Hồ sơ - Tư liệu

Chuyện hợp xã ở Quảng Nam

NGÔ VĂN MINH 03/06/2024 08:31

(VHQN) - Năm 1945, Quảng Nam có 4 phủ Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và 4 huyện Hòa Vang, Quế Sơn, Đại Lộc, Tiên Phước, 52 tổng, nơi đặt tỉnh lỵ là thị xã Fai-fo. Theo số liệu của Tổng cục thống kê Pháp tại Đông Dương, Quảng Nam khi ấy có 1.065 làng.

53655630568_1560c3c4cd_c.jpg
Đà Nẵng năm 1952. Ảnh từ “Indochina Faces the Dragon,” National Geographic, September, 1952.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Quảng Nam là địa phương đi đầu trong việc hợp các làng xã cũ thành những xã lớn hơn.

Lý do của việc hợp làng xã thời điểm này, theo tài liệu của Ủy ban Kháng chiến hành chánh Quảng Nam, là nhằm “phá tan những sự chênh lệch của hương thôn từ đời phong kiến để lại, đã gây chia rẽ trong dân chúng và làm trở ngại cho sự tiến bộ”. Hay, “để tạo những cơ sở chính quyền to lớn, mạnh mẽ, đủ cán bộ, dôi dư tài chánh để kiến thiết”; “để giản dị hóa bộ máy chính quyền và công việc hành chánh”.

Kể từ năm 1946 đến năm 1950, Quảng Nam đã tiến hành 3 lần hợp xã.

Lần hợp xã thứ nhất vào năm 1946, bỏ cấp tổng, thành lập những xã lớn, những làng cũ đổi ra thôn. Đơn cử, Hòa Vang từ 158 làng cũ hợp lại thành 28 xã; Điện Bàn từ 128 làng cũ hợp lại thành 37 xã; Duy Xuyên từ 129 làng cũ hợp lại thành 36 xã...

Thời điểm này, thị xã Hội An thành lập có 8 khu phố gồm các làng trước thuộc Điện Bàn. Lần hợp xã thứ nhất này, toàn tỉnh có tất cả 305 xã và 1 thị xã.

Nhận thấy qua lần hợp xã thứ nhất, những xã mới “diện tích còn nhỏ hẹp và dân số vẫn còn ít” nên đến cuối năm 1947 hai huyện Đại Lộc và Hòa Vang tiến hành hợp xã lần thứ 2. Đại Lộc còn lại 10 xã. Năm 1950 có thêm xã Ô Gia của huyện Bến Giằng chuyển sang, đổi tên thành xã Đại Sơn. Hòa Vang còn lại 17 xã.

Tháng 3/1947, Quảng Nam thành lập châu Trà My gồm 3 xã người Kinh (Trà Giang, Trà Lương, Trà Sơn) từ 9 làng xã cũ và 8 xã đồng bào dân tộc thiểu số. Sang năm 1948, thống nhất bỏ danh từ phủ, châu, dùng chung một danh từ là “huyện”.

Năm này thành lập thêm huyện Phước Sơn có 3 xã người Kinh, 3 xã đồng bào dân tộc thiểu số và thành lập huyện Bến Giằng có 1 xã người Kinh là Ô Gia hình thành từ 5 làng xã cũ và 1 ấp của huyện Đại Lộc, cùng với 10 xã đồng bào dân tộc thiểu số.

Cũng trong năm 1948, các huyện Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên, Tiên Phước hợp xã lần thứ 2. Thăng Bình còn lại 19 xã; Điện Bàn còn 11 xã; Duy Xuyên còn 12 xã... Sang năm 1949 các huyện Tam Kỳ, Quế Sơn tiến hành hợp xã lần thứ hai.

Cho đến năm 1950, Quảng Nam tổ chức hợp xã lần thứ 3. Việc chia tách, đổi tên đơn vị hành chính vẫn còn tiếp tục vào những năm tiếp theo.

Đặc biệt, Tam Kỳ từ thị xã chuyển thành xã đặc biệt, chỉ trong từ tháng 1/1951 đến tháng 11/1951, trực thuộc Ủy ban kháng chiến hành chánh tỉnh Quảng Nam.

Thời điểm này, liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có TP.Đà Nẵng với 6 khu phố, thị xã Hội An có 4 khu phố, 11 huyện gồm 85 xã người Kinh và 31 xã đồng bào dân tộc thiểu số, 1 xã đặc biệt.

Đến ngày 4/4/1952, Ủy ban Kháng chiến hành chánh miền Nam Trung Bộ có Nghị định đổi xã đặc biệt Tam Kỳ thành xã Tam Kỳ trực thuộc huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Ngày 17/5/1952, Ủy ban này có Nghị định đổi thị xã Hội An thành xã đặc biệt Hội An trực thuộc tỉnh Quảng Nam.

Cũng trong năm 1952, Ủy ban Kháng chiến hành chánh miền Nam Trung Bộ có Nghị định sáp nhập TP. Đà Nẵng vào tỉnh Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam có tên gọi mới là tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng từ đây.

Như vậy, đến cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, số xã mới ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chỉ còn khoảng 1/10 so với tổng số xã ban đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện hợp xã ở Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO