Đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở TP.Tam Kỳ: Những vướng mắc cần tháo gỡ

THÚY SƯƠNG 27/02/2019 16:46

Từ năm 2017, TP.Tam Kỳ thực hiện việc đánh giá xã phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này cũng gặp phải một số khó khăn cần tháo gỡ...

Kết quả bước đầu

Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở (gọi tắt là chuẩn tiếp cận pháp luật) theo Quyết định số 619/QĐ-TTg dựa trên 5 tiêu chí gồm: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Hòa giải ở cơ sở; Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thành phố đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở; thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận thành phố và ban hành các văn bản chỉ đạo UBND các xã, phường thực hiện việc tự chấm điểm. Việc đánh giá xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện theo đúng Quyết định số 619/QĐ-TTg về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28.7.2017 của Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Kết quả đánh giá 2 năm qua (2017 - 2018), TP.Tam Kỳ có 11/13 xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2018 và 2/13 xã, phường chưa đạt do trong năm có cán bộ công chức bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên liên quan đến thực thi công vụ.

Khó khăn cần tháo gỡ

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật còn gặp nhiều khó khăn như lãnh đạo một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo sâu sát việc xây dựng và đánh giá xã phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, dẫn đến đánh giá một cách sơ sài và không khách quan, thực chất, không kịp thời. Các hoạt động liên quan đến đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai ở các cấp còn chậm, có lúc, có nơi còn lúng túng. Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện còn hạn chế. Việc lấy phiếu hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại UBND cấp xã chưa được khách quan. Mẫu phiếu đánh giá kết quả hài lòng theo Thông tư số 07/2017/TT-BTP không đồng nhất với mẫu đánh giá kết quả hài lòng của Bộ Nội vụ. Quyết định số 619/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2017/TT-BTP chỉ quy định trường hợp cộng, trừ điểm đối với chỉ tiêu cùng tăng hoặc cùng giảm mà không quy định nội dung này tăng, nội dung kia giảm thì chấm điểm như thế nào, gây khó khăn cho địa phương và Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật thành phố trong việc đánh giá. Kinh phí cho công tác này cũng chưa được đầu tư bố trí riêng và chưa cân xứng với nhiệm vụ mà cơ quan tham mưu phải thực hiện. Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định kết quả xây dựng xã phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền xã phường đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh”; là tiêu chí đánh giá thi đua của chính quyền cấp xã; tuy nhiên, thời điểm đánh giá tiếp cận pháp luật sau khi đánh giá những nội dung trên là chưa hợp lý, các cơ quan đơn vị, địa phương không lấy kết quả đánh giá tiếp cận pháp luật làm cơ sở để đánh giá những nội dung đã nêu.

Từ những bất cập, vướng mắc nêu trên trong quá trình triển khai thực hiện, TP.Tam Kỳ rất mong các cơ quan có thẩm quyền có văn bản hướng dẫn đánh giá, cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật và các biểu mẫu làm tài liệu, hồ sơ kiểm chứng đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho hợp lý. Trong đó có nhiều điểm cần điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với thực tiễn của các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở TP.Tam Kỳ: Những vướng mắc cần tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO