(VHQN) - Các nhà khảo cổ đã xếp Bàu Dũ vào loại hình di tích “Đống rác bếp” hay “Cồn sò điệp”. Số lượng di tích “Cồn sò điệp” phát hiện được ở Việt Nam không nhiều và Bàu Dũ là di tích đầu tiên thuộc loại hình này được nghiên cứu ở các tỉnh phía Nam.
Dựa vào kinh tế khai thác
Theo kết quả của những cuộc khai quật khảo cổ học tại Quảng Nam – Đà Nẵng vào thập niên 80 của thế kỷ 20, các nhà khảo cổ cho biết, cách ngày nay khoảng 6.000 năm đã có những người cổ sinh sống tại khu vực gò Bàu Dũ, xóm Phú Bình, thôn Phú Trung, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành.
Bàu Dũ cũng là di tích hiếm hoi thuộc thời đại đá mới ở Quảng Nam – Đà Nẵng. Người cổ Bàu Dũ có thói quen đổ vỏ nhuyễn thể thành từng đống, trải qua nhiều thế hệ, những vật phế thải đó cùng với đất cát đã tích tụ lại thành tầng văn hóa.
Nghiên cứu các di vật tìm được trong tầng văn hóa, các nhà khảo cổ cho rằng cư dân cổ Bàu Dũ chủ yếu sống dựa vào kinh tế khai thác tự nhiên. Cảnh quan thiên nhiên rất thuận lợi cho việc kiếm sống của họ. Ngoài những loài nhuyễn thể có sẵn và rất dễ khai thác, họ có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh bắt cá sông, biển.
Đặc biệt họ có khả năng đánh bắt được những loại cá lớn sống ở vùng biển sâu, kể cả loại bò biển (dugon). Điều này chắc chắn cho việc họ đã biết làm các loại bè mảng hoặc thuyền độc mộc để ra khơi.
Bên cạnh nguồn thực phẩm chủ yếu là hải sản, người cổ Bàu Dũ còn săn bắt các loài thú hoang dã sống ở vùng đồng cỏ, đầm lầy và trong rừng.
Qua nghiên cứu sơ bộ về địa chất, giám định xương răng động vật và phân tích bào tử phấn hoa, các nhà khảo cổ đã dựng lại phần nào cảnh quan cổ khu vực Tam Xuân thời người cổ Bàu Dũ sinh sống.
Đó là vùng cửa sông, ven biển, nơi tiếp giáp giữa rừng và biển.
Ở đây có những trảng cỏ và đầm lầy, là môi trường sống thích hợp của các loài động vật ăn cỏ như hươu, nai, trâu, bò và tê giác. Riêng hai loài khỉ và sơn dương sống ở vùng đồi gò phía tây.
Thảm thực vật của vùng này là những loài cây ưa mặn. Rừng không xa biển, có nhiều loại cây cung cấp chất bột như búng báng, cây có hạt ăn được như dẻ, lai, mít, các loại củ mài, môn...
Bộ di vật đá thu được trong các đợt thám sát và khai quật có nguồn gốc từ chất liệu cuội, bên cạnh đó còn có đá phiến và một số loại đá trầm tích chất lượng xấu.
Theo các nhà khảo cổ, bộ công cụ đá thu thập được ở Bàu Dũ rất gần gũi với các công cụ đá thuộc văn hóa Hòa Bình về loại hình cũng như kỹ thuật chế tác.
Tuy nhiên, chất liệu công cụ đá Bàu Dũ không tốt bằng Hòa Bình. Điều này phản ánh môi trường sống khác nhau. Người cổ Hòa Bình sống ở vùng núi đá vôi nhiều đá cuội sông suối, người cổ Bàu Dũ sống ở vùng cửa sông ven biển, nơi rất hiếm đá cuội.
Chủ nhân đầu tiên của vùng ven biển
Qua các đợt khai quật đã phát hiện nhiều di cốt người cổ. Nghiên cứu hiện trạng di cốt tại hố khai quật cho thấy mộ được chôn ở tư thế bó gối trong các hố sò điệp, xung quanh có vài công cụ đá và các mảnh đá nhỏ để đánh dấu mộ. Điều này cho thấy người cổ Bàu Dũ đã có ý thức trong việc mai táng người chết.
Về các di cốt người cổ, theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, dựa vào cấu tạo răng, đặc điểm hộp sọ và xương chi có thể thấy tuổi thọ của người cổ Bàu Dũ không cao, chỉ khoảng 50 tuổi.
Về đặc điểm chủng tộc, trên cơ sở so sánh, dựa vào hệ số tương quan Q-mode cho thấy sọ cổ Bàu Dũ gần nhất với những sọ cổ thuộc văn hóa Hòa Bình, đó là các sọ cổ của Mái Đá Điều ở Thanh Hóa, hang Chổ ở Hòa Bình với những nét của đại chủng Australoid.
Kết quả các đợt thám sát và khai quật trước đây cũng như dựa vào phương pháp phân tích phóng xạ C14 các mẩu than tro được tìm thấy trước đó cho biết, niên đại của Bàu Dũ khoảng 5030±60 năm trước Công nguyên.
Căn cứ đặc trưng công cụ và cách thức mai táng người chết, GS.Trần Quốc Vượng đã xếp Bàu Dũ vào thời đại đá mới, nhưng là “đá mới trước gốm” (Prepottery-neolithic).
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, người cổ Bàu Dũ là những người Hòa Bình giai đoạn muộn ở miền Trung tiến ra khai thác môi trường ven biển và các đảo ven bờ, họ đã trụ bám, tồn tại và phát triển được ở đó và trở thành một trong những chủ nhân đầu tiên ở vùng ven biển Việt Nam.
Hoặc có thể họ là một bộ phận của những người cổ giai đoạn đầu của văn hóa Quỳnh Văn ( ở ven biển Nghệ An - Hà Tĩnh, có niên đại cách ngày nay khoảng 4.500 năm)
Theo vệt văn hóa hậu kỳ đá mới từ Quỳnh Văn (Nghệ An) đến Bàu Tró (Quảng Bình) và Bàu Dũ (Quảng Nam), có thể thấy sự phát triển từ văn hóa "Cồn sò điệp" ở hậu kỳ đá mới đến giai đoạn sơ kỳ kim khí – tiền Sa Huỳnh là một quá trình rất dài và khá liên tục ở khu vực ven biển từ Bắc đến Nam Trung bộ.
Trên con đường phát triển, mỗi nền văn hóa có đặc trưng cũng như trình độ phát triển khác nhau. Nhưng vẫn có những mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp, điều này có thể thấy ở giai đoạn cuối của thời đại đá mới, trong đó, những mộ vò của văn hóa Bàu Tró được xem là khởi đầu cho kiểu thức mộ chum trong văn hóa Sa Huỳnh - giai đoạn sơ kỳ thời đại kim khí ở miền Trung Việt Nam…