Xã hội

Công tác phòng chống AIDS ở Quảng Nam còn nhiều thách thức

THÀNH CÔNG 24/12/2024 09:28

Quảng Nam đang nỗ lực kiểm soát và tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS, giảm thiểu tệ nạn ma túy và mại dâm. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn để tháo gỡ các khó khăn về chính sách, nguồn lực và sự chung tay của cộng đồng.

Công an Quảng Nam triển khai đợt cao điểm tổng rà soát, phát hiện, quản lý người nghiện ma túy. Ảnh: M.T
Công an Quảng Nam triển khai đợt cao điểm tổng rà soát, phát hiện, quản lý người nghiện ma túy. Ảnh: T.C

Nhiều thách thức

Theo báo cáo, tỉnh Quảng Nam hiện ghi nhận 767 người nhiễm HIV còn sống, với tỷ lệ nhiễm HIV trung bình 49 người trên 100 nghìn dân. Các trường hợp nhiễm HIV tập trung chủ yếu tại 8 huyện, bao gồm Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Tiên Phước, Phú Ninh, Quế Sơn, Điện Bàn, và Tam Kỳ.

Đáng chú ý, nhóm tuổi 25 - 49 chiếm tỷ lệ cao nhất (67%), tiếp đến là nhóm tuổi 15 - 24 (25%). Trong năm 2024, đã có 49 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện, trong đó nhóm có quan hệ đồng giới chiếm tỷ lệ đáng kể 24,49% và có xu hướng gia tăng.

Thời gian qua, Quảng Nam đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu sự lây lan HIV/AIDS. Các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ được tổ chức dưới nhiều hình thức.

Ngoài ra, các biện pháp can thiệp giảm tác hại như cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su và điều trị bằng Metha done cũng được triển khai đến hơn 50 nghìn đối tượng.

Hoạt động điều trị kháng vi rút HIV (ARV) đã giúp 97,9% số ca mới phát hiện được tiếp cận điều trị kịp thời, với tổng số bệnh nhân tham gia điều trị ARV lên đến 640 người. Lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn và triệt phá các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.

12.000 viên thuốc lắc được cất giấu trong nhiều vỏ đồ hộp. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an.
Công an Quảng Nam phối hợp triển khai triệt phá nhiều vụ án ma túy lớn. Ảnh: 12.000 viên thuốc lắc, tang vật ma túy trong một đường dây tội phạm mà Công an Quảng Nam phối hợp triệt phá.

Thượng tá Đặng Quốc Hoàng - Phó Trưởng phòng Cánh sát điều tra tội phạm về ma túy cho hay, con số thống kê vẫn chỉ là bề nổi của số người nghiện trên địa bàn. Sau khi Luật Phòng chống ma túy năm 2021 ban hành, một số quy định không được chuyển tiếp so với luật cũ, đã loại ra rất nhiều đối tượng nghiện ma túy.

“Hiện nay, chúng tôi đang tập trung cao độ tổng rà soát người nghiện, người sử dụng ma túy. Quảng Nam đã thực hiện xong giai đoạn 1, số người nghiện, người sử dụng ma túy trong hồ sơ được quản lý rất chặt. Nhưng ngoài con số này, ước có khoảng hơn 1 nghìn đối tượng nghi nghiện đang được tham mưu xét nghiệm…” - Thượng tá Đặng Quốc Hoàng nêu.

Một thách thức khác mà Quảng Nam đang đối mặt trong phòng chống AIDS là sự gia tăng của nhóm có quan hệ đồng giưới. Đây là nhóm đối tượng khó tiếp cận trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm HIV ở nhóm này tăng cao.

Cần sự chung tay

Trước nhiều thách thức đặt ra, Quảng Nam đã xây dựng và thực hiện nhiều chương trình hành động cụ thể. Các kế hoạch tuyên truyền, phòng ngừa tệ nạn ma túy và mại dâm đang được triển khai đồng bộ, bao gồm tổ chức 18 lớp tuyên truyền, tham vấn và tọa đàm, đồng thời phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống tệ nạn xã hội tại các cơ quan, trường học và khu dân cư.

Tập huấn, tuyên truyền pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Ảnh: P.G
Tập huấn, tuyên truyền pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Ảnh: T.C

Làm việc với đoàn kiểm tra, giám sát của Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế mới đây, ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Trung ương cần có những cơ chế đặc thù, ví dụ cơ chế thu hút đội ngũ y bác sĩ về miền núi hoặc các cơ sở điều trị đặc thù như trung tâm cai nghiện.

Ngoài ra, cần nghiên cứu cơ chế quản lý người nghiện, không phải trường hợp nào cũng đưa vào cai nghiện bắt buộc song phải có phương pháp hiệu quả, đánh giá thấu đáo.

“Hiện nay người nghiện có xu hướng tăng, cần có chế tài nghiêm khắc hơn với người sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời, tạo cơ chế mạnh mẽ hơn cho công an làm nhiệm vụ quản lý người nghiện.

Trung ương cũng cần có chính sách đào tạo nghề ngay trong quá trình cai nghiện và giải quyết việc làm cho người nghiện. Nếu không thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách này để người nghiện hòa nhập cộng đồng thì nguy cơ tái nghiện rất cao.” - ông Phan Thái Bình đề nghị.

Đại diện Sở Y tế báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: T.C
Đại diện Sở Y tế báo cáo với đoàn giám sát của Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế tại buổi làm việc mới đây. Ảnh: T.C

Đại tá Nguyễn Sỹ Thanh - Phó Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Công an đánh giá cao về công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trên địa bàn Quảng Nam. “Quảng Nam đã thành lập ban chỉ đạo, ban hành nhiều kế hoạch, đưa ra chỉ tiêu cụ thể, nhìn nhận được được khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thời gian tới, sự phối hợp chặt chẽ của công an và ngành y tế, đặc biệt là việc tăng cường nguồn lực từ Trung ương cho công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, sẽ giúp khắc phục được nhiều tồn tại hiện nay.

Chúng tôi ghi nhận những đề xuất của Quảng Nam và sẽ có những tham mưu cần thiết để xem xét điều chỉnh các văn bản liên quan việc quản lý người nghiện, điều trị Methadone và các cơ chế chính sách quan trọng để tăng cường hiệu quả công tác này” - Đại tá Nguyễn Sỹ Thanh nói

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công tác phòng chống AIDS ở Quảng Nam còn nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO