Hình hài “tiếq Việt” cải tiến gây tranh cãi của PGS. Bùi Hiền dạo nào vừa tái xuất, lần này là với “Chữ Vịd Nhah”, tức Chữ Việt Nhanh. Nhưng đâu phải lúc nào người ta cũng muốn viết nhanh và dễ dàng dung nạp những kiểu chữ lạ lẫm như thế?
1. Chung quy, chuyện nhanh chậm lần này được ông Trần Tư Bình, chủ nhiệm trang web Chữ Việt Nhanh, tập trung cải tiến ở 5 khía cạnh.
Một, bỏ bớt dấu sắc ở những từ có chữ cái cuối là c, p, t, ch. Hai, thay chữ: i thay y, y thay uy. Ba, phụ âm đầu chữ cũng thay, f thay ph, tương tự với q - qu, c - k, k - kh, z - d, d - đ, j - gi, g - gh, w – ng và ngh, g - ng, h - nh, k - ch. Bốn, thay phụ âm cuối chữ, g thay ng, tương tự với h - nh, k – ch. Năm, đối với 52 vần nguyên âm ghép và chữ cái cuối, rút gọn nguyên âm ghép chỉ còn… một nguyên âm, như uyê còn là y, iê – yê còn i; tương tự với uô - u, ươ - ư, ươ - ơ, oă - ă, oe - e, oa – o… Lại phải thay chữ cái cuối bằng chữ cái khác như t bằng d, p - f, c - s, n - l, m – v…
Theo báo chí loan tin, đây là kết quả sau nhiều năm nghiên cứu của ông Trần Tư Bình, ý tưởng manh nha năm 1976 và khởi sự từ năm 2008. Đến năm 2019, vị Việt kiều Úc này còn tìm thấy sự đồng điệu khi có thêm chuyên gia về hệ thống ký hiệu dấu ở Hà Nội phối hợp để tạo ra “Chữ Việt Nam song song 4.0”, tức công trình chữ Việt không dấu rất ngắn gọn. Tất cả để góp công sức cải tiến chữ Quốc ngữ. Với những “cải tiến” ấy, đã có những con chữ thoạt trông quá… tinh gọn. “Uyêt”, “uyên” bây giờ chỉ còn là “yd”, “yl”. Hoặc iêt, iêp, iêc, iên, iêm, iêng, iêu chỉ tồn tại dưới dạng id, if, is, il, iv, iz, iw… Thậm chí, chữ “thuyết chuyện” giờ viết thành “thyd chỵl”, “quyết liệt” thành “qyd lịd”.
Quả đúng với lối viết chữ Việt nhanh. Nhưng rồi tranh cãi ập đến cũng… nhanh không kém.
Khó nhịn cười khi đọc những bình luận liên quan: “Chữ Việt hiện nay nó đã duyên dáng và đẹp đẽ vô cùng rồi!”, “Không biết chữ Việt có tội tình gì mà cứ đòi cải với chả sửa?”, “Chữ Việt là nét Việt, cái riêng của Việt Nam, là cái gì đó nhận diện Việt Nam trên thế giới rồi!”, “Ai đời sáng chế ra cách viết dùng trong tốc ký rồi gán luôn đó là chữ Quốc ngữ”… Nhiều bạn trẻ còn chỉ ra, rào cản về dấu đối với chữ Việt đã được Unicod (bộ mã chuẩn quốc tế được thiết kế để dùng làm bộ mã duy nhất cho tất cả ngôn ngữ khác nhau trên thế giới) giải quyết triệt để rồi. Thậm chí, có người xúi hay là… dùng luôn TELEX hoặc VNI (kiểu gõ, quy ước nhập Tiếng Việt từ bàn phím quốc tế) để “cải tiến” cách viết của người Việt. Vì như thế, xem ra chữ Việt lại đơn giản hơn nhiều so với công trình của các nhà nghiên cứu vừa được giới thiệu(!).
2. Liệu đã đến lúc Tiếng Việt cần “một cách ghi tối ưu, hợp lý và ngắn gọn hơn” để tiết kiệm giấy mực, vật liệu và thời gian gõ (gần 40%) như cha đẻ của ý tưởng ấy đề cập, hay lại chỉ là trò vẽ rắn thêm chân? Câu hỏi này cần độ lùi thời gian để kiểm chứng.
Trong khi chờ đợi, thử ngược về với chữ Việt, Tiếng Việt yêu dấu.
“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”. Lập luận vang dội này của cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh khi diễn thuyết về danh tác “Truyện Kiều” đã đưa ra một gạch nối về ngôn ngữ - dân tộc - đất nước. Sau này, trong lời nói đầu cuốn “Đọc lại Truyền Kiều”, nhà văn Vũ Hạnh cũng đã ngợi ca “Truyện Kiều” và đại thi hào Nguyễn Du, “người đã dựng nên một tòa lâu đài ngôn ngữ nguy nga, chuyển dậy một đỉnh nghệ thuật vòi vọi, để rồi từ đấy, ngôn từ chúng ta chắp thêm cánh đẹp về nẻo cao vời”.
Thực ra, “tòa lâu đài ngôn ngữ nguy nga” ấy đã mượn hình dáng chữ Nôm để diễn đạt, chưa phải Tiếng Việt theo mẫu tự Latin mà các nhà nghiên cứu gần đây vẫn muốn “cải tiến”. Đấy là nói về thần thái.
Còn với con chữ hiện hữu bây giờ, phải ngược về với các bài học trong sách quốc văn xưa để mường tượng ra niềm yêu thích dành cho chữ Việt. Thí dụ bài học ngắn chủ đề “Học Quốc ngữ” của lớp đồng ấu, xin trích một đoạn đối thoại:
“- Sửu: Tôi đi học đã được vài tháng nay. Tôi học Quốc ngữ.
- Tí: Quốc ngữ là cái gì?
- Sửu: Khốn nạn! Anh không biết Quốc ngữ là chữ của nước ta ư? Học Quốc ngữ thú lắm anh ạ. Mới có mấy tháng nay mà giấy má gì tôi đọc cũng chạy, và ai nói gì tôi viết cũng được”.
3. Kim Thánh Thán, người sống ở thế kỷ 17 và được tôn là “vua của văn bạch thoại Trung Quốc”, từng đúc kết 33 cái vui ở đời. Dưới mỗi cái được ông cho là vui, có câu cảm thán “bất diệc lạc hồ”, học giả Nguyễn Hiến Lê dịch là “chẳng cũng khoái ư?”. Trong cái vui thứ 27, Kim Thánh Thán “bất diệc lạc hồ” với… chữ, khi nhìn người ta viết chữ triện lớn.
Ai cũng biết chữ Hán là chữ viết lấy chữ tượng hình làm cơ sở, hình – âm – nghĩa kết hợp vào một hình khối vuông để biểu đạt ý. Theo Hàn Giám Đường, tác giả cuốn “Chữ Hán Trung Quốc” (NXB Truyền bá ngữ châu – NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh), do giản lược hóa mà chữ Hán hiện đại “đã không còn tượng hình nữa, nhưng vẫn còn lưu lại dấu tích của một số chữ tượng hình cổ”. Và dù chữ “mã” (con ngựa, 馬) có được giản thể thành 马, nhiều người vẫn còn nhận ra thấp thoáng hình dáng lông bờm dài (3 gạch ngang), chân (4 dấu chấm) đã ẩn giấu. Với người Việt tập viết chữ Hán, vẫn chưa quên câu lục bát vẫn thường lẩm nhẩm khi rụt rè viết từng nét ra giấy trong chữ “đức” (德):
“Chim chích mà đậu cành tre 彳
thập 十 trên tứ 四 dưới nhất 一 đè chữ tâm 心”.
Dễ nhớ và thú vị!
*
* *
Tôi đọc lại nhiều lần bài “Học Quốc ngữ” vừa dẫn trong sách quốc văn, rồi đối chiếu những chữ Việt “cải tiến” bây giờ và bất chợt lo nghĩ: Thêm vài thế hệ nữa, liệu những đứa trẻ có còn hứng thú khi học thứ tiếq Việt/chữ Vịd “cải tiến”? Khi đó, biết đâu Tí lại tiếp tục bị Sửu mắng “khốn nạn, anh không biết Quốc ngữ là chữ của nước ta ư?”. Thế thì oan cho Tí quá!
Đôi khi, cũng nên viết chậm một chút, để còn nhẩn nha với chữ và nghĩa. Với chữ Việt cũng vậy. Viết nhanh mà sử dụng kiểu chữ như thể… bị lỗi font như thế, thì mất cả hứng.