Văn hóa

Chợ cá làng ngư phủ

HẠ NGUYÊN 06/05/2024 14:22

(VHQN) - Việt Nam - một đất nước “nhoài ra phía biển”. Vậy nên chợ biển – chợ cá làng chài trở thành không gian nghệ thuật đặc trưng. Từ ca dao đến thơ ca trung đại, văn chương hiện đại, bóng dáng chợ cá làng chài ẩn hiện nhiều suy tư...

z5301233851437_992d92bac890fb2d98bc2aeb0214a0c6.jpg
Chợ cá làng biển. Ảnh: Phạm Toàn

Buổi chợ hàng chài

Chợ cá ven biển thường chỉ họp trong quãng thời gian ngắn. Chợ làng chài thường tấp nập, xôn xao mà chóng vánh. Có lẽ vậy nên trong ca dao về tình yêu đôi lứa, không gian chợ cá và chuyện chọn mặt hàng tươi ngon trở thành ẩn dụ thú vị cho chuyện “kén cá chọn canh” ở quãng son trẻ ngắn ngủi của đời người:

“Buổi chợ đương đông, con cá hồng anh chê lạt/ Buổi chợ tan rồi, con tép bạc, anh cũng khen ngon/ Buổi chợ đông, con cá hồng chê lạt/ Buổi chợ tàn, con tép bạc phải mua/ Buổi chợ đông, con cá lóc đồng chê lạt/ Buổi chợ tan rồi con cá sặc cũng mua”.

Bài ca dao có nhiều dị bản, nhưng đều được xây dựng theo cấu trúc đối lập giữa “buổi chợ đông” và “buổi chợ tàn”. Phải chăng, để tái hiện cái ngắn ngủi của tuổi trẻ, của đời người, qua đó phê phán thái độ chủ quan, do dự để rồi bỏ qua những lựa chọn tốt nhất. Bởi, “chợ” cũng là “đời”, đi chợ cũng như dấn thân vào đời sống, đều cần thái độ tỉnh táo mà khoan hòa, vừa lựa chọn vừa thể tất, bao dung mới mong trọn vẹn kẻ bán – người mua.

phoi-ca-ho-nguyen-dien-ngoc-1-.jpg
Khung cảnh làng chài quê. Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc

Không gian yên bình, ấm no

Khác với tính chất “nước đôi” đa nghĩa của ca dao, những làng chài ven biển và chợ làng chài đi vào thơ ca trung đại như một không gian hiện thực, là thước đo cho sự no ấm, bình yên của một miền quê.

Vua Trần Anh Tông đi chinh phạt Chiêm Thành trở về, ghé lại cửa biển Phúc Thành (Ninh Bình ngày nay) lúc rạng sáng, ghi lại khung cảnh êm đềm, thơ mộng của làng chài ven biển qua bài thơ “Chinh Chiêm Thành hoàn chu bạc Phúc Thành cảng (Đánh Chiêm Thành về, đậu thuyền ở cửa biển Phúc Thành).

Bài thơ khắc họa khung cảnh một làng chài bình dị nhưng thơ mộng, gợi những tâm tư sâu lắng của người đánh trận trở về. Vừa trải qua cảnh binh lửa nhưng đứng trước khung cảnh thanh bình của làng chài đầu ngọn sóng, lòng người như ấm lại, tạm quên đi những hình ảnh của cuộc binh lửa:

“Thuyền gấm đường về buộc guốc đa/ Sương mai nặng hạt ướt mui là/ Đầu thông xóm núi trăng vừa ló/ Răm đỏ làng chài gió đã qua/Muôn đội cờ bay, vùng biển rạng/ Năm canh kèn trống, điện trời sa/ Bên song chợt ấm lòng sông biển/ Màn trướng thôi vương giấc mộng hoa” (Bản dịch của Phạm Tú Châu).

Nếu không gian làng chài trong bài thơ trên được khắc họa với nhiều hình ảnh thơ mộng thì trong “Bảo kính cảnh giới” - bài 43, Nguyễn Trãi lại tái hiện âm thanh của chợ cá hòa với tiếng ve kêu râm ran để tạo nên sinh khí của bức tranh đời sống thôn quê ngày hè:

“Lao xao chợ cá làng ngư phủ/Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương/ Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng/Dân giàu đủ khắp đòi phương”.

Thơ ca trung đại thường gợi nhiều hơn tả nên chỉ bằng phép đảo ngữ, nhấn mạnh âm thanh “lao xao” của chợ cá làng chài, Nguyễn Trãi đã làm sống lại không khí rộn ràng trên bến dưới thuyền, người mua kẻ bán trao đổi, mặc cả xao động cả làng quê yên ả.

Nguyễn Trãi từng trải qua hai mươi năm sương gió, nằm gai nếm mật trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, chứng kiến bao đau thương của nhân dân trước họa ngoại xâm. Vì vậy, với ông, âm thanh rộn rã của chợ chiều làng chài tuy giản dị nhưng lại khơi dậy nỗi xúc động sâu xa bởi sự yên bình ấy phải đánh đổi bao máu xương. Âm thanh huyên náo của chợ quê cũng dấy lên trong ông ước mơ có được cây đàn của vua Ngu Thuấn để tấu lên khúc hát Nam phong cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

z5301233978371_772501a97e2eb5fc22411412ad63fc26.jpg
Rộn ràng chợ bên chân sóng. Ảnh: Phạm Toàn

“Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều?”

Âm thanh giản dị mà ấm áp của buổi chợ chiều trong “Quốc âm thi tập” (Nguyễn Trãi) có lẽ trở thành nỗi nhớ mong khắc khoải của Huy Cận trong “Tràng giang” thời Thơ mới: “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều?”.

Nhắc đến phong trào Thơ mới, không thể bỏ qua hình ảnh một làng chài ven biển Quảng Ngãi đã in sâu trong tâm hồn bao thế hệ người đọc: “Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ/Khắp dân làng tấp nập đón ghe về (Trích Quê hương, Tế Hanh).

Trong “thi phái” thơ quê của phong trào Thơ mới, Nguyễn Bính, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ tách hẳn thành một nhánh bởi hình ảnh và phong vị thơ đậm chất làng cảnh Bắc Bộ. Chỉ riêng Tế Hanh “một mình một cõi” với hình ảnh làng quê duyên hải miền Trung nồng nàn hương vị của biển.

Thơ Tế Hanh giản dị nhưng bao giờ cũng khiến người đọc cảm động rưng rưng bởi ngồn ngộn âm thanh, hình ảnh, mùi vị ký ức quê nhà. Có ai sống thấp thỏm trong nỗi đợi chờ trước thềm biển mới hiểu thấu sự khắc nghiệt của nghề chài lưới: “Vầng trán mặt giọt mồ hôi cay đắng/ Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm” (Trước biển, Vũ Quần Phương). Trong cuộc chinh phục đại dương đầy thử thách ấy, người trai làng chài được Tế Hanh “điêu khắc” dày dặn như những bức tượng Odyssey: “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng/ Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”.

Những làng chài ven biển miền Trung ấy không chỉ vẹn nguyên trong tâm hồn Tế Hanh mà còn sống lại tươi rói trong ký ức nhà thơ Thu Bồn của thời đại kháng chiến chống Mỹ: “Những gánh cá ngời ánh bạc/Bàn chân thoăn thoắt chạy đi nhanh/Bờ biển lặng em cao tiếng hát/Nước thủy triều lên dào dạt ghe mành/ Ngày ra đi anh hẹn em trở lại/ Muối biển trọn đời vẫn mặn anh ơi/ Hãy nhớ em, nhớ con thuyền gợi sóng/ Một cánh buồm con mỏng mảnh giữa chân trời” (Trích Trường ca Bài ca chim Chơ-rao, Thu Bồn).

Dẫu lấy bối cảnh là vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, bạt ngàn nắng gió nhưng trường ca “Bài ca chim Chơ-rao” của Thu Bồn đã mở rộng chiều kích của đất nước bằng không gian của nỗi nhớ mênh mông. Trong giấc mơ của người chiến sĩ bị gông cùm trong xà lim giặc Mỹ, có bóng dáng miền quê biển dạt dào tôm cá và tấm lòng yêu mặn mà như muối của người con gái “có tâm hồn sóng biển”.

Điểm qua bóng dáng chợ cá làng chài trong thơ ca Việt xưa nay, ta thấy không gian làng chài không chỉ là bối cảnh thân thuộc tạo nên tâm hồn Việt. Trong không gian ấy còn bao suy tư, mong ước của con người về một cuộc sống bình yên, sung túc, gắn với khát vọng chinh phục tự nhiên hào hùng, lãng mạn.

Giữa thời đại của gió lốc đô thị hóa, mong âm thanh của “chợ cá làng ngư phủ” vẫn mãi xôn xao để giữ cho đời sống dân tộc một điểm tựa gợi nhớ nguồn cội: “Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào” (Huy Cận).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chợ cá làng ngư phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO