(QNO) - Chiều 30/6, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đại biểu: Lê Văn Dũng – Phó Bí Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Dương Văn Phước – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phan Thái Bình – Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy; Vương Quốc Thắng - Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội có buổi tiếp xúc cử tri huyện Đông Giang.
Cử tri huyện Đông Giang cho rằng, hiện nay quốc lộ 14G từ Đà Nẵng đến Trung tâm hành chính huyện Đông Giang xuống cấp nghiêm trọng làm ảnh hưởng việc đi lại, phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đông Giang và Tây Giang. Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị Trung ương khẩn trương đầu tư, nâng cấp quốc lộ 14G giai đoạn 2023 - 2025 để phục vụ đời sống nhân dân.
Ông Arất Bói – Chủ tịch UBND xã Mà Cooih (Đông Giang) cho biết, xã có diện tích đất tự nhiên rộng nhất huyện (18.183,99ha). Tuy nhiên, đất rừng sản xuất hiện nay mà các hộ gia đình trên địa bàn xã đang sử dụng để canh tác là rất ít (1.923,31ha). Trong khi đó, phần lớn diện tích tự nhiên của xã thuộc đất rừng phòng hộ (13,420,57ha).
Hệ lụy là đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, vì thiếu đất sản xuất, đất ở. Địa phương cũng thiếu quỹ đất để triển khai xây dựng quy hoạch xã nông thôn mới Theo đó, cử tri Arất Bói đề nghị Nhà nước quan tâm quy hoạch hợp lý đất rừng phòng hộ, chuyển một phần diện tích đất rừng phòng hộ không xung yếu sang đất rừng sản xuất cho nhân dân và địa phương sử dụng để phát triển kinh tế.
Cũng theo cử tri Arất Bói, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là một chủ trương rất đúng đắn, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, cơ chế hỗ trợ xóa nhà tạm theo Nghị quyết 88 và Thông tư 01 về nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở quá thấp. Cụ thể một căn nhà xây mới chỉ được hỗ trợ 40 triệu đồng, sửa chữa được hỗ trợ 20 triệu đồng, người dân thuộc diện hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và sinh sống ở khu vực miền núi không đủ khả năng tài chính để đối ứng.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Tài – Bí thư Huyện ủy Đông Giang khẳng định các vấn đề cử tri nêu, nếu thuộc trách nhiệm của huyện thì huyện tập trung giải quyết. Trong đó có 6 hộ đang chờ được bố trí tái định cư do phải giải tỏa trắng phục vụ dự án Công viên văn hóa Cơ Tu (giai đoạn 2) đã 5 năm nay. Địa phương tập trung xem xét trong tháng 7 này để giải quyết dứt điểm.
Với tư cách cử tri, ông Đỗ Tài bày tỏ băn khoăn về lộ trình giải quyết đất sản xuất cho người dân miền núi theo ý kiến phát biểu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Từ thực tiễn của địa phương, ông Tài cho rằng, việc giải quyết vấn đề này rất khó khăn. Đối với miền núi, cần giải quyết bài toán sinh kế từ rừng, vừa giảm nghèo, vừa bảo đảm môi trường sinh thái.
Ông Tài cũng cho biết, hiện nay, Đông Giang đang tập trung rà soát, bóc tách quy hoạch 3 loại rừng để báo cáo tỉnh có hướng xử lý theo kế hoạch…
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng ghi nhận các ý kiến phát biểu tâm huyết của cử tri địa phương. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, có ý kiến phù hợp để chuyển tại đến các bộ, ngành Trung ương, đơn vị có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đối với vấn đề thuộc thẩm quyền của huyện, xã thì chính quyền địa phương phải có kế hoạch tháo gỡ rốt ráo những khó khăn, vướng mắc, nhất là liên quan đến đất đai…
Về kiến nghị đất ở, đất sản xuất, theo Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng, tỉnh đã nhìn thấy các vướng mắc trong quy hoạch 3 loại rừng, UBND tỉnh đã có chỉ đạo. Cho nên, huyện, xã cần vào cuộc quyết liệt với tinh thần phải rạch ròi từng loại rừng, nếu thật sự đúng là rừng phòng hộ, đặc dùng mà nhân dân đang sản xuất đan xen trong đó thì phải được đền bù cho người dân. Còn không phù hợp với tính chất rừng đặc dụng, phòng hộ thì phải tháo gỡ thực hiện cấp đất rừng sản xuất cho người dân.