Quốc phòng - An ninh

Công an chính quy về xã:Ở phía gian lao - Bài 2: Con của buôn làng

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 22/05/2024 09:15

“Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”, những cán bộ, chiến sĩ công an chính quy mà chúng tôi gặp đã luôn nằm lòng lời dạy của Bác Hồ, để rồi sống và gắn bó với bản làng như chính con dân xứ sở.

z5001277893737_0286c88dceca36cdf74835ec16cce18d.jpg
Nhờ linh hoạt trong vận động trang bị bình chữa cháy, xã hội hóa để tặng hộ nghèo, A Xan là một trong những xã đầu tiên có 100% hộ dân trang bị bình chữa cháy tại nhà. Ảnh: C.N

Ân tình với biên thùy

Đó là ngày đầu năm mới xuân Nhâm Dần (tháng 2/2022), chỉ hai tháng sau khi Đại úy Nguyễn Anh Tuấn được Bộ Công an tăng cường về với xã biên giới A Xan (Tây Giang). Một cụ già trong thôn Arầng ghé ngang, trên tay là bánh sừng trâu, bánh tét và một nải chuối tặng Đại úy Nguyễn Anh Tuấn.

“Lúc đó, tôi rất xúc động, vì đang trải qua cái tết đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ ở nơi mới. Món quà bất ngờ của cụ già giúp tôi có cảm giác như mình đang được chia sẻ tình thân, chia sẻ niềm vui xuân mới với cụ. Những năm tháng sau này, tôi đã sống như con dân của bản làng, là người của A Xan này, từ sau món quà bất ngờ mà đầy tình cảm ấy” - Đại úy Nguyễn Anh Tuấn nói.

Đại úy Nguyễn Anh Tuấn quê Quảng Bình. Sau khi vào ngành, anh được bố trí về nhận công tác tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động Nam Trung Bộ (đóng tại Quy Nhơn, Bình Định), rồi có tên trong danh sách 14 sĩ quan được Bộ Công an điều động về công tác tại các xã biên giới Quảng Nam.

z5410082429774_f2d63127997a18714d121e72c5f935ec.jpg
Những chuyến cùng đồng nghiệp đi về cơ sở, gặp gỡ và sống với bà con vùng biên giúp Đại úy Nguyễn Anh Tuấn quyết định xin ở lại với xã A Xan sau 2 năm tăng cường. Ảnh: C.N

Hành trang đến với vùng biên, ngoài bộ cảnh phục được cấp phát và một số đồ dùng cá nhân, Đại úy Nguyễn Anh Tuấn mang theo những... bài báo viết về A Xan để đọc, tìm hiểu về vùng đất sẽ đặt chân đến. Phần nhiều trong số đó nhắc về khốn khó.

“Lúc đó, tôi không hề ngần ngại và mong muốn được cống hiến ở vùng đất mới. Tôi đã mường tượng về một miền biên viễn xanh ngắt rừng già, những người Cơ Tu hồn hậu một lòng theo Đảng, Bác Hồ và tôi tin mình sẽ sớm thích nghi” - Đại úy Nguyễn Anh Tuấn tâm sự.

Nhưng cũng chính lúc này, anh gặp khó khăn. Phần vì chưa am hiểu phong tục, tập quán; phần chưa biết nói tiếng Cơ Tu, chưa thông thuộc địa bàn, buộc anh phải cố gắng tìm cách vượt qua, giữ lời hứa với… chính mình.

Anh cứ đi, bền bỉ, càng đi càng gặp nhiều, càng học được nhiều. Học từ bà con, từ đồng nghiệp, từ cộng sự là dân quân ở thôn, là lực lượng biên phòng, chính quyền cơ sở.

Biên thùy trở thành nơi nương náu những ân tình. Một năm, dẫu chỉ có đôi ba lần về phép ít ỏi để thăm vợ con, song chính sự hồn hậu chân thật của đồng bào đã níu chân anh ở lại. Đại úy Nguyễn Anh Tuấn nói, chính nhờ về làm công an xã, về với biên giới, anh thấy mình trưởng thành và vững vàng hơn.

z5410080246639_307632b52c1aadbe5b507cb7210e0a02.jpg
Đại úy Nguyễn Anh Tuấn hướng dẫn bà con sử dụng bình chữa cháy. Ảnh: C.N

Từ tình cảm ấy, anh tự dặn lòng sẽ ở lại. Và anh đã được ở lại với biên thùy như nguyện vọng. Anh nói, ngày mai, ngày sau nữa, anh sẽ có thêm thời gian để cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết và cả tình cảm, trách nhiệm của mình với màu áo công an, vì miền biên viễn này.

Ông Hồ Văn Nhia - Bí thư Đảng ủy xã A Xan nói, Đại úy Nguyễn Anh Tuấn chọn ở lại với A Xan, là chọn về cho mình nhiều phần thiệt thòi khi phải tiếp tục xa gia đình, gắn bó với một nơi còn nhiều thiếu thốn.

“Thời gian qua, Đại úy Nguyễn Anh Tuấn đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân làng. Bà con biết đến anh nhiều hơn, thân thuộc và quý mến. Trong công việc, anh cùng đồng đội đã rất trách nhiệm. Trong đời sống, anh như một thành viên của làng, của bản, vẫn thường đều đặn xuống cơ sở để gặp gỡ, chuyện trò, giúp đỡ bà con nhiều phần việc. Đó là cái tình, là nhiệt huyết và tinh thần cống hiến rất lớn cho tương lai của vùng đất này, để giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương nói riêng, giữ vững chắc vùng biên cương Tổ quốc nói chung”.

(Bí thư Đảng ủy xã A Xan Hồ Văn Nhia)

Đi cũng là trở về

Trung úy Ta Cooi Phân, cán bộ Công an xã Tà Lu (Đông Giang) không nhớ nổi mình đã đi về bao nhiều chuyến, ngược xuôi giữa các thôn. Tốt nghiệp Đại học An ninh vào cuối năm 2020, Ta Cooi Phân về nhận công tác đúng lúc chủ trương đưa công an chính quy về xã được đồng loạt triển khai ở Quảng Nam.

May mắn là người Cơ Tu, sinh ra ở Đông Giang, anh Phân nói, được sống giữa đồng bào mình, thì những cuộc đi đều như là đang trở về với quê hương.

z5397908268082_c460d52ee01abecc8863dfe614e5661c.jpg
Ta Cooi Phân (đứng) tuyên truyền, vận động cho bà con ở làng không săn bắn động vật hoang dã, chủ động giao nộp vũ khí. Ảnh: C.N

Sinh ra ở núi, Ta Cooi Phân hiểu được “cái bụng” của đồng bào. Đồng bào vùng cao, chân tình và mến khách thật đấy, nhưng họ sẵn sàng quay lưng bỏ đi khi nghe điều gì đó không lọt tai, thậm chí nổi giận nếu khách làm điều gì đó không hợp mắt.

Yêu ghét rất rõ ràng, nên để bà con thương quý, phải là một hành trình dài cùng ở, cùng ăn, cùng chia sẻ những vất vả gian lao với họ.

Mùa mưa bão, để đề phòng sạt lở, lũ quét, anh em công an xã cùng các tổ xung kích phòng chống thiên tai ngược xuôi trực chốt cảnh báo tại các điểm suối, ngầm tràn, căn dặn bà con chằng chống nhà cửa.

Ở dưới thôn, nghe tin người này người kia dựng nhà, dựng moong, cán bộ chiến sĩ Công an xã cũng xuống xắn tay áo cùng làm.

Nhưng, khó nhất, vẫn là chuyện vận động bà con giao nộp súng tự chế, súng săn. Nhiều đời nay người Cơ Tu quen săn bắn thú rừng, coi đó vừa là công cụ mưu sinh, vừa là một kỷ vật truyền đời.

Qua những lần xuống thôn nắm tình hình, Trung úy Ta Cooi Phân biết rõ ai còn giấu súng ở rừng, ai thường đi săn bắn. Anh tìm cách tiếp cận, đầu tiên phải nói “xa gần”, rồi thông qua công an viên ở thôn, là bà con thân cận của họ để giảng giải, mời gặp.

Như ông Bríu N., một người sở hữu súng săn, ban đầu ông lẩn tránh vì sợ... khai ra công an sẽ bắt phạt. Ta Cooi Phân hứa nếu ông N. tự nguyện giao nộp, không chỉ được tuyên dương thay cho xử phạt, mà còn được đổi vũ khí lấy gạo.

z4886019726558_6aba5f1f00b1bb446d3810b421c78b7e.jpg
Đồng bào vùng cao Tây Giang, Đông Giang hưởng ứng rất tích cực phong trào giao nộp vũ khí nhờ sự vận động kiên trì của công an xã chính quy. Ảnh: C.N

Sau lần đó, không chỉ ông N. mà nhiều người khác lần lượt tự nguyện giao nộp, Công an xã Tà Lu thu được hơn 10 khẩu súng các loại, cũng bằng sự miệt mài ấy.

Đến nay, không còn ai nghe thấy những tiếng súng vang lên đâu đó trong rừng nữa. Bà con tham gia các tổ bảo vệ rừng, đi gỡ bẫy, xua đuổi thợ săn nơi khác xâm nhập trái phép.

Giữa tháng 4 vừa qua, tổ bảo vệ rừng liên thôn Aréh - Đhrồông (xã Tà Lu) kịp thời giải cứu một con sơn dương bị mắc bẫy thợ săn, thả về rừng.

Nhưng chuyện được nhiều người nhắc nhất về Ta Cooi Phân là sự dũng cảm khi đối mặt với đối tượng hình sự phạm tội “giết người”. Đó là vào tháng 1/2022, tại thôn Pà Nai (xã Tà Lu) xảy ra vụ việc chấn động: Bhnướch C. do mâu thuẫn về chuyện đất đai, đã dùng dao sát hại anh ruột của mình.

Đang ngoài ca trực, song nhận được tin báo, Trung úy Ta Cooi Phân lập tức có mặt nắm tình hình, vừa xác minh báo cáo cấp trên, vừa hướng dẫn lực lượng ở thôn bảo vệ hiện trường, khoanh vùng bao vây đối tượng.

z5397907231110_fe129b1f7de02c723712798caf26010b.jpg
Trung úy Ta Cooi Phân tuyên truyền về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng ở làng. Ảnh: C.N

“Bố trí xong, tôi quay về trụ sở để thay cảnh phục, lấy công cụ hỗ trợ xuống hiện trường. Đối tượng đang trong cơn kích động, cố thủ chặt ở trong nhà, tay vẫn lăm lăm cây rựa.

Tôi bình tĩnh dùng tiếng Cơ Tu tiến đến khuyên giải, yêu cầu đối tượng bỏ rựa xuống, cùng tôi đi đến hiện trường vụ việc. Bhnướch C. dần bình tĩnh trở lại, cùng tôi trở ra.

Nhận định thời cơ thuận lợi, tôi khống chế đối tượng, cùng các đồng chí Công an huyện Đông Giang vừa tăng cường đến hiện trường đưa đối tượng về trụ sở. Tôi cũng khuyên can nhiều bà con khác không được tấn công Bhnướch C., tin tưởng vào lực lượng công an xử lý vụ việc” - Ta Cooi Phân kể.

Ông Bling Trao - Chủ tịch UBND xã Tà Lu cho hay, chính sự tận tụy, làm vì dân, phục vụ nhân dân mà dần dần người dân tin và quý công an chính quy ở xã.

“Trước đây, nhiều người cứ thấy công an tìm là lo lắng. Nhờ xuống cơ sở nhiều lần, giúp dân mọi việc nên bà con dần quen, xóa hẳn tư tưởng lo lắng ấy” - ông Trao chia sẻ.


-------------------------
Bài cuối: Phía sau bình yên...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công an chính quy về xã: Ở phía gian lao - Bài 2: Con của buôn làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO