Xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng: "Phải sẵn sàng chống bão ngay từ bây giờ"!

THÀNH CÔNG 23/10/2024 18:40

(QNO) - Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND Lê Văn Dũng tại cuộc họp triển khai các giải pháp ứng phó với bão Trà Mi do UBND tỉnh tổ chức vào chiều nay 23/10. Cuộc họp được kết nối trực tuyến từ tỉnh đến cấp xã.

"Rất giống bão số 9 Molave 2020"

Ông Trương Tuyến - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam cho hay từ ngày 21/10 đến nay, đơn vị đã liên tục phát tin về áp thấp nhiệt đới (hiện tại đã mạnh lên thành bão Trà Mi).

441a6030.jpg
Cuộc họp được tổ chức vào chiều nay 23/10, do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chủ trì. Ảnh: T.C

Theo nhận định của các trung tâm dự báo, cơn bão Trà Mi có đường đi phức tạp. Cơn bão dự báo di chuyển theo hướng Tây, ngày 27/10 sẽ tiến sát vùng biển Hoàng Sa, gần Quảng Nam - Đà Nẵng và có thể thay đối xuống hướng Tây Nam và Tây Tây Nam.

“Thời gian hình thành và phát triển, đổ bộ và cường độ của cơn bão này dự báo giống như cơn bão số 9 Molave năm 2020, cơn bão đã từng gây thiệt hại lớn về người và của trên địa bàn tỉnh. Do đó phải chuẩn bị tinh thần ứng phó, không được chủ quan.

Từ 27 - 29/10, các địa phương Quảng Nam có mưa to và rất to, hệ thống sông Vu Gia có khả năng xuất hiện lũ vượt báo động 3. Ngoài ra, cảnh báo sạt lở ở miền núi tái diễn. Một điều trăn trở nữa là số lượng tàu thuyền trên Trường Sa còn quá nhiều, trong khi cơn bão có tốc độ di chuyển rất nhanh. Do đó cần có biện pháp tránh trú tàu thuyền để đảm bảo. Hiện nay, công nghệ truyền tin của khí tượng thủy văn Quảng Nam đang rất lạc hậu, cần sớm nâng cấp phục vụ phòng chống thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão này” - ông Trương Tuyến nói.

[VIDEO] - Ông Trương Tuyến - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thông tin về tình hình cơn bão Trà Mi:

Ông Trương Xuân Tý - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho hay, 6 huyện ven biển có thể đối diện mưa, gió lớn ở ven biển. Miền núi nguy cơ cao chịu tác động mưa lớn gây sạt lở. Ngoài ra, nhiều nơi có thể xuất hiện ngập lụt. Đây là ba hình thái thiên tai có khả năng lớn xuất hiện trong vài ngày tới. Các địa phương đã được yêu cầu xây dựng lại phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro, sẵn sàng tinh thần “4 tại chỗ” sau cuộc họp chỉ đạo về phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão được tổ chức trước đó.

Theo thống kê, đối với bão mạnh, sẽ có gần 200 nghìn người phải sơ tán. Do đó cần rà soát cơ sở hạ tầng nơi có khả năng sơ tán để bố trí con người, phương tiện và hậu cần, trong đó ưu tiên yếu tố con người. Biên phòng cần nắm số liệu, thông tin kịp thời các chủ thuyền vào các khu neo đậu hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

441a6047.jpg
Ông Trương Xuân Tý phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: T.C

"Công tác chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây, bảo vệ cho các biển quảng cáo, trạm BTS cần được chủ động thực hiện ngay từ bây giờ để bảo vệ. Các đô thị có khả năng ngập lụt, cần triển khai khai khơi thông sớm để chống ngập” - ông Trương Xuân Tý khuyến cáo.

Đại tá Trần Tiến Hiền - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho hay, hiện nay có 6 tàu đánh bắt xa bờ đã vào bờ an toàn, còn lại 50 phương tiện đang hoạt động khu vực Trường Sa, đang vào các đảo tránh trú.

441a4405.jpg
Một số tàu cá đã chủ động vào nơi tránh trú từ sớm. Ảnh: T.C

“Lo ngại nhất là 4 phương tiện ở khu vực Hoàng Sa đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm. Các tàu này cách bờ 140 đến 180 hải lý, chúng tôi đã liên hệ và đề nghị các tàu di chuyển cơ động xuống phía Nam, dự kiến ngày mai sẽ vào bờ. Các phương tiện này đều giữ liên lạc với biên phòng. Có 5 tàu vận tải neo đậu gần Cù Lao Chàm đã được bộ đội biên phòng thông tin, hai tàu đã chủ động rời đi, 3 tàu còn lại cam kết sẽ rời đi trong sáng mai đến nơi an toàn.

Cù Lao Chàm có 5 tàu vận tải, trong đó 2 tàu đã cơ động rời đi, 3 tàu cam kết sẽ cơ động rời đi. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức bắn pháo hiệu khi có lệnh cấm biển, kiên quyết yêu cầu người dân ở các lồng bè lên bờ và chỉ đạo chủ động phương án di dời dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét".

Khẩn trương ứng phó

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhắc nhở một số địa phương, đơn vị còn lơ là, chưa chủ động triển khai ứng phó bão Trà Mi.

“Ba năm qua, tình hình mưa bão tương đối yên ả, một số nơi người dân có tâm lý chủ quan. Cần nêu cao tinh thần chống bão, tuyên truyền mạnh mẽ, liên tục cho người dân, để huy động nhân dân chủ động tham gia. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào người dân chủ động thì thiệt hại giảm xuống. Chúng ta chỉ còn có 2 ngày để chuẩn bị, do đó tất cả kinh nghiệm lâu nay phải đem ra dùng, thiếu sót lơ là sẽ gây thiệt hại oan uổng"- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị.

441a6048.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: T.C

Ông Hồ Quang Bửu đề nghị sở TT-TT chỉ đạo các đơn vị viễn thông vừa chống bão nhưng cũng vừa đảm bảo song song việc duy trì liên lạc từ tỉnh xuống cấp huyện, từ huyện xuống cấp xã. Các địa phương, đơn vị tăng cường giám sát, triển khai ngay sau cuộc họp này. Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp phải thường xuyên báo cáo theo cấp độ báo cáo cao nhất.

Yêu cầu người đứng đầu các địa phương, đơn vị phải phát huy tối đa trách nhiệm trong chủ động triển khai ứng phó với bão Trà Mi, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng chỉ đạo người đứng đầu các cấp ngành, địa phương phải thường trực từ nay đến sau bão đổ bộ, theo dõi, chỉ đạo sát sao công tác phòng chống bão.

441a6068.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu không được chủ quan trong phòng chống bão. Ảnh: T.C

“Phải tăng cường kiểm tra công tác “4 tại chỗ tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình, đảm bảo đúng thực chất, tránh tình trạng nói mà không làm, nghiêm ngặt với tinh thần cơ quan tự kiểm tra cơ quan, địa phương tự kiểm tra địa phương, cấp trên kiểm tra cấp dưới. Phải luôn nhớ “4 tại chỗ” là yếu tố quyết định trong phòng chống thiên tai.

Vừa qua, một số nơi việc triển khai 4 tại chỗ” chưa tốt, chưa đầy đủ. Ngay trên tỉnh cũng chưa đủ, chưa mua sắm các trang thiết bị cần thiết phục vụ phòng chống thiên tai.

Ngay từ bây giờ phải rà soát để tập trung chu đáo, kiểm tra chặt từ trên xuống dưới, nhất là nơi xung yếu, cần thiết, vùng ven biển, miền núi, các khu vực có nguy cơ cao sạt lở. Tuyệt đối không được chủ quan. Biên phòng thông báo thường xuyên cho các tàu thuyền tìm nơi tránh trú. Sở NN&PTNT tùy tình hình, tham mưu thời điểm cấm biển để UBND tỉnh quyết định. Đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN của tỉnh phải theo dõi, thông báo thường xuyên diễn biến của bão, bất kể ngày giờ, nếu có tình huống phải thông báo ngay” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhắc nhở các lực lượng vũ trang sẵn sàng quân số, trang bị để tham gia ứng phó với bão Trà Mi trong mọi tình huống. Về phía các địa phương, phải chủ động kịch bản sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Các đơn vị thi công được yêu cầu triển khai biện pháp thu dọn máy móc thiết bị vật tư tránh thiệt hại về người tài sản ở các công trình đang xây dựng do ảnh hưởng của bão.

[VIDEO] - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp:

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng: "Phải sẵn sàng chống bão ngay từ bây giờ"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO