Chương trình giảm nghèo bền vững: Khó hoàn thành đúng tiến độ

DIỄM LỆ 20/10/2023 09:01

Đã bước vào mùa mưa bão, nhưng khối lượng công việc còn lại trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững không hề nhỏ. Hiện nay tỉnh, huyện, xã đều đang cố gắng nhưng trước những thách thức đặt ra, rất khó đạt được mục tiêu.

Nhiều lao động miền núi được đào tạo nghề từ chương trình giảm nghèo bền vững. Ảnh: D.L
Nhiều lao động miền núi được đào tạo nghề từ chương trình giảm nghèo bền vững. Ảnh: D.L

Giải ngân thấp

Theo Sở LĐ-TB&XH, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, tổng nguồn vốn năm 2023 của ngân sách trung ương, tỉnh giao hơn 749,8 tỷ đồng, đến nay đã phân bổ chi tiết hơn 711,4 tỷ đồng (đạt 95%), số vốn còn lại sẽ phân bổ chi tiết cho các danh mục dự án sau khi đảm bảo các thủ tục đầu tư.

Với nguồn kinh phí được giao trong năm 2022 và 2023, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đầu tư 108 dự án từ nguồn vốn của chương trình; gồm công trình giao thông (52 dự án), công trình giáo dục (31 dự án), thủy lợi (6 dự án), nước sinh hoạt (4 dự án), điện (3 dự án), các dự án khác (sắp xếp dân cư, công trình văn hóa, khu chăn nuôi tập trung...) là 12 dự án. Đến ngày 30/9/2023, đã giải ngân hơn 320,1 tỷ đồng (đạt 46,47%).

Theo bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thực hiện Đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã đăng ký 2 huyện nghèo là Phước Sơn và Bắc Trà My tham gia, nên tập trung nguồn lực đầu tư cho 2 huyện này.

Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đến cuối năm 2025, Phước Sơn và Bắc Trà My thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn theo tiêu chí quy định tại Quyết định số 36 ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó phải đạt được tiêu chí tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều) giảm từ 6 - 7%/năm, quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều cuối kỳ giảm ít nhất 60% so với đầu kỳ.

Ngoài ra, các tiểu dự án, dự án của chương trình đã được đầu tư về các xã, huyện với mục tiêu trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo, người dân vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn đã được triển khai ở cơ sở như đào tạo nghề, hỗ trợ xuất khẩu lao động, hỗ trợ dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, giải quyết việc làm, hỗ trợ xóa nhà tạm...

Nhiều khó khăn

Theo Văn phòng Điều phối chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cấp tỉnh, dù các xã, huyện đến tỉnh đã có nhiều nỗ lực, nhưng nhiều vướng mắc khiến việc thực hiện chương trình gặp khó.

Công tác triển khai đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng chậm và tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn được giao thấp, trong khi mùa mưa bão đã đến, sẽ vô cùng khó khăn trong triển khai đầu tư hạ tầng. Hiện nay tỉnh, huyện, xã đều đang cố gắng nhưng trước những thách thức đặt ra, rất khó đạt được mục tiêu.

Nguyên nhân chậm tiến độ là từ năm 2022 (năm đầu tiên thực hiện chương trình), nguồn vốn phân bổ chậm (Trung ương đến tháng 5/2022 mới giao và tỉnh phải chờ đến kỳ họp HĐND tỉnh định kỳ tháng 7/2022 mới thông qua), nên kinh phí năm 2022 không giải ngân được, phải kéo dài sang năm 2023, hiện nay địa phương ưu tiên giải ngân vốn năm 2022.

Số lượng danh mục công trình trong chương trình nhiều và phải thông qua HĐND các cấp (huyện, xã) nên chậm trong việc thực hiện thủ tục đầu tư. Một số dự án giao thông liên quan đến đất rừng; thủ tục thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy đối với dự án sửa chữa, cải tạo các trường bị vướng; một số danh mục vướng quy hoạch nông thôn mới nên tốn thời gian thực hiện thủ tục, lựa chọn mặt bằng.

Ông Hồ Xuân Khanh - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cấp tỉnh cho biết, trình tự thực hiện nhiệm vụ, đồ án quy hoạch cần tối thiểu 80 ngày để lấy ý kiến của cộng đồng dân cư (40 ngày của hồ sơ nhiệm vụ và 40 ngày của đồ án quy hoạch), lấy ý kiến của cơ quan quản lý quy hoạch cấp tỉnh, tổ chức 2 cuộc họp HĐND xã thông qua nhiệm vụ, đồ án quy hoạch trước khi phê duyệt. Tiến độ khảo sát thực tế, lập đồ án quy hoạch của tư vấn còn chậm so với yêu cầu chung. Năng lực chủ trì lập quy hoạch nông thôn của UBND cấp xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều hạn chế.

“Bên cạnh đó, đặc thù của chương trình giảm nghèo là triển khai hầu hết ở các huyện miền núi có thời tiết, khí hậu không thuận lợi, thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt nên ảnh hưởng tiến độ thi công.

Cán bộ làm công tác thẩm định ít trong khi danh mục công trình nhiều (một số địa phương đồng thời thực hiện 3 chương trình MTQG, kể cả vốn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện…) nên dẫn đến quá tải trong công tác thẩm định. Cán bộ chuyên trách ở cấp huyện, xã không những thiếu mà còn thường xuyên biến động, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả” - ông Khanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chương trình giảm nghèo bền vững: Khó hoàn thành đúng tiến độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO