Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh (khóa X) diễn ra cuối tuần qua đã thông qua Nghị quyết về Quy định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng cho người giữ các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng; trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) cho lực lượng dân phòng.
Theo đó, hằng tháng đội trưởng đội dân phòng được hỗ trợ 20% lương tối thiểu vùng/người; còn đội phó được hỗ trợ 15% lương tối thiếu vùng/người. Nghị quyết cũng quy định cụ thể mức hưởng hỗ trợ đối với trường hợp đội trưởng, đội phó đội dân phòng kiêm nhiệm chức danh khác.
Tính đến ngày 15/4/2022, toàn tỉnh có 1.240 thôn, tổ dân phố; trong số này có 1.203 thôn, tổ dân phố đã thành lập đội dân phòng (đạt 96,85%) với 11.931 đội viên. UBND tỉnh đánh giá, lực lượng dân phòng đã phát huy vai trò, trực tiếp tham gia giải quyết nhiều tình huống cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh, góp phần ngăn chặn không để xảy ra cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, chế độ hỗ trợ thường xuyên cho những người giữ chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng chưa được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 34, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ; việc tham gia vào đội dân phòng phần lớn trên tinh thần tự nguyện; vì vậy, chưa phát huy được trách nhiệm của lực lượng này khi tham gia công tác PCCC&CNCH.
Với nghị quyết vừa được HĐND tỉnh ban hành, mỗi năm ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 18,5 tỷ đồng cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng (2 biên chế/đội). Dự kiến bố trí gần 12,3 tỷ đồng đầu tư trang bị phương tiện PCCC&CHCN lần đầu cho toàn bộ 1.240 đội dân phòng.
Nhằm giảm áp lực cho ngân sách, HĐND tỉnh thống nhất giai đoạn 2023 - 2025 trang bị cho các xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện đồng bằng và các thôn, tổ dân phố thuộc 6 thị trấn, 3 xã trung tâm của 9 huyện miền núi; sau năm 2025 trang bị cho các thôn còn lại.
Ông Hà Đức Tiến - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nói, mức hỗ trợ đối với các người giữ chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng tương đồng với một số chức danh khác tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố.
Cũng theo ông Tiến, hiện ở các thôn, tổ dân phố đang có nhiều mô hình tự quản huy động sự tham gia tự nguyện của quần chúng nhân dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự như “Tổ tự quản về an ninh trật tự”, “Câu lạc bộ tự quản về an ninh trật tự”...
Bên cạnh đó, các tổ dân phố thuộc phường, thị trấn có “Tổ bảo vệ dân phố”, các thôn có Công an viên thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở theo quy định pháp luật.
“Vì vậy, trong quá trình thực hiện nghị quyết, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh nghiên cứu lồng ghép hoạt động của đội dân phòng với các tổ chức tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở nhằm tinh gọn về tổ chức, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy tối đa hiệu quả hoạt động trong thực hiện các nhiệm vụ PCCC&CNCH, đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở” - ông Tiến đề xuất.