Nội dung nghị quyết quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố; chế độ hỗ trợ thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư trên địa bàn tỉnh, được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 11 có nhiều điều chỉnh đáng chú ý so với các dự thảo lấy ý kiến trước đó.
Tạo cơ chế “mở” cho địa phương
Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua cơ bản thống nhất theo các nội dung do UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Cụ thể, về số lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã thực hiện theo đúng Nghị định số 34/2019 của Chính phủ, tức là 14 người/cấp xã loại 1; 12 người/cấp xã loại 2 và 10/cấp xã loại 3. Về chức danh và bố trí chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã có nhiều điều chỉnh, nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua quy định các chức danh hoạt động không chuyên trách cấp xã theo 3 khối (khối Đảng, chính quyền, Mặt trận đoàn thể), chứ không quy định cụ thể về số lượng người đảm nhiệm chức danh như dự thảo trước đó.
Chẳng hạn, về bố trí chức danh, dự thảo lần thứ 6 của Sở Nội vụ trình UBND tỉnh quy định, với khối Đảng, bố trí 2 người đảm nhiệm 2 chức danh cho tất cả loại xã; khối chính quyền quy định 6 chức danh (bố trí không quá 7 người cho xã loại 1, không quá 6 người cho xã loại 2, không quá 5 người cho xã loại 3); khối Mặt trận và đoàn thể quy định 6 chức danh (bố trí không quá 5 người với xã loại 1, không quá 4 người với xã loại 2, không quá 3 người cho xã loại 3). Tuy nhiên, nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua nêu rõ, về bố trí các chức danh: Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể xã, phường, thị trấn căn cứ số lượng, chức danh nêu trên thực hiện việc bố trí, bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã, nhưng không quá số lượng tối đa theo quy định nêu trên. Ưu tiên bố trí các chức danh theo quy định trong hệ thống chính trị, sau đó mới bố trí các chức danh người hoạt động không chuyên trách còn lại.
Ngoài ra, Nghị quyết của HĐND tỉnh cũng nêu rõ: “Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, UBND cấp huyện có thể quyết định chuyển giao một số nhiệm vụ ở các chức danh không chuyên trách thuộc khối chính quyền cho các chức danh công chức cấp xã đảm nhiệm để hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Kiêm nhiệm sẽ được hưởng thêm 70% phụ cấp
Một trong những nội dung dành được sự quan tâm nhiều nhất là mức phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh thông qua vẫn giữ mức phụ cấp chung hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (bao gồm 17% bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) là 2.160.500đ/người/tháng. Đối với phó trưởng công an, phó chỉ huy trưởng quân sự xã là 2.458.500 đồng/người/tháng. Mức phụ cấp kiêm nhiệm là 70% thay vì 50% như UBND tỉnh trình. Trường hợp kiêm nhiệm nhiều chức danh cũng chỉ được hưởng một mức phụ cấp kiêm nhiệm. Đây là nội dung đáng lưu ý cho các địa phương trong vấn đề bố trí chức danh kiêm nhiệm, nhằm tăng hiệu quả hoạt động, vừa nâng cao thu nhập cho người hoạt động không chuyên trách.
Đồng thời, HĐND tỉnh đã thống nhất phương án giải quyết chế độ hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp bộ máy khi thực hiện Nghị định 34/2019 của Chính phủ. Cụ thể, việc giải quyết chế độ hỗ trợ sẽ được tính căn cứ theo thời gian công tác lẫn thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Theo đó, mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội ở chức danh hiện giữ, được hỗ trợ 1,5 tháng phụ cấp và mỗi năm công tác không đóng bảo hiểm xã hội được hỗ trợ 1,0 tháng phụ cấp nhưng quy định không quá 10 năm. Trước đó, dự thảo lần 6 do Sở Nội vụ trình UBND tỉnh chỉ đề xuất 1 phương án tính theo năm đóng bảo hiểm xã hội; dự thảo lần cuối trình kỳ họp thứ 11 thì đưa ra 2 phương án, một theo năm đóng bảo hiểm xã hội, hai theo năm công tác. Tuy nhiên những phương án này được không nhận được sự đồng tình, nên HĐND tỉnh đã thống nhất phương án vừa tính theo năm công tác vừa tính theo năm đóng bảo hiểm xã hội.