Chợ Nhỏ râm ran chuyện Đen có bầu. Đàn bà con gái có bầu là chuyện thường, cái bất thường ở đây là Đen chưa có chồng, thêm nữa chị từng tuyên bố “đàn bà ở không cho khỏe cái thân chứ dính chi tới đàn ông cho mệt”.
Mà thiệt, xưa giờ có thấy Đen qua lại với người đàn ông nào đâu. Mà hễ ông nào có ý định tán tỉnh là chị liếc xéo liền.
Cái bụng lùm lùm dẫu đã cố tình mặc áo rộng thùng thình của chị không giấu được ánh mắt hoài nghi của mấy người đàn bà chạy chợ.
Hai năm trước, chị Đen bần thần ôm ba lô bước xuống xe đò ở chợ Nhỏ. Cái chợ nhỏ xíu giữa vùng trung du, người bán người mua gom lại có nhúm nên ai mà chẳng biết mặt nhau. Nhưng người đàn bà đầu tóc cụt ngủn ôm cái ba lô đứng giữa chợ chiều chơ vơ nắng đó lạ hoắc.
Bà Hai phải đứng dậy bước ra khỏi tấm ny lon bày mấy bó rau muống, đứng chống nạnh nheo mắt, dòm tới dòm lui mới nhận ra người quen.
- Trời đất, con Đen chứ ai vô. Nghe nói hắn lên thành phố sướng lắm mà chừ về lạ lắc mà ngó cực khổ rứa hè? - bà Hai ngạc nhiên.
Mấy người đàn bà bán cá, bán rau sau khi xác nhận đó chính xác là Đen mới bắt đầu xì xào. Con Đen ngày xưa đẹp lắm, tóc dài ngang lưng mướt rượt chứ có cụt ngủn như rứa? Nghe nói Đen lên thành phố đổi đời quen được đại gia.
Người ở quê lên đó từng gặp con Đen đi xe hơi láng cóng mà. Người khác cũng gật gù, có mấy người ở quê bị bệnh nặng Đen gửi tiền về cho...
Chợ Nhỏ xôn xao, sau mỗi câu “nghe nói” vẽ nên một hình hài chân dung khác chứ không phải người đàn bà nhàu nhĩ vừa bước xuống xe đò.
Bà Hai đưa tay kéo hai cái ống quần ngồi xuống lại tấm ny lon tặc lưỡi, “đời người thay đổi mấy hồi, khúc ni sướng khúc kia khổ là chuyện thường”.
*
* *
Mấy bữa sau chị Đen trải tấm bạt ở một góc chợ bày gia dụng ra bán. Nào rổ, thau, thớt, nào chén bát dĩa ly đủ kích cỡ, đủ màu sắc. Chợ Nhỏ nghèo, đống đồ nhựa lấp lánh dưới nắng như bảy sắc cầu vồng thu hút đàn bà con gái đi chợ.
Họ xúm lại, đôi tay chai sần cầm hết cái này đến cái kia lên ngắm nghía… Cái rổ nhỏ xíu như lòng bàn tay, có năm ngàn đồng mua về bỏ ớt bỏ hành để trên bếp đi chị! Cái thau nhựa to đùng có năm chục ngàn mua về giặt đồ đi cô! Cái lược màu đỏ đó có mười ngàn thôi...
Chị Đen mời mọc. Có người đưa cái thau lên dưới nắng săm soi. Đồ nhựa chị Đen bán mỏng lắm nhưng được cái rẻ tiền. Rẻ là tiêu chí hàng đầu để những người đàn bà xứ này chịu lần giở túi áo lấy ra những đồng tiền mồ hôi nước mắt.
Tiền còn dính mủ chuối, mủ rau lang, có khi còn tanh tanh mùi cá hồi đêm chồng đi thả lưới được… Có hàng trăm thứ phải lo toan, rẻ chừng nào quý chừng đó chứ họ cũng không mấy chê bai cái thau mỏng dính.
Đen có mối lấy hàng gia dụng trên phố, thỉnh thoảng chiếc xe đò dừng lại giữa chợ thả xuống cho chị một bao hàng to tướng. Chị cong lưng vác bao tời đồ của mình về sạp chứ chẳng nhờ vả ai.
Trên đầu chị lúc nào cái mũ cũng ôm lấy mái tóc cụt ngủn, làn da phơi nắng đen giòn y như cái tên dính với chị từ hồi nhỏ xíu.
Có mấy người đàn ông gần đó cười cợt “để anh vác cho Đen ơi!”. Đen không nói không rằng chỉ đưa ánh mắt sắc như dao cau về phía họ. Lập tức tiếng cười im bặt.
Đen thích ngồi ở chợ, giữa những lao xao mua bán nhiều khi chẳng dính tới mình. Khi vắng khách, Đen bó gối nhìn mấy người đàn bà ngồi hiền lành trước một nải chuối còn chảy mủ, hay có khi chỉ là mấy củ nghệ mới đào ở vườn.
Cái dáng của họ y xì như của má. Hồi Đen còn nhỏ má cũng chạy chợ từng bữa với mấy trái bầu, nhúm rau thơm, hay có khi là rổ cà mới hái ngoài vườn… Hồi đó Đen cũng hay theo má đi chợ. Má bán rau, Đen lót dép ngồi bên.
Đen nói với má, lớn lên Đen không đi bán rau đâu. Bán rau ít tiền quá. Mai mốt lớn lên Đen giàu vàng đeo đỏ tay như bà Tám Lựu cho má coi, tới hồi đó má chỉ việc ở nhà cho sướng. Má cười, con gái má lớn lên làm gì cũng được miễn là thiện lương.
Má nói chợ Nhỏ mà tình lớn. Đen nói nghèo quá, cái tình cũng đâu mài ra ăn được. Đen dần ít theo má ra chợ, ngồi nắng nôi mà ngó đi ngó lại cũng chừng đó thứ. Má chạy chợ từng bữa nuôi Đen học nhưng Đen bỏ ngang theo đám bạn lên phố.
Má bắt xe đò lên tìm bảo Đen về học cho hết năm cuối để có cái bằng tốt nghiệp. Đen lắc đầu, nói kiếm cái nghề cho ấm thân, học nhiều học ít rồi cuối cùng cũng đi kiếm tiền thôi!
Hồi trên phố Đen nói với người ta mình tên Nương chứ đâu phải cái tên quê mùa má đặt. Nương tóc dài, da trắng, giày cao gót mươi phân đi tới những chỗ có tiếng nhạc xập xình. Ở đó có những người đàn ông sẵn sàng săn đón Nương, dúi vào tay Nương mớ tiền. Ở Nương có thứ mà họ cần.
Thỉnh thoảng gặp người quê lên phố khám bệnh, những ánh mắt sáng trưng dính chặt trên bộ đồ sang trọng của Nương. Nương tưởng mình đã sống một cuộc đời khác chứ không phải như những người đàn bà đội nón cời ngồi bán rau ở chợ Nhỏ.
Nhưng Đen đâu có ngờ, cuộc đời xô đẩy để đến bây giờ Đen cũng lại ngồi ở chỗ ngày trước má ngồi. Má bệnh mấy năm nay, ngày nào cũng nói nhớ chợ mà gánh rau có chút xíu má gánh không nổi nữa.
*
* *
Một buổi chiều, xe đò thả xuống chợ Nhỏ một gã đàn ông. Chiếc mũ lưỡi trai bị kéo xuống che sụp khuôn mặt nên Đen chẳng nhận ra được là ai. Vừa bước xuống xe, gã đàn ông chân đi cà nhắc dáo dác nhìn quanh rồi lủi nhanh vào quán cháo vịt.
Dáng điệu cho Đen biết gã còn trẻ và có gì đó không ổn. Chưa đầy mấy phút khi chiếc xe đò rời đi, một chiếc ô tô màu đen đỗ xịch, bước xuống là hai gã to con, xăm trổ đầy trên hai cánh tay. Rồi nhanh như cắt, hai gã túm lấy gã trai đang cố tình cúi mặt xuống bát cháo, rồi đấm vào giữa mặt.
- Mi tưởng trốn lên đây là tụi tao không tìm ra hả? Khôn hồn thì trả nợ đi nghe chưa…
Mấy người đàn bà sợ hãi, mặt xanh rớt như tàu lá chuối. Họ tụm lại, tay người này níu lấy người kia nhìn gã trai co người dưới những trận đòn. Gã ôm lấy đầu, máu trào ra miệng.
Đen đứng vụt lên, đưa tay vịn lấy cây tre được dựng lên căng tấm bạt. Mắt Đen xốn xang như có hột ớt vừa bay vào... Đen thấy mình nằm như con tôm dưới đất, lao xao tiếng người “đáng kiếp, đừng có rù quến, xé lẻ nhà người khác…”. Đen bắt gặp chính mình trong bước chân chạy trốn của gã trai kia.
- Dừng lại, đánh nữa người ta chết bây chừ! - Tiếng nói vụt ra khỏi miệng Đen.
Hai gã đàn ông ngước đôi mắt giận dữ nhìn Đen. Khi nhìn thấy người lên tiếng chỉ là một người đàn bà yếu thế đôi môi họ nhếch lên cười khinh bỉ.
- Bà Hai, cô Sáu, chú Chín, gọi công an liền đi… - Đen lại la lên.
Mọi người đến lúc đó mới như sực tỉnh, thoát khỏi cơn sợ hãi bất ngờ. Bà Hai hô hoán mọi người gọi công an. Hai gã đàn ông thấy có đám người lao xao, thấy ai đó đang bấm số điện thoại mới chịu ngừng tay. Trước khi lên xe rời đi họ không quên để lại mấy câu hăm dọa với gã trai rằng sẽ quay trở lại.
Gã trai đưa tay quệt vệt máu trên miệng, giương đôi mắt nhìn Đen biết ơn. Gã gượng đứng dậy nhưng lại té nhào. Đen vội chạy lại dìu gã về sạp mình. Mấy người đàn bà trong xóm chợ vây quanh hỏi han. Khi cái mũ vải lấy xuống, bà Hai kêu lên:
- Trời đất, thằng Tín con ông Hai Tâm xóm Cây Duối chứ ai vô.
*
* *
“Nơi cuối cùng có thể dung chứa tôi chỉ có thể là ở đây thôi!” - Tín nói với Đen như thế khi nhìn buổi chiều sụp xuống trên mấy tấm bạt căng ở chợ. Đen ngồi, vòng đôi tay ôm gối, chạm lấy vết sẹo lồi đã chai ngắt.
Vết sẹo nhắc Đen nhớ về buổi chiều không thể nào quên, lòng tan hoang, cảm giác nghẹt thở như ai nắm đầu Đen dúi xuống vũng bùn đen đặc. Cuộc đánh ghen lan nhanh trên mạng như người ta đem trấu rải trong gió. Đi tới đâu, những ánh mắt khinh bỉ của người lạ lẫn người quen ghim lên người Đen nhức nhối. Lúc đó Đen nhớ tới chợ Nhỏ, nhớ Đen ngồi nhỏ xíu bên má, trước mặt là mấy bó rau xanh non.
Tín kéo tay áo chìa cho Đen thấy sẹo lớn sẹo nhỏ. Gì chứ sẹo thì Tín không thiếu. Tín cũng như Đen, ôm giấc mộng đổi đời lên phố, rồi sa ngã, nợ nần, bị đuổi đánh từ phố đến tận quê.
Tín nói với Đen người ta đánh mình không đau mà sao lúc nhìn ba đưa bàn tay chai cứng lên sờ mấy vết sẹo mà thấy đau đến như thế.
Ba nói ba đẻ Tín ra lành lặn, sao tới hồi về chỗ nào cũng trầy trụa vết thương. Ba bán đàn bò trả nợ khi tụi đòi nợ đến tận nhà. Đàn bò cả đời ba gầy dựng, trong một phút mất hết. Ba sụp xuống, trào nước mắt nhìn mấy con bò bị lùa đi. Ngay lúc đó, Tín biết mình phải sống và sống khác hơn ngày hôm qua…
*
* *
Khi thấy Tín cong lưng vác giùm Đen cái bao tải hàng, bà Hai và mấy người đàn bà tủm tỉm cười. Người già ở lâu với đất này mới hiểu ra, chẳng có chốn dung thân nào bằng quê xứ và chỉ có quê xứ mới chở che bước chân lạc quay về.
Tín thả bao tời xuống đất, bày ra tấm bạt đủ màu xanh đỏ giúp Đen. “Mua rổ về đựng ớt đựng hành, mua thau to thau nhỏ về giặt đồ con nít mấy chị ơi!”. Tiếng mời gọi của Đen lẫn vào chợ Nhỏ lao xao tiếng người…