Quảng Nam đưa ra nhiều giải pháp sát thực tiễn như tăng cường công tác giám sát, đôn đốc, huy động nguồn lực xã hội hóa... nhằm đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo lộ trình Trung ương đề ra, phấn đấu hoàn thành trước thời điểm sáp nhập tỉnh.
Nhiều khó khăn, thách thức
Tại Phiên họp thứ tư Ban chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các địa phương phải “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật để nhân dân được hưởng thành quả thật” để cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trước 31/10/2025.
Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng khẳng định quyết tâm đối với nhà ở người có công sẽ hoàn thành trước 27/7 , với tổng số 353 nhà; các nhà khác hoàn thành trước thời điểm hợp nhất với TP.Đà Nẵng.
Từ khi Thủ tướng Chính phủ phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc đến nay, Quảng Nam đã gấp rút triển khai chương trình.
Đến nay, số nhà còn lại phải thực hiện trong năm 2025 là 2.831 nhà (trong đó nhà ở người có công là 353 nhà, nhà ở các chương trình mục tiêu quốc gia là 1.162 nhà, nhà ở thuộc chương trình phát động của Chính phủ và Nghị quyết HĐND tỉnh là 1.316 nhà).
Số lượng nhà tạm, nhà dột nát cần xóa của Quảng Nam quá lớn so với các tỉnh, thành phố khác, nên tiến độ thực hiện nằm trong danh sách các tỉnh thực hiện chậm mà Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã nêu tên.
Có thể thấy rằng với số lượng nhà tạm, nhà dột nát cần xóa quá lớn, địa bàn rộng, nhà tạm chủ yếu nằm ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới nên công cuộc xóa nhà tạm của tỉnh gặp không ít khó khăn.
Phần lớn hộ nghèo trong diện xóa nhà tạm lại không có nguồn kinh phí đối ứng, nên họ không thể xây mới dù được hỗ trợ 60 triệu đồng. Vào thời điểm này, giá nhân công, vật liệu đều cao khiến hộ nghèo, cận nghèo lại càng thêm khó khăn hơn trong việc xây dựng một ngôi nhà kiên cố.
Tăng cường đẩy nhanh tiến độ
Thời gian qua, toàn tỉnh nỗ lực để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhất là trong giai đoạn nước rút này.
Tại cuộc họp trực tuyến với Ban chỉ đạo Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đã nêu một số giải pháp mà Quảng Nam đã và đang tập trung thực hiện nhằm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm đã đề ra, đặc biệt là nhà ở người có công phải hoàn thành trước ngày 27/7.
Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã cử thành viên trực tiếp chỉ đạo đến cấp huyện trong thời gian qua, sắp tới sẽ cử thành viên phụ trách theo từng xã để đôn đốc các phần việc, bám tiến độ thực hiện.
Tỉnh sẽ duy trì tổ đội xung kích gồm lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện đang thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân xóa nhà tạm.
Đặc biệt, sẽ cử các đội xung kích đến các xã biên giới, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn về cả vật liệu và nhân công hỗ trợ người dân tốt nhất có thể.
Những hộ gia đình có phong tục tập quán xem ngày xem tuổi để làm nhà mà chưa thể làm được trong thời điểm này, các xã sẽ phát huy vai trò của già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, vận động người dân làm nhà, nhằm đảm bảo tất cả nhà ở được hỗ trợ trong chương trình đều có thể khởi công ngay trong tháng 5/2025.
Đối với gia đình khó khăn vận động không đủ nguồn lực để xóa nhà tạm, Quảng Nam đã có Nghị quyết cho vay, hiện nay ngân sách tỉnh đã ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách tỉnh 50 tỷ đồng cho vay ưu đãi để người dân xóa nhà tạm.
Hiện nay, nguồn lực vận động đã vào tài khoản Ban vận động tỉnh là 97,6 tỷ đồng, đều được phân bổ đến các huyện để thực hiện. Tỉnh còn thiếu 34 tỷ đồng trong nguồn lực vận động, nên đang tích cực vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát, cố gắng đến hết tháng 5/2025 vận động đủ nguồn lực xã hội hóa còn thiếu để hỗ trợ người dân xóa nhà tạm.