Chuyện dài tác giả văn học trẻ

BẢO ANH 11/07/2021 06:41

Vào cuối năm nay, Hội nghị Đại biểu những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, dự kiến sẽ diễn ra tại TP.Đà Nẵng. Câu chuyện về lực lượng sáng tác văn học trẻ một lần nữa lại được xới lên...

5 gương mặt trẻ được Hội VHNT Quảng Nam đề cử tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10: Trần Vương, Minh Thùy, Alăng Văn Gáo, Đỗ Hoàng Tâm, Cẩm Giang. Ảnh: B.A
5 gương mặt trẻ được Hội VHNT Quảng Nam đề cử tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10: Trần Vương, Minh Thùy, Alăng Văn Gáo, Đỗ Hoàng Tâm, Cẩm Giang. Ảnh: B.A

Những gương mặt trẻ

Lâu nay nhìn vào đội hình những người làm thơ và viết văn của Quảng Nam, một cách chủ quan thấy có sự kế tục, tiếp nối thế hệ. Bên cạnh các cây bút thành danh, lớn tuổi, hằng năm có thêm những cây bút trẻ được kết nạp vào hội.

Tuy nhiên, dường như cái sự trẻ ở đây chủ yếu được nhìn nhận theo cảm tính chứ ít ai quan tâm đến tuổi tác cụ thể của từng người. Cho đến khi Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tuyển lựa đại biểu cho Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10, với “định mức” cho tiêu chuẩn trẻ là từ 35 tuổi trở xuống (sinh từ 1986 trở về sau) thì mới... giật mình: Hóa ra tác giả trẻ (theo tiêu chí này) của văn học Quảng Nam là quá ít.

Cụ thể, trong số hơn 70 người đang sinh hoạt tại Chi hội Văn học, chỉ có 5 người từ 35 tuổi trở xuống. Một con số quá ít để lựa chọn. Do vậy, Chi hội Văn học Quảng Nam đã quyết định đề nghị Hội VHNT tỉnh đề cử cả 5 gương mặt trẻ này, gồm một tác giả văn xuôi là Nguyễn Thị Cẩm Giang và 4 tác giả thơ là Trần Vương, Đỗ Hoàng Tâm, Nguyễn Thị Minh Thùy, Alăng Văn Gáo.

Trong 5 tác giả được đề cử, chỉ Cẩm Giang đã xuất bản sách riêng, 4 trường hợp còn lại đều mới chỉ có thơ in trên các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh. Nghĩa là, ngoài tiêu chí “cứng” là 35 tuổi trở xuống, các gương mặt trẻ của văn học Quảng Nam được đề cử lần này còn thua chị kém em ở hai tiêu chí thuộc về nghề nghiệp là “đã có xuất bản phẩm riêng” và “đã đoạt các giải thưởng văn học”.

Theo nhà văn Lê Trâm, trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc tìm kiếm, phát hiện những tài năng văn chương trẻ để bổ sung lực lượng cho văn học Quảng Nam luôn là việc phải làm. Đặc biệt, đây là một công việc đặc thù, là một cuộc chạy tiếp sức, cần có sự cẩn trọng, kiên trì và độ bền, thành ra, trước sự thiếu hụt, khan hiếm tác giả trẻ ở một thời điểm nào đó, thay vì lo lắng thì cần bình tĩnh đánh giá tình hình để có những tính toán lâu dài hơn...

Ngoài 5 tác giả được Hội VHNT Quảng Nam đề cử, trong bước chuẩn bị cho hội nghị viết văn trẻ lần này, Quảng Nam còn có 3 tác giả nữa được giới thiệu thông qua các kênh khác. Đó là Ny An, sinh năm 1995, cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; Pơloong Plênh, người Cơ Tu, sinh năm 1986, hội viên Hội VHNT Quảng Nam và Trần Ngọc Đức, sinh năm 1986. Trong 3 gương mặt này, Plênh là một người làm thơ, còn Ngọc Đức và Ny An đều đang theo đuổi lĩnh vực sáng tác văn xuôi.

Theo nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học Quảng Nam, 5 tác giả được Chi hội đề xuất để Hội VHNT tỉnh đề cử và 3 trường hợp được đề cử thông qua kênh riêng  cơ bản đều đã ít nhiều có “danh phận” văn chương ở quê nhà. Nhưng để bước ra một sân chơi rộng lớn hơn vẫn có đôi điều phải ngẫm ngợi, nhất là về sức rướn, sức bật, cường độ và sự thường xuyên trong sáng tác của mỗi người, cùng với đó là khả năng hóa giải các áp lực mưu sinh để theo đuổi niềm đam mê văn chương...

“Chưa biết ai trong số những gương mặt được đề cử sẽ được Hội Nhà văn Việt Nam chọn tham gia Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10, nhưng tôi tin sự đề cử này ít nhiều cũng là một nguồn động viên, khuyến khích để các tác giả trẻ nỗ lực hơn trong sáng tác, tiếp tục nuôi dưỡng đam mê và gắn bó với văn chương...” - nhà văn Lê Trâm nói.

Chuyện dự nguồn cho tương lai

Từ việc rà soát, tìm kiếm các gương mặt trẻ để đề cử tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10, Quảng Nam đã có cơ hội kiểm đếm lại đội ngũ sáng tác văn học trẻ của mình. Nếu lấy theo “chuẩn” của Hội Nhà văn Việt Nam, Quảng Nam chỉ có 8 gương mặt kể trên.

Còn nếu căn cứ theo “chuẩn” được mặc định lâu nay của Quảng Nam - khoảng 40 tuổi đổ lại và có không quá 10 tuổi văn, thì số tác giả văn học “trẻ” có thêm khoảng 10 người nữa, bao gồm những người đang sinh hoạt ở Chi hội Văn học và cả ở Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số - miền núi.

Đã vậy, qua tìm kiếm và theo dõi từ thực tế hoạt động sáng tác văn học của địa phương, nguồn để phát triển hội viên văn học trẻ trong vài năm tới coi như đã cạn, có chăng thì chỉ có thể kết nạp được vài người nữa là hết. Nghĩa là, lúc này, nếu mở rộng phạm vi thống kê bằng cách tính cả những người chưa phải là hội viên, thì số tác giả cộng thêm vào lực lượng văn học “trẻ” của Quảng Nam cũng chẳng bao nhiêu.

Theo ý kiến của một số nhà văn, nhà thơ nhiều năm gắn bó với văn học Quảng Nam, sự thiếu hụt, khan hiếm tác giả văn học trẻ như hiện nay không phải lần đầu xảy ra và cũng không có gì nghiêm trọng. Trong quá trình xây dựng và phát triển của Hội VHNT Quảng Nam đã từng có giai đoạn 2 - 3 năm liền không kết nạp được hội viên trẻ nào nhưng vẫn không hề có sự đứt gãy.

Lâu nay, để phát triển hội viên mới, Chi hội Văn học đã bám vào môi trường học đường và các câu lạc bộ văn học ở các địa phương để tìm kiếm. Ngoài ra, việc tìm nguồn còn được thực hiện thông qua các trại sáng tác mở rộng hay trại sáng tác dành riêng cho người trẻ có triển vọng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng tìm được những gương mặt mới đủ tiêu chuẩn để bồi dưỡng và kết nạp vào hội và ngược lại, có những người có năng khiếu văn chương nhưng chưa kịp kết nạp thì họ chuyển địa bàn hoặc tự mình kết thúc cuộc chơi văn chương vì lý do mưu sinh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện dài tác giả văn học trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO