Những ngày cuối năm, không khí chộn rộn ở thành phố càng làm nóng lòng những lao động xa quê. Xé từng tờ lịch, đếm ngược để chờ ngày về quê ăn tết...
“Người Việt mình là thế, quê nhà có xa cả ngàn cây số hay bên hông nơi làm việc thì cảm giác tết ai cũng như nhau. Anh em chúng tôi giờ đếm lịch từng ngày, chỉ chờ ngày phát lương là buộc đồ lên xe rồi quay về với gia đình” - ông Nguyễn Tiến Mạnh, quản lý công trường ở phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, nói.
Chộn rộn và mong ngóng
Trong cơn mưa xám xịt chiều cuối tuần, nhóm thợ quê Nghệ An của ông Mạnh vẫn đứng trên mái nhà đắp bê tông hoàn thiện các công đoạn cuối cùng. Là chỉ huy công trường, nhà ở tỉnh Thanh Hóa nhưng nửa năm rồi ông Mạnh không về quê. Ông nói, bám trụ với công trường để hoàn thiện tốt nhất.
“Nếu đi xe thì chỉ chợp mắt một đêm là sáng mai có mặt ở Lam Sơn (Thanh Hóa) nhưng tui không về. Phần vì muốn giữ lại chút tiền, phần vì muốn cận tết về cho nguyên vẹn không khí. Năm nào đi làm ăn xa cũng thèm cái cảm giác chộn rộn chờ ngày lên xe về nhà ăn tết” - ông Mạnh nói.
Ông Mạnh cho biết, anh em trong đội thợ của mình phần lớn ở Nghệ An, Thanh Hóa. Họ là anh em, quen biết với nhau rồi dẫn nhau đi làm thợ hồ khắp cả nước.
Hai năm nay dự án của chủ thầu làm ở vùng Điện Dương, Điện Bàn nên anh em thuê một căn nhà của dân rồi hàng ngày lên công trình. Đội thợ cũng đã thống nhất ngày 24 âm lịch sẽ nghỉ tết. Còn hơn tuần nữa nhưng gần như mấy ngày qua ai cũng nôn nao.
“Đêm ở chỗ trọ điện thoại của anh em gọi về cho người nhà cứ như sắp tết tới nơi. Ai cũng hỏi nhà chuẩn bị gì chưa, mổ lợn làm thịt hay “chung đụng”, gói mấy cân bánh chưng. Rồi con Lan, con Hằng đi làm ở nước ngoài có về ăn tết không, mình nghe cũng nóng bừng ruột gan” - ông Mạnh nói.
Ngồi bệt ở công trường nghỉ ngơi, mấy người thợ cho biết đã bàn nhau tìm “đặc sản” loanh quanh chỗ làm để mua về làm quà nhưng tìm không ra.
“Tui xem báo thấy chỗ Điện Dương này có làng quất cảnh rất nổi tiếng. Ngoài mình thì không chơi quất nhưng ngày được nghỉ tui cũng sẽ ra mua một cây nhỏ mang về quê, chủ yếu đem mùa xuân từ nam ra bắc” - ông Thái Bá Hóa, thợ hồ quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) nói.
Càng gần đến những ngày giáp tết, không khí ở các dự án xây dựng lại chộn rộn hơn. Phần lớn thợ, chỉ huy công trường và nhà thầu đều là những người lao động xa quê. Từ làng xóm khó nghèo ở Nghệ An, Hà Tĩnh... những người cùng hoàn cảnh theo nhau lên đường vào Quảng Nam, Đà Nẵng để làm ăn. Nhiều người cứ một tháng lại về nhà một lần, nhưng chuyến về quê vào dịp tết lại được mong chờ hơn tất cả những lần trở về khác.
“Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi”
Chiều những ngày cuối năm, chúng tôi gặp nhóm thợ kim hoàn từ Huế đang làm việc tại một xưởng mỹ thuật tại Cẩm Hà, Hội An. Anh Lê Phương, người đàn ông 45 tuổi nhưng chưa lập gia đình, quê ở Lộc Trì, Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) nói rằng mình vào làm thợ tại Hội An được 2 năm. Vài tuần anh Phương lại lên xe về thăm mạ (mẹ) ở Phú Lộc. Nhưng càng gần tết, người đàn ông này lại mong về với mẹ nhiều hơn.
“Trong chỗ tui làm là vùng Quảng Nam, người ta cũng sống giống như quê nhà, mọi thứ rất chộn rộn, cộng đồng làng xã nên gần tết thấy cứ nôn nao. Xưởng mình làm thì tết lại càng đông khách, hàng hóa bán ra phục vụ khách chơi tết rất nhiều nên làm quần quật từ sáng tới tối. Dù bận bịu nhưng cứ ngóng tới ngày về, cảm giác đeo ba lô bỏ mấy bịch quà rồi đứng đón xe để về làng thấy mạ đã nghe rạo rực” - ông Phương nói.
Ông Phương cho biết ở vùng mình dân đi Lào làm ăn rất nhiều. Số không đi Lào thì tỏa khắp nơi để làm đủ thứ nghề. Nghề bạc, kim hoàn được nhiều người theo đuổi vì ở Huế đã có truyền thống về những công việc gắn liền với kinh đô xưa.
Ông Phương có mẹ sống ở quê, trước đây ông học nghề và đi làm thợ ở Huế nhưng thu nhập thấp nên năm 2022 ông vào Quảng Nam để làm.
Trong cùng tiệm ông Phương làm có nhiều thợ mộc từ Đại Lộc, Điện Bàn. Dù nhà có thể đi về trong ngày, nhưng khi được hỏi về cảm giác đợi chờ tết, những lao động này cũng nói vẫn thấy chộn rộn.
“Mình không có cảm giác nhớ quê nhưng trông ngóng tết để được thư thả nghỉ ngơi. Tết đến thì cũng được chủ xưởng trả lương, thưởng để về dẫn vợ con đi mua sắm, lo cho con bộ quần áo mới, sắm sửa lại đôi chút đồ đạc trong nhà, biếu cha mẹ ít tiền.
Tết chủ yếu là thời gian nghỉ ngơi, gặp gỡ, đoàn tụ sum họp với nhau, do mình cả năm cứ quần quật công việc nên chỉ có tết đến mới thư thả” - ông Nguyễn Lệ Bắc, thợ mộc ở Điện Phương (Điện Bàn), nói.
Gom gửi để về tết thêm đầy
Tết không chỉ là sự mong chờ cho những chuyến trở về, gói ghém hành trang trong ba lô quày quả trên vai. Cùng những gói quà đem từ quê người trở về còn có cả những mong mỏi.
Nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động nói rằng, khi người lao động mong chờ thì họ cũng nặng trĩu lo toan. Tết về, ngoài tiền công, khoản thưởng tết, còn phải có những món quà gửi anh em về quê.
“Thấy anh em họ cứ lao xao, hỏi han nhau chuyện về quê ăn tết ở đâu, ngày nào về, về bằng phương tiện gì... mình nghe cũng thấy rộn ràng. Dù kinh tế phục hồi nhưng tình hình doanh nghiệp năm qua nhìn chung vẫn chật vật. Nhưng ít hay nhiều phải có trách nhiệm lo cho anh em, ít nhất cũng đủ đồng lương, hoặc cho ứng trước vì chắc chắn họ và gia đình rất mong chờ” - ông Nguyễn Tiến Vũ, chủ doanh nghiệp xây dựng ở Điện Bàn, nói.
Bà Nguyễn Thị Tường Vy, chủ doanh nghiệp chế biến ở Thăng Bình, cho biết, trong công ty của bà có 36 lao động từ các tỉnh khác vào làm ăn. Ngoài phần thưởng tết chung, mỗi anh em được thông báo sẽ được tặng vé xe đi về thăm nhà trong dịp tết. Đây không chỉ là cách hỗ trợ mà giúp công ty giữ chân người lao động.
“Trước tết tôi gặp từng anh chị em, có người cả hai vợ chồng gửi con ở quê cho ông bà đi làm ăn xa, chồng thì Bình Dương, vợ ở Quảng Nam. Tết họ mới về thăm con một lần. Hỏi thì họ kể về gia đình mà mắt cứ đỏ hoe, tôi nghe cũng rớt nước mắt.
Cuộc sống này đa dạng, nhiều người còn khổ lắm. Họ chấp nhận xa quê, con lớn lên không có mẹ cha vì phải làm ăn xứ người. Bởi vậy, nhiều lao động nói tết không về thì tui cũng... “đuổi” về quê hết. Công ty bỏ tiền mua riêng người chai nước mắm, người thêm gói kẹo bánh nhét vô cho nặng ba lô, về quê cho xôm tụ. Người Việt mình tết không chỉ là nghỉ ngơi mà đoàn tụ, gắn kết” - bà Vy nói.
Càng gần đến tết, nơi náo nhiệt nhất có lẽ tại các chợ hoa. Tại trục đường Nguyễn Tất Thành đi qua Thanh Hà, Cẩm Hà (Hội An), càng gần đến tết, những chuyến xe từ ngoại tỉnh đưa người lao động bốc dỡ hàng về thu mua quất cảnh tấp nập.
Chiều giữa tháng Chạp, chúng tôi gặp tài xế và hai phụ xe từ Bình Định đưa xe ra chở quất ở Cẩm Hà về bán tết. Ông Nguyễn Bảy, tài xế xe chở hàng cho biết mình ở Tây Sơn, Bình Định. Tết là dịp hàng hóa chạy liên tục nên ông gần như không có ở nhà.
“Chủ kêu đi chở hàng ở đâu thì anh em tui đi đó. Năm nào cũng tới tảng sáng mùng 1 đầu năm mới được về tới nhà. Cứ làm tới đó có đồng nào dư thì mới biết tết của mình to hay nhỏ” - ông Bảy nói.
Cũng như ông Bảy, có những lao động cho mãi tới đêm 30 mới biết tết của mình...