Góc suy ngẫm

Chờ đợi phía HÀNH LANG

NGUYỄN ĐIỆN NAM 29/09/2024 07:15

Hội thảo quốc tế kết nối vùng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây qua cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc, tiềm năng và cơ hội phát triển, dự kiến tổ chức cuối tuần này tại Quảng Nam, rất tiếc đã hoãn lại. Tuy nhiên, sự kiện này hẳn sẽ được mở vào thời điểm thích hợp bởi mong mỏi, chờ đợi một chuyển biến mới nhằm giải tỏa các ách tắc, khơi thông dòng chảy logistics liên vùng.

Hành lang kinh tế Đông - Tây (East-West Economic Corridor - EWEC) là sáng kiến đã trải qua chặng đường 26 năm đằng đẵng. Tại Hội nghị Bộ trưởng Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng lần thứ tám, tổ chức tại Philipines vào năm 1998, đã đưa ra chương trình hợp tác phát triển kinh tế thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông thông qua là tuyến đường bộ dài 1.450 km, bắt đầu từ Mawlamyine (Myanmar), kết thúc tại Đà Nẵng (Việt Nam), nối liền 4 nước gồm Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam.

EWEC bước đầu đã tạo điều kiện tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư và phát triển giữa các nước trong khu vực, đồng thời góp phần giảm nghèo, hỗ trợ phát triển khu vực dọc biên giới và các vùng nông thôn, phát triển du lịch...

Một trong những mục tiêu kỳ vọng mà EWEC đem lại là giao thương qua biên giới trên hành lang sẽ giúp tăng trưởng mạnh mẽ thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Các chuyên gia cũng nhận định, EWEC có thể trở thành lối vào/ra Đông Nam Á cho Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, điều này giúp EWEC đứng trước những cơ hội rất lớn để phát huy tiềm năng và thế mạnh.

Trong khi đó, Việt Nam ở vào thế “đắc địa” vì được nhiều doanh nghiệp quốc tế chọn làm cứ điểm sản xuất và phân phối, là mắt xích quan trọng của chuỗi logistics toàn cầu.

Đặc biệt, lợi thế rất lớn của Việt Nam là có hệ thống cảng biển, như “hiên nhà” phía cuối hành lang, có thể kết nối Đông Dương ra Biển Đông đến các đại lộ kinh tế thương mại châu Á và thế giới.

Trong nội vùng Việt Nam, ngoài Quảng Trị, Đà Nẵng đã tham gia sâu vào EWEC thì Quảng Nam có lợi thế gì? Với hơn 157km đường biên giới tiếp giáp tỉnh Sê Kông (Lào) và có cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc, Quảng Nam giữ vai trò kết nối giữa vùng Nam Lào với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam ra Biển Đông.

Cửa khẩu Nam Giang thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang, được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế từ 22/12/2020, công bố khai trương ngày 14/8/2021.

Việc nâng cấp cửa khẩu này thành cửa khẩu quốc tế mở ra con đường ngắn nhất kết nối vận tải thông thương hàng hóa, thương mại, du lịch, dịch vụ... từ vùng Đông Bắc Thái Lan → Nam Lào → cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Oọc → QL14D/QL14B/QL14E → thành phố Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, cảng Chu Lai…

Phân tích sâu hơn về lợi thế của cung đường “ngắn nhất” có thể chỉ ra rằng, nếu so với các cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) và Lao Bảo (Quảng Trị), cửa khẩu Nam Giang có thể chiếm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh thu hút hàng hóa.

Bởi chỉ cần cung đường 123km đến Lạ Màm (thủ phủ Sê Kông) thông thương, là hàng hóa từ Bangkok về Đà Nẵng chỉ đi thêm khoảng 300km. Và giao thương qua con đường EWEC2 từ Bangkok về Đà Nẵng chỉ phải qua khoảng 1.100km, gần hơn 400km so với vận chuyển qua cửa khẩu Lao Bảo.

Tuy tiềm năng, lợi thế lớn, nhưng có được hiện thực hóa hay không thì phải giải tỏa nhiều điểm nghẽn, trong đó lớn nhất với Quảng Nam là đề xuất Chính phủ, Bộ GTVT sớm đầu tư, nâng cấp tuyến quốc lộ 14D từ Cửa khẩu quốc tế Nam Giang về đường Hồ Chí Minh (74,4km) theo tiêu chuẩn quy định tại Nghị định 34/2023/NĐ-CP ngày 16/6/2023.

Hiện nay, đây là “con đường đau khổ” vì hư nát trầm trọng mà Báo Quảng Nam đã nhiều lần phản ánh. Ngoài ra, cũng cần nói thêm là EWEC còn nhiều bất cập trong hạ tầng đã tạo những rào cản, “nút thắt” kéo hãm tốc độ vận chuyển hàng hóa, đồng thời làm giảm tốc độ phát triển của các nền kinh tế trong tuyến.

Chờ đợi phía hành lang thông thoáng thì “hiên nhà” nhìn ra Biển Đông của Quảng Nam và Việt Nam mới tươi sáng, đón dòng chảy hàng hóa, dịch vụ giao thương mạnh mẽ hơn!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chờ đợi phía HÀNH LANG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO