Mỗi dịp cuối tuần, tôi lại về quê. Đối diện nhà nội là góc chợ nhỏ. Chợ thường đông từ tinh mơ, chừng 5 giờ sáng, mùa đông cũng như mùa hè, ngày mưa cũng như ngày nắng. Tiếng gọi, tiếng rao, tiếng bước chân lẹt xẹt, tiếng xếp từng mớ rau từ thúng đặt ngay ngắn trên tàu lá chuối. Tiếng bày biện tuy khác nhau của từng hàng quán nhưng cùng chung nhịp điệu của vội vàng cho kịp giờ họp chợ.
Chỉ là góc chợ thôi, nhưng đủ đầy mọi thứ. Nhất là những thứ rặt quê. Không gọi tên là quê sao được, khi mà các bà, các mẹ mỗi người một rổ rau hái trong vườn nhà, vài trái khổ qua, vài trái mướp, vài bó đậu đũa..., có khi lại là mớ ớt sim chín mọng bỏ trong những bao nhỏ. Mùa nào rau củ nấy. Thơ thẩn dọc chợ quê, tôi như thấy bức tranh xưa thật là xưa trong mấy câu ca dân gian tái hiện rõ mồn một: “…tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà/ tháng ba thì đậu đã già/ ta đi ta hái về nhà phơi khô…”, hay như “chiêm xong lại đến vụ mùa/ hết mùa rau muống đến mùa cải hoa/ đừng khinh dưa muối, tương cà/ tuy rằng ít bổ, nhưng mà có luôn”…
Hết hàng rau củ, là đến hàng thịt heo nhà chị Thanh mỗi ngày với món heo quê chị chọn lựa mua khắp từ làng Đông Bình đến làng Triêm Tây chở về mổ thịt bán. Hàng thịt bò nhà chị Tí, cũng bò nhà mổ đem ra góc chợ này bày biện. Mà quê tôi cũng lạ, không biết từ khi nào nổi tiếng với món bò non này, thịt thơm mềm ngọt. Nghe chị bảo là bò này thường chăn thả trên núi Đồng Nghệ nên luôn có vị ngọt thanh vậy.
Góc chợ cạnh sông, nên mỗi sáng ghe vào bến, là thể nào cũng có cá sông tươi ngon đủ loại: vượt, hanh, trám, bống…, cả mớ tôm sông nhảy tanh tách rất vui tai. Còn có cả hến nữa. Mà hến sông Thu thì không thể lẫn vào đâu được với vị ngọt đằm với các món hến xào, hến nấu rau tạp tàng, hết trộn... Rồi đến góc này là hàng bánh bèo, bánh gói; góc kia là hàng chè, hàng xôi. Gọi tên hàng cho sang trọng vậy, chứ thực ra, như đã thành thương hiệu rồi, cứ hễ ăn bánh bèo là đến chỗ bà Năm kéo cái ghế đẩu ra ngồi bệt xuống, lấy cái thanh tre “dẽ” hết chén này tới chén khác; ăn bánh mì thịt xíu là đến cạnh bếp than đang hơ bánh nóng giòn của bà Hiền; ăn khoai, bắp, đậu luộc thì đến hàng chị Hoa; ăn chè đậu ván thì lại hàng chị Phúc…
Như một thói quen không thể thay đổi, mỗi sáng cuối tuần, tôi lại được đánh thức bởi những thanh âm quen thuộc đó rồi bật dậy đi chợ quê từ sớm. Mớ cá, mớ rau, mớ thịt, mớ măng tươi… tôi gom đủ đầy để mang ra phố, bày biện cho bữa cơm gia đình trọn vẹn trong một tuần. Cũng có hôm lười biếng, tôi cứ nằm ườn để lắng nghe tiếng mưa rỉ rả ngoài ô cửa sổ. Tiếng mấy con chim sâu lúc rúc đi tìm tán lá trú mưa. Cả tiếng lạo xạo nhóm lửa sau hè của bà. Tất cả hòa trong tiếng lào xào nơi góc chợ. Một sự đánh thức thật khẽ, thật sâu. Tôi không thể gọi nổi tên âm thanh đó dù nó luôn đằm sâu trong lòng và dội lên cùng nỗi nhớ quê nhà… Tôi cũng biết, sự lười biếng phá cách thói quen của một bữa sáng nào đấy không ghé góc chợ quê là vậy, nhưng dì Hai vẫn dành phần cho tôi mớ rau trong vườn nhà với đủ loại. Dì Bảy cứ giữ khư khư nải chuối lùn chín bói chờ tôi để kịp mang ra phố.
Tình quê cứ đong đầy, người nhà quê càng mặn mà càng sâu nặng. Đủ để tôi khẽ mỉm cười mỗi khi đi dọc những con đường nơi phố. Đủ để đánh thức trong tôi sự cân bằng, khi bao nhiêu hỗn tạp, bao nhiêu cuống cuồng, bao nhiêu toan tính cứ phải ào đến trong cuộc sống này có lúc tưởng chừng chìm sâu trong chông chênh. Đủ để tôi chợt nhận ra và an lòng mỗi khi thấy mình thật may mắn để có nơi mà về, mà lắng nghe, mà nhâm nhi, mà biết rằng, sáng nay mưa, nhưng nơi góc chợ quê, dì Hai vẫn đợi tôi với mớ rau trong vườn nhà xanh nghin nghít. Đủ cho tôi đủ đầy khi luôn nghĩ rằng, mình vẫn mãi là một đứa nhà quê cho dù mọi thứ có thay đổi thế nào chăng nữa…