Chính quyền huyện Duy Xuyên lắng nghe doanh nghiệp

VĂN SỰ - PHI THÀNH 25/09/2023 16:44

(QNO) - Chiều qua 24/9, UBND huyện Duy Xuyên tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nhằm lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Quang cảnh hội nghị đối thoại chiều 24/9.  Ảnh: S.T
Quang cảnh hội nghị đối thoại chiều 24/9. Ảnh: S.T

Kinh tế gặp khó

Ông Nguyễn Văn Sĩ - Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Duy Xuyên cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng đơn hàng cũng như quy mô sản xuất của các nhà máy, doanh nghiệp giảm mạnh, hoạt động cầm chừng, giãn giờ làm, giảm công nhân…

Đáng chú ý, ngành công nghiệp may mặc xuất khẩu, vali, túi xách gặp khó khăn nhất. Ngoài Công ty Sedo Vinako tuyển dụng thêm 230 lao động, nâng tổng số lao động của nhà máy lên 5.423 người thì các doanh nghiệp còn lại cầm cự sản xuất.

[VIDEO] - Lãnh đạo huyện Duy Xuyên đối thoại với doanh nghiệp chiều 24/9:

Đơn cử như, Công ty Sơn Hà cắt giảm gần 1.000 lao động ở 2 cơ sở sản xuất tại Duy Tân và Duy Trung, sản lượng sản xuất các mặt hàng chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, Công ty May Huy Hoàng 2 cắt giảm 420 công nhân và Công ty Hitech giảm thêm 108 lao động, hoạt động sản xuất bằng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ vậy, hoạt động sản xuất gạch tuynel cũng tiếp tục gặp khó khăn do giá cả nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao, lượng hàng tồn kho lên đến 35 triệu viên. Hoạt động của các ngành tiểu thủ công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến.

Ông Đặng Hữu Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên phát biểu tại hội nghị.  Ảnh: S.T
Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: S.T
Qua thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của Duy Xuyên đạt 4.103 tỷ đồng, bằng 70,83% so kế hoạch năm 2023.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Sĩ, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn dẫn đến sức mua giảm, hoạt động kinh doanh tại các chợ, các điểm bán buôn, bán lẻ giảm sút mạnh so với các năm trước.

“Trong 9 tháng đầu năm 2023, huyện Duy Xuyên không tiếp nhận dự án mới, chỉ hướng dẫn chủ đầu tư triển khai các thủ tục theo quy định đối với các dự án chuyển tiếp, các dự án đã có chủ trương đầu tư và các dự án nhà ở thương mại…” - ông Sĩ nói thêm.

Đông đảo đại biểu và lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự. Ảnh: S.T
Đông đảo đại biểu và lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự. Ảnh: S.T

Chính quyền sát cánh

Không thể phủ nhận, nền kinh tế Duy Xuyên phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe cũng như sức mạnh và sự phát triển của doanh nghiệp. Bởi lẽ, kinh tế doanh nghiệp đang chiếm hơn 95% trong tổng số các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện, đồng thời tỷ lệ sử dụng lao động cũng chiếm tỷ trọng tương ứng.

Qua thống kê, toàn huyện Duy Xuyên hiện có 714 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký khoảng 7.500 tỷ đồng. Cùng với đó, nhiều công trình, dự án hoàn thành, đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả tích cực trong sản xuất - kinh doanh, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Các doanh nghiệp trao đổi về những khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh.   Ảnh: S.T
Các doanh nghiệp trao đổi về những khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ảnh: S.T

Ông Đặng Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mở rộng quy mô, đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Thống kê cho thấy, tổng số công nhân của các nhà máy trên địa bàn huyện lên đến 16.000 lao động, với mức lương bình quân đạt hơn 6 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Phúc, việc tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, doanh nhân khu vực nông thôn đã có những chuyến biến tích cực, mở ra hướng mới trong liên kết phát triển nông nghiệp theo chuỗi sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao, khẳng định thương hiệu, chất lượng của huyện Duy Xuyên.

“Thời gian qua, Duy Xuyên ban hành các kế hoạch, chương trình hành động để phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp được huyện đẩy mạnh. Ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy lợi thế của các trang mạng xã hội để tạo lập các nhóm Zalo, Facebook… nhằm chia sẻ, phổ biến, cập nhật thông tin, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp thường xuyên hơn.

Bà Trần Thị Hiển – Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Dương Kính được vinh danh tại hội nghị.  Ảnh: S.T
Bà Trần Thị Hiển - Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Dương Kính được vinh danh tại hội nghị. Ảnh: S.T

Ngoài ra, địa phương cũng đã thành lập Ban điều hành Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo huyện và Hội Khởi nghiệp sáng tạo. Qua đó quy tụ, tập hợp các tổ chức, cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp, liên kết và hỗ trợ nhau trong sản xuất - kinh doanh” - ông Phúc chia sẻ.

Tiếng nói doanh nghiệp

Ông Huỳnh Văn Chính - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29/3 Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã và đang đầu tư 3 dự án ở Cụm công nghiệp Tây An (xã Duy Trung) chuyên về lĩnh vực may mặc. Hiện nay, 2 dự án đã đi vào hoạt động ổn định, còn 1 dự án đang gặp vướng.

“Khi chúng tôi xây dựng xong đề án hoạt động sản xuất - kinh doanh thì 2 năm dịch bệnh COVID-19 kéo dài, giờ đến suy thoái kinh tế toàn cầu. Lúc đầu tư, chúng tôi có đề án, mua lại tài sản trên đất và quyền sử dụng đất hơn mười mấy tỷ đồng, cả tiền ký quỹ. Trong 4 năm nay, doanh nghiệp chưa hoạt động là do nguyên nhân bất khả kháng.

Tuy nhiên, thu tiền ký quỹ nên doanh nghiệp rất khó khăn. Doanh nghiệp luôn giữ trách nhiệm xã hội. Vì vậy, tại hội nghị đối thoại này, tôi mong chính quyền địa phương hỗ trợ thủ tục về mặt pháp lý liên quan để doanh nghiệp sớm triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh” - ông Chính nói.

Hạ tầng Cụm công nghiệp Đông Yên (xã Duy Trinh) được quan tâm đầu tư.  Ảnh: S.T
Hạ tầng Cụm công nghiệp Đông Yên (xã Duy Trinh) được quan tâm đầu tư. Ảnh: S.T

Còn ông Phan Ngọc Anh - Giám đốc Công ty TNHH VLXD Phan Ngọc Anh cho biết, các quy trình, hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai gặp rất nhiều vướng mắc. Ngành chức năng ở tỉnh, huyện phải cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh, giải quyết bài toán việc làm, đóng góp xây dựng quê hương.

Theo bà Trần Thị Hiển – Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Dương Kính, hiện nay hạ tầng tại các cụm công nghiệp còn khá nhếch nhác, đường giao thông dang dở, gây khó khăn trong vận chuyển hàng hóa. Hệ thống thu gom, xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ. Việc đăng ký nhãn nhiệu hàng hóa của doanh nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ ì ạch, chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư với các đối tác.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng có thủ tục yêu cầu thẩm định nguyên vật liệu xây dựng nhập khẩu nước ngoài thông qua Sở Xây dựng nên ảnh hưởng đến thời gian, hoạt động của doanh nghiệp.

“Các nước như Singapore, Trung Quốc có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi công nghệ, thúc đẩy sản xuất nhưng Việt Nam thì doanh nghiệp khá cô đơn, tự thân vận động. Vì vậy, để doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh là rất khó” - bà Hiển nói thêm.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, các ngành liên quan ở tỉnh, huyện Duy Xuyên cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ giải quyết rốt ráo hồ sơ thủ tục pháp lý về thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khai thác nguyên vật liệu như đất, cát, đá. Mặt khác, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển ứng dụng công nghệ trong sản xuất - kinh doanh. Thực hiện các dự án đầu tư, bảo đảm phòng cháy, chữa cháy tại các doanh nghiệp, đầu tư năng lượng thay thế như điện mặt trời…
Huyện Duy Xuyên cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp.  Ảnh: S.T
Huyện Duy Xuyên cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp. Ảnh: S.T

Với tinh thần cầu thị, ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên lắng nghe, tiếp thu và trả lời đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời, chia sẻ, thông tin về những chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư trên địa bàn, khẳng định luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Ông Đức đề nghị các ngành, đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình giải quyết các hồ sơ thủ tục. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong từng dự án cụ thể…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính quyền huyện Duy Xuyên lắng nghe doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO