Truyện ngắn

Khói cỏ lau

Tống Phước Bảo 11/01/2025 09:17

(VHQN) - Ông về đến nhà trong cơn khó chịu. Nắng tháng mười hai đâu còn gắt gỏng sao lòng ông cứ hậm hực. Giàn hoa sử quân tử được gió, được nắng cứ đâm bông đỏ bời bời cả mảnh sân nhỏ. Cô con dâu nhìn mặt ông cau có chợt thắc mắc khó hiểu. Mới sáng ông đã bảo tụ tập cùng bạn bè đi ăn cái món ông tìm đỏ mắt ở khu này cũng chưa có.

Khói cỏ lau 4 MAU HIEN TRI
Minh họa: HIỂN TRÍ

Quá bảy mươi tuổi, ông khăn gói vào Nam theo thằng con lớn. Sau ngày bà mất, ông lui cui một mình khiến mấy đứa con cũng lo âu. Chúng bảo ông thôi vào đây để gần gũi cháu con, lỡ ốm đau cũng có người dòm ngó. Ông ngoài đó, dẫu có bạn bè, hàng xóm nhưng nói dại lỡ nửa đêm ông có gì, đâu kịp ra tới cửa nhà mà kêu réo.

Ông lừng khừng vài năm, chừng sau cơn dịch, chúng thúc giục quá ông cũng chênh chao. Căn nhà ông không bán, cất tấm hình bà vào vali, ông đáp chuyến bay rời cái ngõ nhỏ bờ tường rêu xanh, có giàn hoa giấy mùa nắng hồng xác pháo um tùm. Ông nhủ lòng cũng đã đến lúc gần con cháu, để dù bất cứ nơi đâu, cái nếp nhà vẫn còn níu giữ được hồn Quảng trong tâm khảm chúng.

Ông bà chỉ vỏn vẹn hai đứa con, một trai và một gái. Thằng con lớn theo cái nghề công nghệ thông tin yêu thích từ hồi cấp ba rồi vào Nam lập nghiệp. Tưởng đứa gái nhỏ sẽ an phận như má nó với cái nghề cô giáo cho ngôi trường tiểu học nằm bên con sông hiền hòa. Nhưng rồi nó cũng đi.

Phố Hội, sông Hoài quanh co với những bờ tường rêu phủ không thể níu nổi bọn trẻ. Nó thích cái nghề thời thượng là làm truyền thông cho các tập đoàn, các thương hiệu nức tiếng. Nó nói vậy rồi xin đi.

Ông chắc chắn là sợi cao lầu đó không được làm bằng gạo tẻ ủ tro. Cái vị của nó không thể nào nói là gia truyền trăm năm, ba đời ở Hội An mà đem vào Sài Gòn được. Mấy ông bạn già chưng hửng, ơ thế nó khác nhau sao ông già Hội An? Đó là cách mà mấy ông hàng xóm vẫn hay gọi ông như một lẽ thường tình thay thế cái tên ông. Mấy ông già xa xứ hình như dễ đồng cảm một nỗi mênh mông của lòng mình.

Nhà thằng con trai nằm ngay vùng ngoại ô, nó bảo chả đủ tiền đâu mà mua ngay trung tâm. Đi loanh quanh mấy khu, lòn vào các hẻm nhỏ, nhìn mấy căn nhà tí hon mà giá trên trời, hai vợ chồng chẳng dám đụng vào. May nhờ người bạn dắt ra khu ven đô, cái bất tiện là phải chịu khó chạy cả tiếng đồng hồ để vào lại nội ô làm việc. Bù lại chiều tối về nhẹ nhàng, thảnh thơi sống.

Không khói bụi, ồn ào hay chen chúc gì cả. Ngoại ô chưa kịp đô thị, may còn có những khoảng đất trống, còn có chút sông nước mát mẻ. Kiểu như đâu đó mang trầm tích cũ càng của một nếp sống như hồi còn ngoài quê mà thằng con trai muốn nắm níu.

Ông nhanh chóng gia nhập với hội bạn già bên bàn cà phê sáng. Cả chục ông già cũng tứ xứ theo con cái về đây. Nhắc cái tên nhiều khi không ông nào nhớ. Chỉ cần nhắc cái xứ quê thì y như rằng biết ngay. Có lẽ, càng về già, người ta càng dễ quên nhiều thứ, nhưng cội nguồn gốc tích của mình, thì không bao giờ quên được.

Ông Cà Mau hay kể chuyện đước, chuyện mắm, chuyện bần. Ông Đồng Tháp mở miệng là nhắc đến sen. Ông Huế quẩn quanh với bún bò và bánh bột lọc. Vậy ông Hội An có gì? Chắc có mỳ Quảng thôi hen! Không, còn có cao lầu ăn xong quên hết đường về. Mà ở đây sao tui tìm không thấy mấy ông anh ơi!

Mấy ông bạn già từ bận đó nghe ngóng chỗ bán cao lầu để dắt nhau đi ăn. Đến hồi tìm ra được cái quán thì ông Hội An lắc đầu nói không phải cao lầu. Tức quá mấy ông già cự nự rân trời. Vậy giờ ông nấu cao lầu chánh gốc đi. Tụi tui ăn xong mới tin. Ông Hội An không thèm cãi. Quyết chí làm ra lẽ một phen.

Cô con dâu hớt hải chạy vào nhà, ơ sao nay người ta giao cho cả gói hàng to đùng, dài ngoằng ra nói ba đặt. Ông lật đật chạy ra khui thùng. Đúng rồi, đúng là loại cỏ lau dưới chân cầu Cẩm Kim. Trước cặp mắt chưng hửng của cô con dâu, ông thiệt thà kể.

Ông phải nhờ bạn bè ngoài ấy cắt cỏ lau để nấu cao lầu. Cô con dâu thêm lần mắt tròn mắt dẹt. Ba hẹn mấy ông bạn già, phải làm cho ra món cao lầu Hội An đúng vị chứ bữa ăn cái quán ở đây họ dùng sợi cao lầu công nghiệp. Cao lầu Hội An phải ủ tro từ cây cỏ lau ngậm nước Thu Bồn chảy vào sông Hoài. Đem đốt cây cỏ lau lấy tro rồi ủ với gạo. Sau đó mới xay gạo ra thành bột, rồi cán mỏng, xắt sợi, sau đó hấp chín.

Sợi cao lầu nó khác sợi mỳ Quảng ở chỗ nó không đặc, phần giãn nở bên trong sợi cao lầu khiến nó dễ hút được cái vị của nước thịt xíu xì dầu. Ăn cao lầu cũng phải chậm rãi một chút mới thấy được cái vị ngon của thịt heo xíu với xì dầu, hay cắn sợi cao lầu, nhai từ từ mới nghe mùi thơm của gạo lên men tro. Ông nói vậy rồi bắt đầu cắm cúi đốt cây cỏ lau.

Mảnh vườn nhà nồng nàn khói. Thứ khói luôn hun mắt người ta nhớ quê xứ. Mấy ông bạn già cũng vừa kịp tới. Cái món cao lầu của ông Hội An vừa bắt đầu mà ai cũng hít hà một nỗi thèm. Tháng mười hai vỗ vào phố những cơn đói lạ. Là đói món ăn trứ danh. Hay là dạ bồn chồn thèm quê nhớ xứ. Giữ đúng một món ăn, cũng là giữ cho ngôi gia mình không mất nếp. Tha hương rồi mới thấy điều đó quý báu đến chừng nào. Mấy ông già lấy tay chặm những giọt nước rơi từ khóe mi. Không ai trả lời được.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khói cỏ lau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO