Sau thời gian miệt mài vận động tuyên truyền, cuối cùng, các đơn vị chuyên trách bảo vệ rừng cũng gặt hái được “quả ngọt” từ cộng đồng. Nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học, thời gian qua, nhiều đợt giải cứu động vật hoang dã được thực hiện bởi các nhóm cộng đồng miền núi…
Giải cứu thú rừng
Nhóm cộng đồng Aréh (thôn Aréh Đhrôồng, xã Tà Lu, Đông Giang) vừa trở về sau chuyến tuần tra, mang theo câu chuyện thú vị về cuộc “vật lộn với thú rừng” và tận tay giải cứu thành công một cá thể sơn dương nặng hàng chục ký ở ngọn núi Coong Réh, nơi lâm phận quản lý của cộng đồng địa phương.
Ông Alăng Thân - Nhóm trưởng cộng đồng Aréh kể, hôm ấy là ngày thứ 2 nhóm tuần tra ở trong rừng làm nhiệm vụ. Ngày đầu tiên, họ không phát hiện gì, chỉ tham gia gỡ bẫy thú rừng theo kinh nghiệm tại các tiểu khu nhận quản lý, bảo vệ.
“Lúc đó cũng gần trưa, vượt qua nhiều đoạn dốc cao thì bất ngờ phát hiện một con sơn dương đang mắc bẫy. Ngay lập tức, anh em tiến đến để kiểm tra, hỗ trợ giải cứu con vật.
Bằng kinh nghiệm qua các đợt tập huấn nên chỉ mất gần 6 phút, anh em đã hoàn tất việc giải cứu, thả cá thể sơn dương về với môi trường tự nhiên” - anh Alăng Thân kể.
Theo lời anh Thân, con sơn dương lúc ấy đã trải qua 2 lần dính bẫy. Bẫy gần nhất, là mắc ở chân trái nên nhóm quyết định dùng dây thép buộc chặt vào cặp sừng để cố định, rồi cử người tiếp cận, dùng lực vật thú rừng xuống đất.
Sau một hồi vật lộn, cuối cùng cá thể sơn dương cũng ngoan ngoãn nằm một chỗ, trước sự khống chế của đội tuần tra. Nhưng, vết thương của lần mắc bẫy trước khiến một chân của sơn dương có phần sưng to, chảy máu khiến việc tháo gỡ bẫy gặp nhiều khó khăn.
“Sau nhiều ngày mắc bẫy, cá thể sơn dương có phần ốm đi, sức khỏe cũng yếu dần nên thuận lơi cho việc giải cứu” - anh Alăng Thân chia sẻ.
Hơn 10 năm làm nhiệm vụ tuần tra, anh Thân nói, đây là lần đầu tiên nhóm cộng đồng Aréh bắt gặp cá thể thú rừng dính bẫy còn sống. Những năm trước, các cuộc tuần tra xuyên núi chỉ tham gia tháo gỡ bẫy thú do thợ săn lén lút đặt và kiểm soát hiện trạng rừng tự nhiên. Chuyến tuần tra có khi cả tuần lễ, luân phiên theo nhóm 6 - 7 người làm nhiệm vụ trong rừng sâu.
Ông Alăng Dam - Trưởng thôn Aréh Đhrôồng cho biết, hằng tháng, lồng ghép trong các buổi họp thôn, các nhóm bảo vệ rừng thường xuyên tuyên truyền về vai trò và trách nhiệm của cộng đồng trong việc góp sức giữ rừng, chung tay bảo tồn đa dạng sinh học. Nhờ vậy, vài năm trở lại đây, tình trạng săn bắt thú rừng đã giảm hẳn, nhận thức của người dân địa phương đã nâng lên rõ nét.
Góp sức bảo tồn thiên nhiên
Ông Lê Hoàng Sơn - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam cho biết, sự chung tay của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học hết sức cần thiết và quan trọng. Điều đó quyết định rất lớn đến việc thành bại trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã.
Vì thế, thời gian qua, đơn vị luôn nỗ lực trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân thay đổi hành vi, tiến đến hành động, chung tay bảo vệ sinh thái rừng.
Theo ông Sơn, sau quá trình dài vận động, tuyên truyền đối với cộng đồng miền núi, những “quả ngọt” đầu tiên đang dần được thu hoạch, tạo động lực cổ vũ cho hành trình góp sức bảo tồn thiên nhiên, mẹ rừng.
Câu chuyện cụ thể mà ông Sơn đề cập, chính là hành động tham gia giải cứu cá thể động vật quý hiếm bị mắc bẫy của thợ săn, được nhóm tuần tra cộng đồng Aréh (xã Tà Lu) thực hiện vài ngày trước.
Và cả câu chuyện nhóm cộng đồng thôn Aréc (xã A Vương, Tây Giang) trên đường tuần tra phát hiện, rồi thả một cá thể rùa núi viền quý hiếm vào rừng tự nhiên, được xem như hành trình thay đổi hành vi của cộng đồng miền núi.
“Tất cả những hành động này, cho thấy người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã dần nâng cao nhận thức về việc bảo vệ động vật quý hiếm.
Nhiều năm qua, cùng với các lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, nhiều nhóm cộng đồng đã không ngại hiểm nguy, gian khổ, cùng tham gia các chuyến tuần tra, kiểm soát rừng. Qua đó, kịp thời phát hiện và giải cứu cá thể động vật hoang dã quý hiếm, thả về môi trường tự nhiên.
Thời gian tới, chúng tôi mong muốn các nhóm cộng đồng miền núi tiếp tục phát huy vai trò, làm tốt hơn nữa công tác tuần tra kiểm soát, nhất là tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng, góp sức bảo tồn đa dạng sinh học trên lâm phận quản lý” - ông Sơn nói.
Ghi nhận đóng góp của cộng đồng tham gia bảo vệ đa dạng sinh học, ngay sau khi nhận được thông tin từ lượng lực chuyên trách bảo vệ rừng, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu bảo tồn loài Sao la Quảng Nam đã đến tận nơi để gặp mặt, “thưởng nóng” các nhóm cộng đồng; qua đó, khuyến khích nhân rộng hành động đẹp và ý nghĩa với môi trường tự nhiên…