Hồ sơ - Tư liệu

Tư liệu mới về trạm xe lửa Nam Cẩm tại xã Cẩm Phô

HỒNG VIỆT – PHƯỚC TỊNH 30/06/2024 08:44

Trong quá trình sưu tầm tư liệu Hán - Nôm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội), chúng tôi đã tiếp cận được châu bản triều Nguyễn có nhắc đến trạm xe lửa Nam Cẩm tại Hội An.

z5574850400567_0c79f0b65930f4c02dcc8a9ec793cfdc.jpg
Bản đồ tuyến đường sắt Đà Nẵng - Hội An chạy từ đảo Cô (Tiên Sa) vào Hội An năm 1902. Nguồn: Võ Văn Hoàng cung cấp.

Văn bản gồm 4 trang chữ Hán, có niên đại vào năm Duy Tân thứ 4 (1910). Đây là bản tấu của Bộ Binh về việc Tổng đốc Nam Ngãi Hồ Đắc Trung xin tăng thêm trạm phu. Bản sao tư liệu hiện lưu tại Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An.

Tuyến đường sắt đặc biệt

Văn bản liên quan về trạm xe lửa Nam Cẩm được lập vào năm Duy Tân thứ 4 (1910), tức là 5 năm sau khi tuyến đường sắt Đà Nẵng - Hội An đưa vào hoạt động.

Năm 1902, các doanh nhân người Pháp ở Đà Nẵng như Dérobert, J. Fiard đề nghị chính quyền Đông Dương thiết lập đường sắt Decouville nối liền Đà Nẵng - Hội An để thay thế cho sông Cổ Cò bị tắc nghẽn.

Đến khoảng giữa năm 1904, sau khi không tìm ra ngân sách để nạo vét sông Cổ Cò đã bị bồi lấp, chính quyền Đông Dương cho thực hiện tuyến đường sắt Decouville.

Ngày 9/10/1905, tuyến đường sắt Đà Nẵng - Hội An chính thức được mở ra cho công chúng sử dụng, gọi là Tramway de l’Ilot de l’Observatoire à Faifoo.

Trên tuyến đường này, người Pháp đã cho đặt 5 chặng đỗ và mỗi ngày có 3 chuyến vận chuyển. Tuy nhiên, do tình trạng bị gió cát vùi lấp khiến hoạt động của tuyến đường này ngày một khó khăn và ít hiệu quả. Đặc biệt, do ảnh hưởng cơn bão năm Thìn (1916), tuyến đường này hoàn toàn bị tê liệt, dẫn đến ngưng hoạt động.

Trước tình trạng đó, Khâm sứ Trung Kỳ đã ra nghị định cho phép phát mãi các thiết bị còn lại của tuyến đường sắt này vào năm 1917. Như vậy, tuyến đường sắt Đà Nẵng - Hội An chỉ duy trì trong vòng 11 năm (1905 - 1916) thì chấm dứt hoạt động.

Trạm xe lửa Nam Cẩm

Bản tấu của Bộ Binh trình lên triều đình về việc Tổng đốc Nam Ngãi Hồ Đắc Trung xin tăng thêm trạm phu cho trạm Nam Cẩm tại xã Cẩm Phô, được nhà nghiên cứu Tống Quốc Hưng dịch nghĩa.

Lược trích: “Ngày 18 tháng 10 năm Duy Tân thứ 4 (1910). Bộ Binh kính tâu: Vào ngày 18 tháng trước có tiếp tư văn của Tổng đốc Nam Ngãi là Hồ Đắc Trung cho hay có nhận đơn của quý Trú sứ đề cập việc Trạm trưởng của trạm Nam Cẩm có đơn trình bày rằng công văn, công hóa hàng ngày từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi đều do trạm xe lửa từ Hội An chuyển...”.

1.jpg
Văn bản được tìm thấy về Trạm xe lửa Nam Cẩm tại Cẩm Phô, Hội An.

Nội dung bản dịch cho biết, trạm Nam Cẩm tại xã Cẩm Phô có ruộng đất công là 177 mẫu, hạng tráng đinh có 180 người. Tất cả công văn, công hóa hàng ngày từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi đều do trạm xe lửa từ Hội An vận chuyển đến.

Số lượng phu trạm để thực hiện công việc hiện có 15 người, tuy nhiên để duy trì hoạt động thường xuyên và hiệu quả, hiện trạm còn thiếu 5 người.

Có thể thấy, sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động, do nhu cầu vận chuyển văn thư, hàng hóa từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi cao, vì thiếu phu trạm làm việc, triều đình đã thống nhất tăng số phu trạm tại trạm Nam Cẩm của xã Cẩm Phô lên 5 người. Số phu trạm này được rút từ trạm thuộc xã Miếu Bông, 5 người này sẽ được nhận tiền lương công vụ, và được trừ sưu thuế lệ hằng năm.

Nội dung văn bản cho biết, trạm xe lửa Nam Cẩm ở tại xã Cẩm Phô, còn vị trí chính xác chúng tôi chưa xác định được hiện ở đâu.

Tuy nhiên, dựa vào thông tin của nhiều tài liệu nghiên cứu điền dã trước đây, có thể thấy các chuyến xe lửa hơi nước vào Hội An dọc theo đường Nguyễn Tất Thành và Lý Thường Kiệt hiện nay, dừng ở nhà ga đầu mối tại góc ngã tư Lý Thường Kiệt - Nguyễn Tường Tộ, gần tòa sứ Pháp tại Hội An (tức Công ty Du lịch Hội An bây giờ). Qua thông tin này, có thể đoán đây là vị trí của trạm xe lửa Nam Cẩm tại xã Cẩm Phô lúc bấy giờ.

Giá trị lịch sử, văn hóa

Văn bản là tư liệu gốc có trị khoa học cao nhằm nghiên cứu, bổ khuyết thông tin, làm sáng tỏ hơn tuyến đường sắt Đà Nẵng - Hội An.

z5574525328407_8d7e0d676fdab912fdbd946531106696.jpg
Khu phố cổ Hội An nhìn từ trên không. Ảnh: Quang Ngọc

Tuy chỉ thông tin ngắn gọn về trạm xe lửa từng xuất hiện ở Hội An trước đây, nhưng văn bản đã cho thấy đường sắt đóng vai trò quan trọng trong việc giao thương buôn bán giữa Đà Nẵng - Hội An và ngược lại.

Cũng như từ đây, Hội An được xem là trung tâm vận chuyển văn thư, hàng hóa đến các địa phương khác, trong đó có Quảng Ngãi.

Những thông tin trên dẫn đến nhận định về tầm nhìn chiến lược quan trọng của triều Nguyễn, nhất là vua Duy Tân. Vị vua này xem trọng vị thế của Hội An để duy trì và phát triển tuyến đường sắt Đà Nẵng - Hội An, phục vụ giao thương buôn bán giữa hai địa phương, cũng như vì mục đích chính trị của chính quyền tại các địa bàn chiến lược quan trọng.

Đây là tiền đề tạo thế chủ động ứng phó của triều đình trước các chính sách, chiến lược của người Pháp thực hiện ở các lĩnh vực kinh tế tại Đà Nẵng và Hội An.

Từ những thông tin của văn bản được tìm thấy, Hội An sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu vai trò của trạm xe lửa Nam Cẩm ở Hội An, nhất là vị trí của trạm xe lửa này trước đây cũng như hiện nay để xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học đề xuất bảo tồn và phát huy.

(1) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tư liệu mới về trạm xe lửa Nam Cẩm tại xã Cẩm Phô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO