(QNO) - Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng tại hội nghị trực tuyến đánh giá công tác chỉ đạo điều hành, tình hình kinh tế xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm do UBND tỉnh tổ chức vào chiều nay 8/7.
Đồng chủ trì hội nghị có đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành tham dự tại điểm cầu chính và kết nối với điểm cầu tại 18 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh.
Tín hiệu tích cực
Nhiều con số đáng chú ý được đưa ra tại hội nghị cho thấy xu hướng phục hồi tích cực của tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2024. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 2,7%; kinh tế với đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ và công nghiệp.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Quảng Nam 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 4,7%; khu vực dịch vụ tăng 4,4% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 3%.
Quy mô nền kinh tế đạt gần 59 nghìn tỷ đồng với cơ cấu khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,4%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 29,8%; khu vực dịch vụ chiếm 35,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 18,7%.
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã có chuyển biến tích cực, tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm trong quý I (giảm 1,5%), đạt mức tăng trưởng dương vào quý II (tăng 6,5%). Tuy nhiên, tính chung 6 tháng, Quảng Nam có mức tăng trưởng ở vị thứ 59/63 tỉnh, thành phố và quy mô nền kinh tế ở vị thứ 26/63.
Theo đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư, với những nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, tình hình KT-XH tỉnh Quảng Nam 6 tháng đầu năm đã khởi sắc hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực, tạo đà cho sự phát triển trong những tháng còn lại của năm 2024.
Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp đã có sự phục hồi, hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra sôi nổi, khách quốc tế tăng mạnh và sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ, tăng trưởng toàn diện. Thu, chi ngân sách Nhà nước được bảo đảm theo dự toán.
Giá trị xuất nhập khẩu duy trì mức tăng khá là điểm sáng của nền kinh tế; thu hút đầu tư đột phá với dự án đầu tư trong nước và nước ngoài đều tăng mạnh về số dự án và vốn đăng ký.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức đa dạng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa, tinh thần của nhân dân. Quảng Nam tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng, giảm nghèo. Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được đẩy mạnh; công tác quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Mặc dù công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các nhiệm vụ phát triển KT-XH trong 6 tháng đầu năm được tập trung và quyết liệt thực hiện, song Quảng Nam vẫn đang phải đối diện nhiều khó khăn. Nhiều ý kiến tại hội nghị đề cập việc tình hình kinh tế có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa thật sự phục hồi. Khó khăn về quy hoạch, vật liệu xây dựng cho các công trình đầu tư công, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công được đại diện các địa phương kiến nghị.
"Không nói không, không nói khó"
Nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, hiệu quả bền vững" và yêu cầu "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu sắp đến phải hết sức nỗ lực để hoàn thành các mục tiêu, vượt khó, chủ động để làm, không điều chỉnh các mục tiêu.
"Một số đơn vị chưa làm đã thấy khó, đã phân tích lý do không thể làm, tinh thần chủ động vượt khó không có. Trong cùng một hệ thống, cùng một điều kiện hoàn cảnh, nhiều địa phương làm được, mình phải đặt câu hỏi cho chính mình tại sao không làm được. Phải chủ động, sáng tạo linh hoạt hơn trong cách làm, và phải tự vận động. Nếu chưa làm mà đã thấy khó khăn, sẽ không còn tự tin, không động lực để làm.
"Cấp ủy, địa phương phải quan tâm tập trung kỷ luật kỷ cương hành chính, phát huy trách nhiệm các sở ngành, đổi mới, đột phá theo chỉ đạo Chính phủ và yêu cầu thực tế địa phương hiện nay, đẩy mạnh phân cấp ủy quyền cho các địa phương để thực hiện nhiệm vụ.
"Cần phân công phân nhiệm và giao thêm quyền cho các phó chủ tịch để quyết định các vấn đề thuộc lĩnh vực của mình phụ trách, củng cố ban chỉ đạo, tổ công tác trong các dự án công trình trọng điểm. Phải nhận diện đầy đủ khó khăn vướng mắc để tháo gỡ nội dụng cụ thể, giao nhiệm vụ cụ thể, không chỉ đạo chung chung" - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đánh giá cao nỗ lực của các ngành, các địa phương, thông qua chuyển biến từ các chỉ tiêu chủ yếu Quảng Nam đạt được 6 tháng đầu năm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, thách thức với Quảng Nam vẫn đang rất lớn, xác định rõ nhiệm vụ của mình, từng ngành, địa phương cần nhận diện rõ trách nhiệm, xem xét từng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm.
"Trong bối cảnh nhiều khó khăn, UBND tỉnh, các cấp ngành và địa phương đã rất nỗ lực trong 6 tháng đầu năm. Thời gian tới, tôi đề nghị tập trung cho công tác cải cách hành chính, thực hiện nghiêm chế độ công vụ, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và đội ngũ cán bộ công chức trong giải quyết công việc. Tôi sẽ cương quyết chỉ đạo, không có sân trước sân sau, lợi ích cá nhân, nếu phát hiện sẽ xử lý ngay và xử lý nghiêm" - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải quyết liệt trong công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. UBND tỉnh thành lập các tổ công tác để giải quyết dứt điểm những vướng mắc. Toàn tỉnh phải tập trung xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, có giải pháp cụ thể. Ngành tài chính tập trung kiểm soát nguồn thu, tham mưu giải quyết các nguồn chi, ưu tiên vấn đề khó khăn bức xúc, nhất là chi cho con người...