Để phát triển công nghiệp nông thôn, Quảng Nam đã nhiều lần quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Theo đó, từ 108 CCN, đã điều chỉnh và đến nay phê duyệt quy hoạch chi tiết còn 57 CCN.
Nhiều lý do khiến số lượng quy hoạch CCN phải điều chỉnh, chẳng hạn trong thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập như thay đổi diện tích quy hoạch, ách tắc giải tỏa mặt bằng, hoặc do trước đây chưa lường hết sự phức tạp của địa hình, địa chất nên khó xây dựng v.v. Mặt khác, việc triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN là khá chậm do có rất ít doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, trong khi đó ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng khá nhỏ giọt, chỉ khoảng gần 350 tỷ đồng giai đoạn 2003 - 2019, bình quân 20,53 tỷ đồng/năm, chưa thấm vào đâu.
Thiển nghĩ việc điều chỉnh tăng hay giảm thực ra cũng không quan trọng bằng đo lường hiệu quả hoạt động của các CCN, tức khả năng lấp đầy các CCN với các dự án đầu tư. Hiện tại có 54/57 CCN đã có quyết định thành lập với tổng diện tích hơn 1.433 ha, diện tích đất công nghiệp 1.043 ha, trong đó có 51 CCN đang triển khai xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.194 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 930 ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng đã thực hiện 867,5 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy hiện tại trung bình đạt 78,5%. Các CCN đã thu hút được 318 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án đạt gần 17 nghìn tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký theo dự án 66.049 người; trong đó có 259 dự án đã thực hiện đầu tư với tổng vốn đầu tư thực hiện hơn 8,3 nghìn tỷ đồng, tổng số lao động làm việc là 31.310 người.
Kể ra về tỷ lệ lấp đầy và con số dự án, cho thấy các CCN đã có bước chuyển động theo hướng tích cực. Tuy nhiên, liệu điều đó đã đủ cơ sở cho tham vọng trong bản quy hoạch phát triển mới thì còn nhiều vấn đề phải bàn và giải quyết. Được biết, theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2035 vừa được công bố, Quảng Nam sẽ có 92 CCN với tổng diện tích hơn 2.280 ha, đến năm 2035 hơn 2.613 ha. Đáng nói là dựa vào đâu để ước tính tỷ lệ lấp đầy trung bình chỉ đạt 75% vào năm 2025 (thấp hơn hiện nay), và tăng cao lên 90% (năm 2035)? Chúng tôi hiểu rằng quy hoạch phát triển cho tương lai gần hay xa đều phải đưa ra con số dự ước, nhưng hiệu quả hay không thì cần hàng loạt giải pháp và hành động. Do vậy, sau khi công bố bản quy hoạch, các ngành và địa phương liên quan cần tính toán giải pháp thực hiện với cơ sở vững chắc, rõ ràng hơn.
Khác với những dự ước về tỷ lệ lấp đầy, các mục tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp và giải quyết lao động có vẻ khả thi hơn. Như mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp tại các CCN sẽ chiếm 25% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tương ứng với 30 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 20% lao động của ngành công nghiệp (tương ứng 35 nghìn người); đến năm 2035, giá trị sản xuất sẽ là 35 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 40 nghìn lao động.
Thử so sánh về quy mô, toàn bộ các CCN sẽ giải quyết một lượng lao động nhiều hơn Khu kinh tế mở Chu Lai hiện nay, dù tỷ lệ lấp đầy và tổng số vốn đăng ký của các dự án đầu tư ít hơn. Vậy nên, có thể hiểu đầu tư cho Chu Lai có mức độ tập trung cao, mũi nhọn đột phá, còn đầu tư cho các CCN là phân tán ở các vùng nông thôn, trước hết nhắm đến giải quyết lao động tại chỗ ở các địa phương. Dĩ nhiên băn khoăn với sự phân tán, nhỏ lẻ của các CCN cũng là điều cần chú ý vì có thể tác động tiêu cực đến môi trường và nhu cầu của doanh nghiệp cần quy mô diện tích lớn hơn với hạ tầng đầu tư đồng bộ.