Chúng tôi loanh quanh “thị trấn ngã tư” - biệt danh người anh địa phương đặt cho thị trấn Hà Lam (Thăng Bình). Đường sá rẽ nhánh từ trục chính Tiểu La, đi ngang dọc một hồi dẫn về Hà Kiều - chỉ dấu tự hào của người Hà Lam.
“Đi dăm phút đã về chốn cũ”
Nguyễn Khoa Vỹ - bác sĩ trẻ công tác tại Tam Kỳ và mở phòng mạch ở Hà Lam. Vỹ hẹn chúng tôi ghé phòng mạch của anh tại đường Nguyễn Hiền vào một chiều cuối tuần.
Đi từ ngã tư Hà Lam đoạn cắt quốc lộ 1, tôi đếm có chừng 5 con đường nhánh cắt từ Tiểu La để đến chỗ Vỹ. Là Chủ nhật nhưng Tiểu La ken đặc xe cộ. Hàng quán cửa tiệm rộn ràng không khí tết nhứt. Có cảm giác mọi sắm sanh cho nhu cầu đời sống của người dân Thăng Bình đều dồn vào đoạn phố trung tâm thị trấn.
Rẽ từ Tiểu La xuống Nguyễn Hiền, sự sôi động của con phố dịch vụ gần như khiến chúng tôi choáng ngợp. Hầu như tất cả mặt bằng của ngôi nhà trên phố đều dùng để kinh doanh.
Một đoạn ngắn thôi nhưng áng chừng tới 5 - 6 quán cà phê, chưa kể các quán ăn, quán nhậu. Cậu con trai 12 tuổi nói rằng đoạn đường này nhìn vui gấp mấy lần thành phố mình ở. Và rồi một cuộc khám phá nho nhỏ theo yêu cầu của trẻ con, chúng tôi rảo dọc bàu nước cuối đường để xem thị trấn cùng những con đường cũ.
Phía này Hà Kiều, cũng là phía tả ngạn của bàu nước, hầu như những con đường đều bắt đầu từ trục Tiểu La. Phố loanh quanh những ngôi nhà san sát nhau. Kiến trúc phố xá kiểu cũ khiến đô thị trên trục thiên lý này để lại dấu ấn riêng với người tìm đến. Lòng đường phần lớn chật hẹp. Phố bày biện theo lối phố thương mại nên bao giờ cũng sầm uất, rộn ràng.
Đoạn phố từng là khu chợ cũ, hình như cũng là đoạn rộng nhất trong số những con đường cắt từ trục Tiểu La. Chỉ dấu thị thành rõ nét ở đoạn này với đặc ken quán xá.
Ngay giữa lòng đường, một hàng cây lâu đời đổ bóng xanh rậm đến nhà cửa hai bên. Người chị đồng nghiệp nhà ngay đoạn này nói, cư dân Hà Lam lâu đời đều ở đây. Những căn nhà vuông vức theo kiểu nhà tập thể cũ, với lối sinh hoạt của thị dân qua nhiều đời.
Đoạn phố cũ chỉ cần bước qua cây cầu bắc trên bàu nước Hà Khê là đã qua phía hữu ngạn Bàu Kiều. Người dân Hà Lam nói, dẫu thị trấn dọc ngang đường bàn cờ mới mở ra, thì khu cũ này vẫn luôn là điều tự hào riêng có của người dân xứ sở. Họ đã có nếp phố từ hàng quán sinh hoạt, từ cách bán buôn thương mãi tự lâu đời.
Phố thị Hà Lam chật chội nhưng may thay bước đến cuối phố là con nước chảy nối đất thị thành với quê xứ. Đây cũng là điểm nhìn để đô thị này đang bắt đầu phát triển mạnh hơn phía hữu ngạn Bàu Kiều.
Mở những chiều kích mới
Nhiều khu đô thị mới mở ra, đường sá thoáng rộng hạ tầng đô thị được khớp nối. Chính quyền huyện Thăng Bình đã công bố về quy hoạch chi tiết 1/500 Công viên văn hóa Bàu Hà Kiều và quy hoạch 5 khu đô thị vào danh mục phát triển nhà ở thương mại: khu đô thị mới trung tâm Hà Lam (giai đoạn 1), khu đô thị mới Đông Bắc Hà Lam, khu đô thị mới Đông Nam Hà Lam và khu đô thị mới Đông Hà Lam.
Ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Thăng Bình nói, Hà Lam được lựa chọn trở thành đô thị trung tâm ở các lĩnh vực, trong đó, riêng câu chuyện về văn hóa được xem là cốt lõi. Địa phương này đã công bố chương trình phát triển đô thị thị trấn Hà Lam tầm nhìn đến năm 2030.
Cùng với câu chuyện hoàn thiện quy hoạch, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ, quy hoạch đô thị Hà Lam được xây dựng theo hướng hiện đại, xanh sạch đẹp, thông minh, phục vụ mục tiêu nâng chất lượng cuộc sống người dân.
Từ việc xây mới trung tâm văn hóa thị trấn, quảng trường, nhà bia Văn Thánh, cải tạo chợ Hà Lam, xây dựng mới bến xe Cây Cốc, chợ Cây Cốc... Hà Lam đang tiếp tục đầu tư khu công viên văn hóa bàu Hà Kiều theo quy hoạch, xây dựng quảng trường trung tâm đô thị.
Nếu cánh đông Thăng Bình đang là đô thị động lực của toàn vùng cùng định hướng phát triển đô thị du lịch, thì Hà Lam lại trở thành chốn ở mới của cư dân vùng đông. Người từ Bình Dương, Bình Triều, Bình Minh... sau những cơn sốt đất ngay tại quê mình, họ chọn Hà Lam để dựng nhà cửa.
Trong thâm căn tư duy đã hình thành bao đời của người Thăng Bình, Hà Lam định danh là phố với mọi sự sung túc, đầy đủ nhất. Nếp sinh hoạt thị thành từng bước rõ nét hơn từ nhiều tuyến phố văn minh, từ những khu sinh hoạt công cộng được dựng lên ở nhiều góc phố. Dẫu Hà Lam, ở cuối con phố đã là quê...