(QNO) – Bên cạnh thiết lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, tinh gọn và đủ mạnh, cộng đồng dân cư thôn ở miền núi được xem là “cánh tay nối dài” trong giữ rừng hiệu quả. Từ nguồn lực chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thật sự giúp cộng đồng thôn hưởng lợi có trách nhiệm hơn với diện tích rừng được giao khoán quản lý, bảo vệ.
Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, như thường lệ từ đầu năm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam xây dựng kế hoạch chi tiết về tổ chức các lớp tập huấn, chia sẻ các quy định pháp luật về các chính sách liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng (BVR) đến tận các thôn, bản ở các huyện miền núi. 3 tháng đầu năm 2025, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh mở nhiều lớp tập huấn về nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý BVR gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho cộng đồng thôn tại các xã thuộc huyện Bắc Trà My, Nam Giang và Tây Giang.
Thành phần tham gia có đầy đủ đại diện UBND xã, ban quản lý rừng cộng đồng và các nhóm hộ gia đình đang được thực hiện chi trả DVMTR. Chủ đề chính tập trung vào những nội dung của Luật Lâm nghiệp và các văn bản liên quan; hướng dẫn xây dựng hương ước – quy ước của cộng đồng dân cư thôn; đánh giá biểu mẫu theo dõi ghi chép tuần tra BVR, xác định diện tích chi trả DVMTR; phát hiện, xử lý vi phạm trong quá trình tuần tra; các kỹ năng xử trí sự cố cháy rừng...
Tại 18 cộng đồng thôn thuộc các huyện Bắc Trà My, Tây Giang và Nam Giang, gần như người dân, nhóm hộ đã sử dụng thành thạo phần mềm bản đồ (ứng dụng Lucus Map) trên thiết bị di động trong quá trình tuần tra, theo dõi, giám sát trạng thái rừng. Riêng tại huyện Bắc Trà My, giai đoạn 2023 - 2028 có hơn 7.595ha rừng (ngoài lưu vực thủy điện) được giao cho cộng đồng thôn của 7 xã gồm: Trà Ka, Trà Giáp, Trà Đốc, Trà Nú, Trà Kót, Trà Dương và Trà Đông.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My, cộng đồng thôn được giao khoán theo các chương trình bảo vệ rừng tự nhiên, phát triển lâm nghiệp bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hầu hết diện tích trên được hưởng chính sách DVMTR đều được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt.
Thời gian qua, ngành lâm nghiệp triển khai mô hình điểm quản lý bền vững rừng cho cộng đồng thôn. Gần đây nhất là xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng bền vững giai đoạn 2024 - 2030 cho 4 cộng đồng dân cư thôn Pơr‘ning và Tà’Ri (xã Lăng, Tây Giang) và cộng đồng dân cư thôn Đắc Pênh (xã La Dêê) và thôn Côn Zốt (xã Chơ Chun) của huyện Nam Giang. Theo đó, phương án hướng đến mục tiêu giúp cộng đồng thôn nắm rõ năng lực, phong tục tập quán sản xuất, kiến thức bản địa trong quản lý rừng, sản xuất nông lâm nghiệp dưới tán rừng...
Trong khi đó, chủ rừng là Ban Quản lý khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam đã giao hơn 8.671ha rừng cho tổ BVR cộng đồng của 2 huyện Đông Giang và Tây Giang quản lý, bảo vệ. Theo chủ rừng này, các tổ BVR cộng đồng thôn được hưởng chính sách chi trả DVMTR thường tổ chức 2 đợt tuần tra tại các tiểu khu thuộc lâm phận quản lý. Mỗi đợt tuần tra khoảng 4-7 người, kéo dài ít nhất 4 ngày trong rừng với nhiệm vụ chính là tuần tra, theo dõi trạng thái rừng, tháo gỡ bẫy thú rừng. Đặc biệt vào mùa nắng nóng cao điểm, tổ BVR thôn còn chia thành các nhóm để tuần tra và phát đường ranh cản lửa, phòng chống cháy rừng...
Hướng đến giữ rừng chuyên nghiệp tại cơ sở, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) cũng vừa chia sẻ kỹ năng tuần tra BVR và nhận biết động thực vật quý hiếm cho cộng đồng thôn Cutchun (xã Mà Cooih, Đông Giang) và lực lượng chuyên trách BVR thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ của 2 huyện Đông Giang và Tây Giang. Tại đây, các bộ của WWF – Việt Nam đã hướng dẫn sử dụng công cụ SMART để nhận diện và giám sát các loài động thực vật quý hiếm, ghi nhận dữ liệu tuần tra, kỹ năng tuần tra an toàn. Thông qua đó, giúp nâng cao năng lực cho các đội tuần tra và cải thiện sinh kế cho người dân.
Chính sách chi trả DVMTR góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân miền núi gắn bó và yêu quý Mẹ rừng nhiều hơn"
Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam – ông Huỳnh Đức
Quảng Nam hiện đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý gần 500 nghìn héc ta; trong đó rừng phòng hộ hơn 220 nghìn héc ta, rừng đặc dụng gần 138 nghìn héc ta và rừng sản xuất hơn 139 nghìn héc ta. Năm 2024, Quảng Nam thu tiền DVMTR hơn 177,279/194,523 tỷ đồng, đạt 91,13% kế hoạch. Trong đó, nguồn thu điều phối từ Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Việt Nam hơn 56,6 tỷ đồng, đạt 92,5% kế hoạch; thu nội tỉnh hơn 120,5 tỷ đồng, đạt 90,52% kế hoạch…