Nói đến chợ tết, thì chợ phố vẫn giữ vai trò trung tâm, tập trung nhiều hàng hóa, từ áo quần, bánh mứt, đồ thờ cúng, trang trí nhà cửa cho tới thịt thà, rau củ… và đặc biệt là hoa. Chợ phố với cư dân phố cổ, là chợ Hội An.
Dịp giáp tết, chợ phố giãn thêm ra, men theo mấy bờ lề hẹp của những con đường nho nhỏ xung quanh chợ như Trần Phú, Trần Quý Cáp... Có mấy mẹ mấy chị người làng Trà Quế, Cẩm Kim, Cẩm Châu bày những mẹt rau, hoa, quả vườn nhà trồng được ngồi dọc đó.
Ngày thường, họ chỉ lui tới chợ quê gần nhà, có người cả năm không bán mặt hàng nào cả, nhưng sắp đến tết cũng... vui chân ra bán hàng ở phố. Nhà có thứ rau thơm, quả lành gì đem ra đây cũng sẽ được giá hơn ngày thường và nhanh hết hàng hơn ở chợ quê.
Từ sau cái mốc “Ông tha mà bà chẳng tha/Bà cho cái lụt hăm ba tháng Mười” mỗi năm, tiết trời ở Hội An không còn mưa lụt nữa. Người dân lại rủ nhau gieo hạt giống rau màu vụ đông để gánh ra chợ tết bán, kiếm chút tiền trang trải cho những ngày cuối năm..
Những bàn tay ngày nào quen tảo tần chăm bón, nay khéo léo xếp bày, phô từng mẹt rau, bó hoa vườn bên đường phố chợ. Ngồi xúm tụm với nhau, họ mang theo ra phố những câu chuyện về nhà cửa, chồng con, về một năm quần quật với mưa nắng, gió sương và những lo toan, bận bịu chưa bao giờ dứt.
Các tiệm buôn xung quanh chợ, tại góc các đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Trần Quý Cáp cũng gom sẵn hàng tết, chủ yếu là những mặt hàng bài trí, trang hoàng nhà cửa như đồ sành sứ, chén bát, kệ chạn… Người ra kẻ vào đông vui, nhộn nhịp từ sáng cho đến tận đêm.
Gần các hàng bán đồ thờ cúng như giác trầm, hương vòng, cát trắng, giấy điều… thường thấy bày bán một loại bánh mang nét đặc trưng của tết Hội An. Tên bánh đã đi vào thơ ca như một niềm tự hào về quê hương, xứ sở: “Nem chả Hòa Vang/ Bánh tổ Hội An/ Khoai lang Trà Đõa/ Thơm rượu Tam Kỳ”.
Tuy đơn giản từ bột nếp, đường bát truyền thống và gừng tươi quyện vào nhau song ý nghĩa của bánh tổ tinh tế trong hình dáng chiếc tổ ấm cúng, thể hiện tấm lòng thơm thảo, quy tụ của con cháu khi hướng đến ông bà, tổ tiên.
Còn nhớ hồi cuối thế kỷ 20, những chậu hoa tết ở chợ phố có cúc vạn thọ, cúc Đà Lạt nhiều màu, thược dược, hường, ớt kiểng. Những chậu cây thô mộc đúc bằng xi măng, không tô vẽ, có khi người bán cũng chỉ bứng nguyên gốc cây cho vào bao đem ra chợ, bày xen kẽ giữa các hàng rau trái, gà, vịt, cũng từ quê ra.
Sau này, những người bán hoa cảnh bảo nhau tập hợp lại một góc chợ đoạn đường Nguyễn Huệ để cho khách dễ ngắm nghía, chọn lựa. Dần dần, thành phố đã quan tâm bố trí các bờ lề dọc đường Trần Hưng Đạo gần đấy, đoạn không có nhà dân, để hình thành nên chợ hoa tết như bây giờ.
Những ngày giáp tết ở Hội An, bên một cái chợ nhộn nhịp, đông đúc, từ mờ sáng đến tận đêm muộn là con đường hoa nồng nàn sắc hương...
Đi chợ ngày tết, người chen với người mà không thấy chật chội, hàng chen với hàng nhưng người bán kẻ mua ai nấy đều cười nói thân tình.