Hồ sơ - Tư liệu

Chuyện của đô đốc Thừa tuyên Quảng Nam đạo

LÊ VĂN CHƯƠNG 14/07/2024 10:15

Năm Hồng Đức thứ 2 (1471), vua Lê Thánh Tông ra dụ thành lập đạo thứ 13 là Thừa tuyên Quảng Nam đạo (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một phần Phú Yên). Bùi Tá Hán có công dẹp tàn quân nhà Mạc vào năm 1546, ông được phong làm Đô tướng dinh Quảng Nam, giữ chức Bắc quân đô đốc Phủ chưởng phủ sự ở Thừa tuyên Quảng Nam.

1-tp-bui-ta-dung.jpg
Bức tượng Bùi Tá Hán được một nhà sư chạm khắc từ khi ông còn sống. Đứng cạnh tượng là võ sĩ Bùi Tá Dũng, con cháu của ông. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Tại thư viện quốc gia Pháp, các trường đại học của Nhật Bản đều lưu những tư liệu về ông.

Vị quan vì dân

Việc Bùi Tá Hán được cử vào vùng đất phương Nam để trấn thủ, đưa dân ở Thanh Hóa vào để khai khẩn ruộng nương, mở mang bờ cõi, trồng cây lương thực đã được ghi trong “Phủ biên tạp lục”.

Bản lưu tại Thư viện quốc gia Pháp, văn bản chữ Hán được dịch nghĩa: “Anh Tông, năm chính trị thứ nhất (1558), Mậu Ngọ, Thế Tổ Thái Vương (Trịnh Kiểm) sai Đoan quận công Nguyễn Hoàng sai đem quân bản dinh đi trấn thủ Thuận Hóa đề phòng giữ giặc phía đông, cùng với trấn thủ Quảng Nam Trấn Quốc Công (Bùi Tá Hán) cứu giúp lẫn nhau, việc địa phương không cứ lớn nhỏ, quân dân thuế hóa đều giao cả”.

3-tp-bui-phu-sau.jpg
Võ sư Bùi Phụ Sáu (Huy chương bạc Seagames 16), hậu duệ Bùi Tá Hán tâm sự, cố gắng truyền bá võ thuật để mọi người nhớ đến ông. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Tài liệu chữ Nôm Phủ tập Quảng Nam ký sự, do Mai Thị viết vào khoảng năm 1558-1571 kể lại chủ trương của Bùi Tá Hán chỉ đạo việc tiếp nhận dân từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương vào Thừa tuyên Quảng Nam đạo: “Quân đội đón tiếp, cấp 5 tháng lương thực để dân ổn định cuộc sống. Trích ruộng thục điền do quân đội canh tác lâu nay phân chia cho dân canh tác.

Hướng dẫn dân trồng khoai lang và rau màu để có cái ăn sau 3 tháng, bất kể giàu nghèo đều quy định ghế (độn) 20% khoai, bắp và cơm để tiết kiệm. Khuyến khích khai khẩn đất hoang làm tư điền nhưng không được giành theo kiểu bao chiếm và phá rừng”.

“Cây tre có mắt thì nồi đồng phải có quai”, tiến sĩ Bùi Phụ Anh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Kế toán 3, hiện là trưởng tộc họ Bùi ở Quảng Ngãi, nhắc lại câu ca còn lưu giữ trong dân từ mấy trăm năm trước. Nguyên là vật dụng nấu ăn của người dân thời đó không có quai, Bùi Tá Hán đã cho người đi phổ biến việc đúc nồi thì phải có 2 quai.

Trong cuốn Đại Nam liệt truyện tiền biên có viết về công đức của ông: “Bùi Tá Hán tại chức vụ thi ân huệ, đoàn kết binh dân, trăm họ đều yêu mến, gọi ông là Trấn Bắc Công”.

Kỳ bí đền thờ

Thời Bùi Tá Hán còn sống, cứ chiều tối thì lính của ông lại đánh ba hồi trống trên thành, đến 1 giờ sáng thì đánh 4 hồi trống báo hiệu canh tư, tới 3 giờ sáng thì đánh 5 hồi trống báo hiệu canh 5 và 5 giờ sáng đánh một hồi trống dài báo hiệu tan canh.

Vài trăm năm sau khi ông qua đời, con cháu của ông luân phiên gác lăng và dâng trà lúc canh tư, khấn nguyện: “Mời các quan viên kỳ cựu liệt vị, hồi làm việc với ông về chiếm ngưỡng với ông để làm ly nước trà, hồi mấy ông giúp việc cho ông đó”.

2-tp-hai-cay-hoa-su.jpg
Hai cây hoa sứ trước đền thờ Bùi Tá Hán ngả vào nhau như cặp rồng chầu. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Có 2 cây sứ trắng trồng ngay trước đền thờ Bùi Tá Hán tại Quảng Ngãi, dù đã cố kéo ra, nhưng cả 2 cây từng ngày vẫn cứ đổ rạp, chụm vào chính giữa, thân cây xù xì như vảy rồng, thân cây có vẻ đã già nua cứ xoắn xuýt lấy nhau.

“Cặp rồng chầu” trước đền thờ chỉ là một trong rất nhiều sự kỳ bí được người đời kể về Bùi Tá Hán trong suốt mấy trăm năm qua. Tháng 1/2022, “cặp rồng” này mới được con cháu của cụ khấn xin, di chuyển ra phía mộ, vì khu vực sân đã được tỉnh Quảng Ngãi tôn tạo, xây dựng thành một khu di tích, mộ và đền thờ mới.

Tiến sĩ Bùi Phụ Anh cho biết thêm: “Đời ông, đời cha đều truyền miệng lại quá nhiều câu chuyện linh hiển của Bùi Tá Hán rồi. Chính vì vậy các triều vua sau này khi lên ngôi thì đều tặng sắc phong cho ông, tổng cộng 24 sắc phong của các vị vua đã gởi về Thừa tuyên Quảng Nam đạo”.

Trong cuốn sách Rừng Mọi của tác giả Henri Maitre thuộc cơ quan dân sự Đông Dương năm 1912, viết về đô đốc Thừa tuyên Quảng Nam đạo: “Người Mọi rất sợ Bùi Tá Hán, họ nghe theo ông một cách mù quáng và sống hòa bình với người An Nam…

Tại vùng giáp giới với người Mọi Quảng Ngãi, người ta vẫn tìm thấy những đồn nhỏ được cho là Bùi Tá Hán dựng lên, thậm chí người ta còn chỉ ra những chỗ nguyên là vườn cây ăn quả của ông ở núi Răng Cưa và núi Chúa, còn gọi là núi Yên Mây. Bùi Tá Hán mất vào đầu năm 1568, hành trạng của ông khắc sâu trong tâm trí người Mọi, mỗi khi cầu khấn họ đều nhắc tới tên ông”.

Bùi Tá Hán đã triển khai các chính sách canh tân sản xuất, từ việc dùng trâu bò làm sức kéo cày ruộng, khuyến khích người dân tự khai khẩn ruộng và trồng giống lúa ngắn ngày... Ông còn chủ trương việc hôn nhân tang lễ phải tôn nghiêm nhưng tiết kiệm, tránh việc tụ tập ăn uống kéo dài làm hao sức, tốn của.

Bùi Tá Hán nhấn mạnh đổi mới các tập tục lỗi thời song khuyến khích xây dựng đền chùa. Về giáo dục và y tế, các làng phải có thầy dạy chữ và lương y. Bùi Tá Hán mất năm 1568.

Trong quá trình di cư về phương Nam, người dân đã thờ ông ở nhiều đền, đình, miếu. Nơi xa nhất là đình Nam Chơn thờ Bắc quân Đô đốc Bùi Tá Hán (TP. Hồ Chí Minh). Ở đảo Phú Quý (Bình Thuận), người dân có tục thờ và viếng ông Trấn (Bùi Tá Hán) trước mỗi chuyến ra khơi.

L.Q

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện của đô đốc Thừa tuyên Quảng Nam đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO