Nhà nước và cử tri

Cử tri Nam Giang góp ý các vấn đề về miền núi tới Quốc hội

PHAN VINH 02/10/2024 17:07

(QNO) - Chiều 2/10, tại huyện Nam Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội có buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan của tỉnh.

1(3).jpg
Quang cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV tại Nam Giang. Ảnh: PHAN VINH

Kỳ họp quan trọng của đất nước

Thông tin một số vấn đề về tình hình chung với cử tri huyện Nam Giang, đại biểu Tạ Văn Hạ cho biết, đối với cả nước, tổng thu ngân sách nhà nước tính đến tháng 8/2024 ước đạt 1.335 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán năm và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách nhà nước tính đến tháng 8/2024 ước đạt 1.104 nghìn tỷ đồng, bằng 52,1% dự toán năm và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,71%.

Đối với tỉnh Quảng Nam, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 9 tháng năm 2024 có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực so với cùng kỳ năm 2023 như các ngành dịch vụ tăng khá, khách quốc tế tăng cao, hoạt động xuất nhập khẩu phục hồi, sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ.

2(2).jpg
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: PHAN VINH

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 15,7% so với cùng kỳ; bao gồm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,6%; hoạt động khai khoáng giảm 9,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 6,2%. Ước thu ngân sách nhà nước gần 14.446 tỷ đồng, đạt 63% dự toán, bằng 105% so với cùng kỳ (thu nội địa 11.767 tỷ đồng, đạt 59% dự toán và thu xuất nhập khẩu 2.856 tỷ đồng, đạt 82%).

Đại biểu Tạ Văn Hậu thông tin, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 21/10/2024 và dự kiến bế mạc vào ngày 30/11/2024, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội và xem xét, thảo luận các nội dung về công tác lập pháp và hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

3(2).jpg
Các cử tri lắng nghe thông tin từ Đoàn ĐBQH tỉnh. Ảnh: PHAN VINH

"Kỳ họp thứ 8 sắp tới là một sự kiện quan trọng, mang tính chất "bản lề" tạo chuyển biến mạnh mẽ cho sự phát triển của đất nước. Quốc hội sẽ xem xét và thảo luận các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và dự kiến kế hoạch năm 2025; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”..." - ông Hạ cho biết.

Đề xuất cơ chế về miền núi

Phát biểu tại hội nghị, bà Bhơ Nướch Thị Bích Hiền - Trưởng phòng Dân tộc huyện Nam Giang đề nghị Quốc hội sửa đổi, điều chỉnh nội dung 2, tiểu dự án 1, Dự án 10 của Nghị quyết số 88 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030. Cụ thể, tại Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025...

4(2).jpg
Cử tri tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: PHAN VINH

Theo đó, Nội dung 2, tiểu Dự án 1, Dự án 10 về phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và thông tin công tác đối ngoại cho các đối tượng gồm: già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, chức sắc tôn giáo, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được phân công giao nhiệm vụ cho Ủy ban Dân tộc và Bộ Thông tin - truyền thông chủ trì triển khai thực hiện.

"Tuy nhiên, nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc về ngành Tư pháp chứ ngành Dân tộc và ngành Văn hoá - thông tin không có chuyên môn thực hiện nhiệm vụ này. Điều này khiến cho quá trình triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì thế, đề xuất Quốc hội nên giao nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngành Tư pháp chủ trì thực hiện mới phát huy được hiệu quả và đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao" - bà Hiền nói.

Thiếu tá Hoàng Cao Thắng - Phó trưởng Công an thị trấn Thạnh Mỹ cho biết, việc triển khai chuyển đổi số đã lan toả đến từng đơn vị tuyến dưới, mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân. Tuy nhiên, qua quá trình ứng dụng hệ thống lưu trữ dữ liệu thông tin công dân trên địa bàn thị trấn, thiếu tá Thắng ghi nhận nhiều bất cập liên quan đến quy định về họ tên của người đồng bào dân tộc thiểu số.

5(1).jpg
Thiếu tá Hoàng Cao Thắng - Phó trưởng Công an thị trấn Thạnh Mỹ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PHAN VINH

Thiếu tá Thắng nói: "Ví dụ có nhiều người ghi họ là Zơ Râm, cũng có người ghi là ZơRâm, nhưng khi nhập tên hệ thống trực tuyến thì nếu ghi không thống nhất sẽ ra kết quả là 2 người khác nhau. Vấn đề này sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý. Tôi đề xuất Quốc hội và tỉnh ban hành quy định cụ thể về thống nhất quy chuẩn ghi tên họ của các tộc họ, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số".

Ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang kiến nghị các quy định về đấu thầu, cụ thể đối với số tiền chi ngân sách trên 100 triệu đồng, ví dụ thiên tai xảy ra, cần mua gạo hoặc các nhu yếu phẩm để cứu đói, hỗ trợ cho người dân khẩn cấp, nhưng nếu thực hiện thủ tục đấu thầu phải mất hơn 1 tháng mới có thể triển khai cho người dân, như vậy, sự cấp bách không được đáp ứng.

[VIDEO] - Ông A Viết Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Giang phát biểu tại hội nghị:

Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cũng cho biết, tuyến Quốc lộ 14D đoạn qua địa bàn huyện đã được đưa vào sử dụng cách đây 20 năm, là tuyến giao thông huyết mạch của địa phương, đi qua 6 xã, thị trấn. Tuy nhiên, đến nay, tuyến đường này đã hư hỏng nặng nề, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Đồng thời, xe chở quặng có tải trọng lớn từ nước bạn Lào đang khai thác tuyến đường này gây tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các cử tri trên địa bàn huyện Nam Giang còn nêu ra một số phản ánh, kiến nghị liên quan đến về đề lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách xóa đói giảm nghèo, xoá nhà tạm, hỗ trợ sinh kế, giá điện và các chính sách liên quan đến trồng rừng gỗ lớn....

7(1).jpg
Đại biểu Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PHAN VINH

Tại hội nghị, một số vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị lãnh đạo các Sở GTVT, LĐ-TB&XH, TN&MT, Công ty Điện lực Quảng Nam... trả lời thấu đấu cho cử tri được rõ.

Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp, kiến nghị khá thẳng thắn và xác đáng của các cử tri và lãnh đạo huyện Nam Giang. Đồng thời, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp và đưa ra trình bày trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cử tri Nam Giang góp ý các vấn đề về miền núi tới Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO