Chuẩn hóa

H.Q 14/10/2019 09:57

Đến nay dư luận vẫn chưa nguôi vụ một trưởng phòng ở tỉnh Đắk Lắk sử dụng bằng cấp 3 của người khác để xin việc và thăng tiến. Tôi quan tâm đến góc nhìn “bình tĩnh” hơn của dư luận rằng không nên đổ lỗi hết cho nữ trưởng phòng này với sự căm ghét về hành vi “trèo cao, chui sâu” mặc dù gian dối bằng cấp là không thể chấp nhận được; mà cần xem xét lại cơ chế kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng trong quá trình sử dụng, đề bạt nhân sự.

Bằng cấp, lâu nay được những nhà quản lý xã hội ở nước ta xem là vấn đề có tính lịch sử. Vì vậy “công cuộc” chuẩn hóa bằng cấp được mải miết thực hiện và đến nay vẫn chưa dứt điểm. Trong quy định quy hoạch cán bộ ở nhiều vị trí hiện nay vẫn ghi rõ nếu không có bằng đại học chính quy thì trình độ thạc sĩ vẫn hợp lệ. Nữ trưởng phòng ở tỉnh Đắk Lắk trong khoảng 20 năm công tác, mặc dù sử dụng bằng cấp 3 của người khác vẫn nỗ lực học đến thạc sĩ, nếu xét ở trình độ của người học, chị đã đạt yêu cầu. Đây cũng là lý do mà rất nhiều cán bộ hiện nay đạt trình độ thạc sĩ và số lượng thạc sĩ trên cả nước nhiều đến mức kinh ngạc.

Quy định mới nhất được một số trường đại học chuẩn bị áp dụng là sinh viên có thể học thạc sĩ khi chưa tốt nghiệp đại học. Một cuộc thăm dò ý kiến dư luận của VTV qua trang điện tử, cho thấy trong hàng nghìn lượt phản hồi đã chia ra tỷ lệ tương đương nhau về số người đồng tình - không đồng tình. Người đồng tình cho rằng quy định mới này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, có thể lấp được khoảng trống thời gian chờ bằng tốt nghiệp đại học hoặc chờ việc làm. Số người không đồng tình nói trình độ thạc sĩ chẳng mấy hữu ích cho công việc thực tế; thậm chí một số bình luận cảm thán rằng “nếu muốn phổ cập thạc sĩ thì cứ triển khai”... Nếu là người đứng kẽ giữa hai luồng ý kiến ấy, tôi cho rằng sao cũng được, nhưng cần nâng cao mặt bằng về chất lượng thạc sĩ trước đã. Bởi, như thực tế đã diễn ra, việc học và đạt trình độ thạc sĩ hiện nay không hiếm chuyện bi hài; thậm chí ở một số trường hợp, đó là một kiểu gây thiệt hại cho cả người học và đơn vị sử dụng người có trình độ thạc sĩ. Trong điều kiện phải chuẩn hóa, động cơ của nhiều người học thạc sĩ là giữ vị trí việc làm hơn là bổ sung thêm những kiến thức giúp ích cho công việc. Còn đối với những cơ sở đào tạo thạc sĩ, trong điều kiện buộc phải xem đó là “dịch vụ” thì việc “hướng đến khách hàng” mới là động cơ quan trọng.

Công bằng mà nói, có thêm được một chút kiến thức nào cũng tốt cho người học. Việc bổ sung một lượng kiến thức để đạt chuẩn hay cần có thêm một lượng kiến thức nữa mới đủ chuẩn đều cần thiết. Nhưng để nâng cao trình độ cho mỗi cá nhân, đòi hỏi phải có một môi trường học tập “đạt chuẩn”, để chính người học và người dạy xác định động cơ chủ yếu của mình, chứ không phải kiểu đào tạo lấy sự chuyên cần làm thước đo chủ yếu như nhiều lớp học hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuẩn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO