Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường vừa ký ban hành Nghị quyết số 23 của Tỉnh ủy về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đã được thông qua tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 7 (khóa XXII).
Nghị quyết của Tỉnh ủy hướng đến triển khai chặt chẽ cơ chế phòng ngừa để “không thể tham nhũng, tiêu cực” gắn với cơ chế răn đe, xử lý nghiêm minh để “không dám tham nhũng, tiêu cực”.
Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo gương Bác Hồ.
Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu sai phạm và xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định. Công tác thanh tra phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Nâng cao chất lượng điều tra, xử lý nghiêm minh những vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ theo đúng quy định. Ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, “gợi ý”, “lót tay”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết công việc. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp quản lý, phụ trách.
Các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Kiên quyết xử lý trách nhiệm và kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thuộc cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình quản lý, phụ trách nhưng không phát hiện hoặc phát hiện không kịp thời, để xảy ra hậu quả. Đồng thời cần cẩn trọng xem xét phân biệt rõ hành vi sai phạm của cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung để khuyến khích và bảo vệ.
Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm túc công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người dân, nhất là những thông tin phản ánh, kiến nghị liên quan đến cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tuyệt đối không bao che, dung túng, không để vụ việc kéo dài, gây hoài nghi, bức xúc trong dư luận. Có kế hoạch, biện pháp cụ thể để bảo vệ, khen thưởng, động viên kịp thời những người chủ động phát hiện, tố giác, dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời xử lý nghiêm những người lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ.
HĐND và đại biểu HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm trong giám sát việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn, quy định đối với các cơ quan nhà nước và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.
Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường thông tin, phản ánh kịp thời, trung thực, khách quan, chính xác về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Các cấp ủy, chính quyền phải quan tâm xử lý thông tin báo chí phản ánh về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực liên quan đến cơ quan, đơn vị, địa phương mình.