Quốc phòng - An ninh

Công an chính quy về xã:Ở phía gian lao - Bài 1: Theo dòng chảy chuyển đổi số

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 20/05/2024 08:32

Mang theo trong mình tinh thần đảng viên và ý chí của người chiến sĩ Công an nhân dân, khi lực lượng công an chính quy về xã, những bình yên cứ thế đầy lên. Công an xã đã lặng thầm chọn phía gian lao để làm điểm tựa, góp phần tạo môi trường sống bình yên, an toàn cho nhân dân...

cong-an-xa-1.7.jpg
Công an phường Điện Phương (thị xã Điện Bàn) đến nhà tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho bà Hà Thị Lân. Ảnh: C.N

BÀI 1: THEO DÒNG CHẢY CHUYỂN ĐỔI SỐ

Từ làng lên phố, chuyện chuyển đổi số ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trong các “diễn đàn”, từ bàn ăn vỉa hè đến phòng họp của thôn, khối phố. Gắn liền với cơ sở, công an xã chính quy đã lặn lội “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, tận tụy giải quyết khối lượng công việc khổng lồ của Đề án 06.

Sáng kiến điểm dịch vụ công trực tuyến

Nắng rát mặt. Những ngả đường hầm hập với cái nóng đặc trưng của miền Trung mỗi mùa hè. Vào một buổi trưa cuối tháng 4/2024, Đại úy Nguyễn Văn Vinh cùng tổ công tác Đề án 06 của khối phố Triêm Trung 2, phường Điện Phương (thị xã Điện Bàn) đi xe máy, gõ cửa nhà bà Hà Thị Lân để tuyên truyền về việc chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Bà Lân là người cao tuổi khuyết tật, lâu nay vẫn nhận trợ cấp bằng cách trực tiếp đến trụ sở UBND xã hàng tháng.

Với địa bàn rộng, người dân sống bằng nhiều ngành nghề, công an xã cũng phải hiểu “đặc thù” công việc của mỗi gia đình để sắp xếp thời gian tìm gặp, tuyên truyền phù hợp. Đúng như dự tính, bà Lân cùng các con vừa xong công việc, đang ở nhà.

cong-an-xa-1.4.jpg
Cùng với lực lượng đoàn viên thanh niên, Công an phường Điện Phương về tận nhà dân để hỗ trợ, tuyên truyền các nội dung trong Đề án 06. Ảnh: C.N

Đại úy Nguyễn Văn Vinh lần lượt giới thiệu về những tiện ích khi tham gia chi trả an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng, cách thức đăng ký, những thông tin liên quan cho bà Lân lẫn người thân trong gia đình. Chút bối rối qua nhanh, thay bằng những cái gật gù, bà Lân và các con kỹ càng hỏi cách đăng ký, nhờ tổ công tác Đề án 06 hỗ trợ để được chi trả thông qua tài khoản ngân hàng.

“Lâu nay, mỗi tháng tôi phải ra UBND xã để nhận chế độ trợ cấp. Sau khi nghe anh Vinh và cán bộ địa phương giải thích, tôi hiểu được những tiện ích của việc chi trả qua tài khoản. Không phải tốn thời gian, công sức đi lại hay chờ đợi, cứ ngồi nhà là được nhận tiền hỗ trợ, không mất chi phí. Đỡ quá đi chớ!” - bà Lân cười nói.

[VIDEO] - Đại úy Nguyễn Văn Vinh chia sẻ về triển khai Đề án 06 trên địa bàn phường Điện Phương

Vận động chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt là một trong rất nhiều nội dung của Đề án 06 đang được lực lượng công an xã chính quy đồng loạt triển khai ở nhiều địa phương.

Với phường Điện Phương, cùng đầu việc, nhưng địa bàn có đến hơn 16.000 nhân khẩu, khối lượng công việc tăng lên rất nhiều. Để rút ngắn thời gian, tạo sự tiện lợi cho nhân dân, thời gian qua, Công an phường Điện Phương cùng các thành viên Tổ công tác Đề án 06 của phường chú trọng việc giải quyết hồ sơ thủ tục qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Hình thành ý tưởng thì đơn giản, nhưng đưa ý tưởng vào thực tiễn là cả một quá trình. Đó cũng là những thử thách mở ra cho Đại úy Nguyễn Văn Vinh khi về với phường Điện Phương.

Khối lượng công việc lớn tạo ra áp lực đáng kể, Đại úy Vinh đã tìm tòi, nghiên cứu các văn bản, quy định liên quan, từ đó tham mưu xây dựng mô hình “Điểm dịch vụ công”. Hiệu ứng đến rất nhanh.

cong-an-xa-1.5.jpg
Công an phường Điện Phương đã xây dựng nhiều mô hình, cách làm nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận "xã hội số", xây dựng "cuộc sống số". Ảnh: C.N

Gần một năm nay, Công an phường Điện Phương đã tiếp nhận giải quyết hơn 700 hồ sơ thường trú, hàng chục hồ sơ tạm trú và hơn 170 hồ sơ lưu trú, hơn 400 hồ sơ đăng ký xe máy, tất cả đều qua cổng dịch vụ công.

“Khó khăn do phần lớn người dân có nhu cầu làm thủ tục là người ở quê, đã lớn tuổi, nắm bắt và thao tác trên môi trường số khá hạn chế.

Do đó, chúng tôi phải kiên trì, hướng dẫn từng bước, nhiều lần. Khi bà con đã nắm bắt được, họ sẽ có thể tự làm các thủ tục khác tại nhà, thuận lợi cho cả bản thân và người thân trong gia đình.

Đến nay, Công an phường vẫn duy trì mô hình vào ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần. Ngoài hai ngày trên, bất kỳ những ngày làm việc khác trong tuần, đơn vị sẵn sàng hỗ trợ thay cho lực lượng đoàn viên trong tổ công tác Đề án 06 hỗ trợ cho mô hình “Điểm dịch vụ công” trực tuyến tại trụ sở” - Đại úy Nguyễn Văn Vinh chia sẻ.

Sáng tạo vì dân

Không phải ai cũng có khả năng tiếp cận việc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Số lượng người dân biết ứng dụng tài khoản định danh điện tử để khai thác tiện ích trong những ngày đầu triển khai Đề án 06 chưa nhiều, nên việc tuyên truyền, vận động của lực lượng công an ở cơ sở gặp nhiều khó khăn.

cong-an-xa-1.3.jpg
Công an xã Đại Thạnh túc trực, tiếp nhận và giải quyết nhanh các thủ tục cho người dân. Ảnh: C.N

“Ban đầu, nhiều người chưa hiểu, chưa nắm được sự tiện lợi của việc giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường trực tuyến nên không hợp tác đăng ký tài khoản. Phải kiên trì, tìm cách để người dân thấy được tiện ích, làm cách nào đó để thuận lợi nhất cho người dân” - Thượng úy Trịnh Văn Danh - Phó Trưởng Công an xã Đại Thạnh (Đại Lộc) mở đầu câu chuyện về Đề án 06 nơi anh đang công tác.

Có nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” mà lực lượng công an chính quy về xã gặp phải trong thực tiễn công việc, đặc biệt là ở làng quê, nơi một bộ phận người dân còn hạn chế về nhận thức liên quan đến chuyển đổi số, sử dụng mạng internet...

Trong những ngày đầu triển khai điểm dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 tại địa bàn, Công an xã Đại Thạnh triển khai các tổ liên tục xuống thôn, vận động người dân mở tài khoản dịch vụ công bằng số điện thoại cá nhân.

cong-an-xa-1.2.jpg
Công an xã Đại Thạnh đã xây dựng các mã QR Code để hướng dẫn người dân quét mã, truy cập, tiện dụng trong quá trình cần giải quyết thủ tục sau này mà không phải đến trụ sở công an xã nhiều lần. Ảnh: C.N

Ban ngày giải quyết công việc ở cơ quan, ban đêm lại về từng thôn, hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho từng người. Đến giai đoạn triển khai kích hoạt định danh điện tử, Đại Thạnh là địa phương tiên phong xây dựng mô hình “TĐ06 3+”, gồm Tổ đề án 06 xã cộng với tổ đề án 06 thôn, tổ đoàn kết, thanh niên tình nguyện.

Nhiều tài khoản được gửi đi, song lại bị trả về, xử lý rất nhiều lần. Có trường hợp cả tuần sau khi đăng ký kích hoạt hệ thống mới trả kết quả, lại phải xuống hỗ trợ người dân... kích hoạt lại. Nhiều gia đình đăng ký cho 3, 4 người chỉ bằng một số điện thoại, công an xã lại phải một lần nữa “cầm tay chỉ việc”.

“Cá biệt, có người dân đăng ký kích hoạt định danh điện tử đến cả chục lần, kết quả trả về vẫn không thành công. Họ có vẻ nản, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì hỗ trợ, thấy anh em nhiệt tình, bà con... động viên trở lại anh em. Đó cũng là một niềm khích lệ giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ” - Thượng úy Trịnh Văn Danh kể.

Cùng dân, sát dân, Công an xã Đại Thạnh trở thành “cây sáng kiến” trong thực hiện Đề án 06. Mới đây, Công an xã đã xây dựng bộ “QR Code hóa” các thủ tục liên quan thay đổi thông tin cư trú, đăng ký tạm trú, đăng ký xe... để niêm yết tại trụ sở, đồng thời hướng dẫn người dân quét mã, làm thủ tục trực tuyến.

cong-an-xa-1.1.jpg
Công an xã Đại Thạnh là địa phương có nhiều sáng kiến trong triển khai Đề án 06 ở cơ sở. Ảnh: C.N

Thiếu tá Võ Đình Xuân - Trưởng Công an xã Đại Thạnh cho hay, các chỉ tiêu trong nội dung Đề án 06 ở địa phương luôn đạt và vượt tiến độ so với yêu cầu.

“Trong những đợt tuyên truyền, chúng tôi kết hợp nhiều nhiệm vụ như nhắc nhở người dân cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn lừa đảo giả danh công an, phòng ngừa trộm cắp, phổ biến các chính sách, vận động xây dựng mô hình camera an ninh, làm sạch và làm giàu dữ liệu dân cư.

Công an xã cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, trách nhiệm từ chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và sự đồng hành của bà con. Người dân tin tưởng, quý mến, trở thành cánh tay, đôi mắt của chúng tôi ở cơ sở, trong mọi nhiệm vụ” - Thiếu tá Võ Đình Xuân nói.

Theo thống kê, các dịch vụ công thiết yếu của lực lượng công an tỉnh chủ trì có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 100% như: thủ tục làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội); thông báo lưu trú tại các cơ sở kinh doanh lưu trú...

Ngoài ra, công an các cấp phối hợp với ngành LĐ-TB&XH đã rà soát 96% số đối tượng an sinh xã hội trên địa bàn, trong đó có hơn 60% đã có tài khoản để thực hiện chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Công an tỉnh đã chủ trì tham mưu thực hiện hiệu quả ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã bố trí thiết bị đọc mã QR phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng VNeID...

__________________

Bài 2: Con của buôn làng

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công an chính quy về xã: Ở phía gian lao - Bài 1: Theo dòng chảy chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO