Lâm nghiệp

Cộng đồng ở Đông Giang chung tay giữ rừng

LÊ MỸ (hotranminhquanbc@gmail.com) 29/04/2025 21:01

(QNO) – Việc giao khoán cho cộng đồng trên địa bàn huyện Đông Giang thời gian qua đã góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.

TUAN TRA 5
Cộng đồng thôn Ra Nuối (xã Zơ Ngây, Đông Giang) tuần tra bảo vệ trong lâm phận quản lý. Ảnh: LÊ MỸ

Cộng đồng thôn Ra Nuối (xã Zơ Ngây, Đông Giang) hiện đang quản lý, bảo vệ hơn 1.075ha rừng. Trong đó, nhận khoán 650ha thuộc diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng lưu vực thủy điện Sông Côn 2 và 425ha thuộc diện tích quản lý, bảo vệ theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Alăng Thành – Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Ra Nuối cho biết, mỗi tháng tổ tiến hành tuần tra ít nhất 4 lần. Riêng những tháng có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng hoặc xâm hại rừng, số lần tuần tra sẽ tăng lên nhằm kiểm soát chặt chẽ địa bàn.

"Dù địa hình đồi núi hiểm trở, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, tổ luôn đảm bảo tuần tra đầy đủ, không để sót diện tích nhận khoán quản lý, bảo vệ" – ông Thành nói.

TUAN TRA 8
Gian nan trên đường tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: LÊ MỸ

Song song với hoạt động tuần tra, tổ còn tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng trong cộng đồng. Đáng chú ý, việc Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn là thành viên trong tổ, nên tại các cuộc họp thôn, các quy định pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được phổ biến sâu rộng đến người dân. Đến nay, hơn 90% hộ dân trong thôn đã ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng; số hộ còn lại chưa ký cam kết là người già yếu.

[VIDEO] - Ông Alăng Thành – Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Ra Nuối chia sẻ về công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng:

Theo ông Nguyễn Khắc Thuận – Trưởng trạm Bảo vệ rừng số 3 (Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang), trạm phụ trách địa bàn 3 xã Zơ Ngây, Sông Kôn và A Ting với tổng cộng 10 cộng đồng nhận khoán. Để nâng cao hiệu quả giữ rừng, đơn vị phân công cán bộ phụ trách từng xã nhằm phối hợp chặt chẽ với cộng đồng tổ chức tuần tra và tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

"Nhận khoán bảo vệ rừng, các cộng đồng phát huy rõ rệt tinh thần trách nhiệm. Hằng tháng, khi nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, cộng đồng trích khoảng 50% để trả cho tổ tuần tra, phần còn lại chia đều cho các hộ dân. Nhờ vậy, các vụ xâm hại rừng trên địa bàn được hạn chế đến mức tối đa" – ông Thuận cho hay.

[VIDEO] - Ông Nguyễn Khắc Thuận – Trưởng Trạm Bảo vệ rừng số 3 (Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang) nói về hiệu quả chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng:

Tổng diện tích thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang là hơn 31.655ha. Trong đó, diện tích giao khoán cho cộng đồng theo hợp đồng là gần 16.162ha, còn lại 15.493ha do đơn vị tự tổ chức quản lý, bảo vệ.

TUAN TRA 2
Sử dụng ứng dụng SMART trong tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: LÊ MỸ

Ông Nguyễn Mạnh Trường – Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang cho biết, thời gian qua, các trạm, tổ quản lý rừng phối hợp chặt chẽ với 33 cộng đồng nhận khoán tổ chức tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các dấu hiệu vi phạm. Riêng 3 tháng đầu năm 2025, qua các đợt phối hợp tuần tra, truy quét, đơn vị đã phát hiện 2 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, gồm 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép và 1 vụ tác động đến rừng trái quy định. Các vụ việc đã được chuyển cho Hạt Kiểm lâm huyện xử lý theo thẩm quyền.

Hiện lực lượng chuyên trách và các cộng đồng nhận khoán đang tập trung cao độ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đặc biệt, lực lượng túc trực thường xuyên tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao để nắm tình hình, xử lý kịp thời các sự cố, đảm bảo an toàn cho diện tích rừng được giao quản lý.

[VIDEO] - Cộng đồng thôn Ra Nuối (xã Zơ Ngây, Đông Giang) tuần tra, bảo vệ rừng:

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cộng đồng ở Đông Giang chung tay giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO