các vùng khác. Cụ thể, năm 2014 khu vực duyên hải miền Trung “quán quân” về điểm số và Tây Nguyên đứng thứ 5 so với 4 vùng khác (Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, miền núi phía Bắc) thì năm 2017, duyên hải miền Trung đã tụt hạng đến thứ 3 và Tây Nguyên nằm ở hạng cuối cùng.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng không gian cải thiện hiện rất lớn. Kết quả khảo sát PCI 2017 đã ghi nhận các địa phương có những sáng kiến đặc biệt đã đẩy điểm số chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng nhanh. Có thể kể như sáng kiến đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị, sở, ngành (DDCI) khởi từ Lào Cai, hay đổi mới hoạt động đối thoại doanh nghiệp khởi nguồn từ Đồng Tháp đến Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hải Phòng và gần đây là Đăk Nông. Đó là sáng tạo trong giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp, như “Bác sĩ doanh nghiệp” ở Bắc Ninh trở thành không gian trợ giúp doanh nghiệp khác biệt. Sự sáng tạo này đã dẫn đến có đầu mối tổng hợp, theo dõi được tất cả vướng mắc kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp. Những khó khăn, vướng mắc được tìm hiểu ngọn ngành chứ không hình thức như trước. Mọi phản ánh đều phải giải quyết chứ không được “quên” hoặc “thoái thác”... “Cải thiện quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu sở, ngành, đào tạo cán bộ một cửa, xây dựng hiệp hội doanh nghiệp mạnh… cũng là những dư địa cải cách cần tiếp cận” - ông Tuấn nói. Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Trưởng ban chỉ đạo PCI cho hay, điều quan trọng cần làm trước tiên là minh bạch hóa môi trường pháp lý, để việc vận dụng và diễn giải theo ý muốn chủ quan không còn đất để tồn tại. Quan trọng nhất là con người tận tụy, thấu hiểu doanh nghiệp thì lo gì cải cách không thành công.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chia sẻ kinh nghiệm cải thiện chỉ số PCI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO