Chung tay phòng chống dịch Covid-19

LÊ DIỄM 20/08/2020 07:17

Bằng nhiều hình thức như ủng hộ phòng chống dịch bệnh, giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp qua internet..., ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) các cấp nỗ lực vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, vừa tham gia phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Thực hiện các giao dịch lĩnh vực bảo hiểm xã hội đảm bảo quy định phòng dịch. Ảnh: D.L
Thực hiện các giao dịch lĩnh vực bảo hiểm xã hội đảm bảo quy định phòng dịch. Ảnh: D.L

Ủng hộ phòng chống dịch

Thị xã Điện Bàn là một trong những địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Công đoàn BHXH thị xã Điện Bàn đã phát động phong trào ủng hộ cho các vùng tâm dịch đang bị cách ly.

Theo ông Lê Tự Bửu - Giám đốc BHXH Điện Bàn, sự ủng hộ của Công đoàn BHXH Điện Bàn chỉ là một phần nhỏ góp sức cùng toàn dân chống dịch, nhưng đó là sự sẻ chia thiết thực. Tại điểm cách ly ở Trường Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam, đơn vị đã trao phần quà trị giá 2 triệu đồng, gồm nước uống và các nhu yếu phẩm cho các chiến sĩ đang làm công tác phòng chống dịch tại điểm cách ly. Ngoài ra, các nhiệm vụ chuyên môn trong thời gian này BHXH Điện Bàn cũng phải phấn đấu hoàn thành trong điều kiện có nhiều cán bộ, viên chức bị cách ly phải làm việc tại nhà. Dù gì thì cũng không được trễ hẹn hồ sơ của người dân, doanh nghiệp.

Tại huyện Nam Trà My có 3 tuyến đường tiếp giáp với các huyện Bắc Trà My, huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi) và huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND huyện Nam Trà My đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng chống dịch, nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn huyện.

Trong đó, Nam Trà My đã thành lập 3 chốt tại các điểm tiếp giáp trên. Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế được phân công túc trực 24/24 giờ tại các điểm chốt để theo dõi, kiểm soát phương tiện và người vào ra địa bàn huyện. BHXH huyện Nam Trà My cùng với Chi cục Thống kê huyện đã ủng hộ các chốt kiểm soát huyện cả về vật chất lẫn tinh thần, góp phần động viên, chia sẻ một phần khó khăn với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm dịch.

An toàn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn

Chi trả tận nhà người hưởng

Tháng 8 & 9.2020, ngành BHXH và Bưu điện tiếp tục thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH theo các phương án linh động, phù hợp với từng địa bàn bị anh hưởng bởi dịch bệnh. Đối với các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc chi trả được thực hiện theo hình thức trả theo từng thôn, khối phố. Tùy theo số lượng người được chi trả, mỗi thôn, khối phố được chi trả từ 1 - 2 ngày, đảm bảo mỗi lần chi trả không vượt quá số lượng 20 người. Mỗi địa điểm chi trả phải được trang bị dung dịch sát khuẩn, mọi người đeo khẩu trang. Đối với các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Đại Lộc) sẽ chi trả tận nhà người hưởng. Nhân viên chi trả phải đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Thời gian chi trả từ ngày 5.8 đến ngày 10.9.

Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, BHXH tỉnh thực hiện các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp chủ yếu qua internet và chuyển phát hồ sơ qua đường bưu điện. Cách làm việc này vừa an toàn, vừa giúp cho người dân, doanh nghiệp không tốn thời gian đi lại nhiều trong thời buổi này.

Ngoài các thủ tục điện tử đã thực hiện, quy trình điện tử đối với thủ tục đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho đơn vị sử dụng lao động trên Cổng dịch vụ công quốc gia được khởi động từ ngày 14.8. Các đơn vị thực hiện đóng các khoản bảo hiểm và liên thông đăng ký điều chỉnh đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, báo cáo tình hình thay đổi lao động - đây là hai trong số các dịch vụ công được tích hợp, đưa vào thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, đây là dịch vụ công thiết yếu, rất cần thiết. Hiện nay, các đơn vị lao động hàng tháng đều thực hiện bằng hình thức thủ công, chuẩn bị chứng từ ủy nhiệm chi, đến ngân hàng hoặc cơ quan BHXH để đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bên cạnh thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, còn giúp mỗi tháng đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công, giúp an toàn hơn trong giao dịch ở thời điểm dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Ngoài ra, đây còn là dịch vụ liên thông giữa ngành BHXH và ngành LĐ-TB&XH, nên sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm thủ tục báo cáo tình hình thay đổi lao động (6 tháng, 1 năm, đột xuất). Từ đó sẽ giúp các đơn vị chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý lao động, đảm bảo việc thực hiện tốt hơn chức năng quản lý giữa các cơ quan.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chung tay phòng chống dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO