Ngày 5/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh gồm các đại biểu Dương Văn Phước - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Đặng Thị Bảo Trinh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn có buổi tiếp xúc cử tri các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My. Cử tri 2 huyện miền núi đã kiến nghị nhiều vấn đề sát với đời sống người dân.
Tại huyện Nam Trà My, ông Nguyễn Văn Nhị - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện nêu thực trạng hiện nay địa phương thiếu quá nhiều giáo viên, không ít người xin về lại đồng bằng sau rất nhiều năm công tác gắn bó với vùng cao.
Trả lời kiến nghị của cử tri các địa phương, ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, vấn đề đất sản xuất chồng lấn đất rừng phòng hộ và vướng không thi công được các tuyến đường là do ảnh hưởng bởi quy hoạch 3 loại rừng. Tỉnh đang yêu cầu các huyện có thống kê, khảo sát và báo cáo để tỉnh làm việc với các bộ, ngành trung ương xem xét lại. Việc thiếu thuốc y tế, UBND tỉnh đang chỉ đạo ngành y tế giải quyết, đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế, đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các kiến nghị của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, sẽ tổng hợp kiến nghị các ngành ở tỉnh và trung ương giải quyết trong thẩm quyền.
“Đề nghị Quốc hội cần quan tâm đến chính sách dành cho cán bộ, giáo viên đến công tác ở miền núi. Những nơi đây có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng không có cơ chế đãi ngộ nên nhiều người bỏ việc, có người từ chối lên làm việc khi trúng tuyển viên chức, công chức.
Về lâu dài, nếu không thực hiện chế độ cử tuyển đối với học sinh miền núi như trước đây đã từng làm thì sẽ không có nguồn nhân lực để phát triển miền núi, nhất là tình trạng thiếu giáo viên đang nghiêm trọng như hiện nay” - ông Nhị kiến nghị.
Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang đại diện cử tri xã Trà Cang (Nam Trà My) kiến nghị: Cơ chế hỗ trợ sâm giống hiện nay qua rất nhiều thủ tục, tuy nhiên chất lượng nguồn giống có nhiều vấn đề nên tỷ lệ trồng sống rất thấp, trong khi đối ứng của người dân không nhỏ, gây thêm khó khăn cho bà con.
Như năm nay, xã Trà Cang nhận 10 nghìn cây giống, tổng tiền đối ứng 20% là 540 triệu đồng từ nhân dân, khi cây sâm không đạt hiệu quả thì người dân thêm nhiều khó khăn.
Ở miền núi, điện lưới và viễn thông có vai trò quan trọng nhưng tiến độ triển khai thực hiện các dự án rất chậm, mặt dù địa phương đã vận động người dân bàn giao mặt bằng thuận lợi.
Và sau khi thi công thì chậm bàn giao điện lưới cho địa phương quản lý, khai thác. Hạ tầng viễn thông mỏng và yếu, nên việc giao chỉ tiêu ở các lĩnh vực về ứng dụng chuyển đổi số là không phù hợp, khó hoàn thành.
Cử tri 2 huyện đều lo lắng việc đất tự nhiên lâu nay người dân vẫn sản xuất nay không được tiếp tục canh tác, khi hỏi chính quyền xã, huyện thì được trả lời là đất rừng phòng hộ.
Ông Trần Minh Phụng (xã Trà Giác) nói: “Nhiều bà con hỏi tôi, vì tôi là người có uy tín của thôn, nhưng tôi không biết trả lời sao về đất sản xuất. Đất bà con sản xuất lâu năm rồi, khi tái định cư nơi khác, nay quay về nơi mình sản xuất ngày trước thì không được phép sản xuất nữa.
Hỏi xã, huyện nói là chồng lấn đất rừng phòng hộ, nên không sản xuất được. Từ đó người dân thiếu đất sản xuất nhiều. Sau khi tái định cư lại không có đất sản xuất, đời sống người dân rất khó khăn”.
Nhiều cử tri của cả Nam Trà My và Bắc Trà My đều cho rằng mức hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo quá thấp, trong khi hộ nghèo rất khó khăn, nếu không có thêm sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị thì không có khả năng cải thiện nhà ở. Đối với các khu dân cư ở miền núi, đường sá đi lại, hiện nay vướng nhiều thứ nên đường chưa thể làm xong, trong khi vào mùa mưa thì người dân đi lại rất khó khăn.
Việc thiếu thuốc khi đi khám chữa bệnh BHYT cũng khiến người dân bức xúc. Nhiều ý kiến cử tri thắc mắc vì sao họ có thẻ BHYT nhưng đi khám chữa bệnh thì phải ra ngoài mua thuốc vì bệnh viện không có thuốc.
Trong khi người dân miền núi chủ yếu hộ nghèo, đời sống khó khăn, khi đi nằm viện tiền ăn còn không đủ, tiền đâu mà mua thuốc. Cử tri của các địa phương còn quan tâm đến việc tuyến quốc lộ 40B có 2 cây cầu Sông Trường và Nước Oa xây dựng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Mùa mưa lũ sắp đến khả năng một phần huyện Bắc Trà My và Nam Trà My sẽ lại bị cô lập khi các cây cầu này chưa thông xe. Mặt khác, cả hai huyện miền núi này muốn phát triển đều phụ thuộc vào tuyến quốc lộ 40B, nhưng tuyến này rất nhiều năm kiến nghị vẫn chưa được nâng cấp mở rộng, khiến việc lưu thông quá khó khăn, cản trở quá trình phát triển kinh tế, xã hội.