(QNO) - Từng bị lãng quên trong nhiều năm, cây tiêu bản địa ở xã Bình Quế (huyện Thăng Bình) đang được phục hồi và phát triển theo hướng hàng hóa, gắn với mục tiêu nâng cao thu nhập từ kinh tế vườn. Từ mô hình nhỏ lẻ trong dân, đến nay tiêu Bình Quế đã có vùng nguyên liệu tập trung, có tổ chức thu mua, có thương hiệu bước đầu và được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Phát triển mô hình mới
Gia đình ông Nguyễn Mân (thôn Bình Hội) là một trong số ít hộ ở xã Bình Quế giữ được giống tiêu địa phương từ nhiều năm trước và tiếp tục nhân rộng thành mô hình sản xuất ổn định. Với hơn 200 trụ tiêu đang khai thác, mỗi năm thu khoảng 200 -250kg tiêu khô, ông Mân cho biết cây tiêu có chu kỳ sinh trưởng dài, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khô ráo ở địa phương và không tốn quá nhiều chi phí chăm sóc.
“Mình trồng từ giống tiêu được cha ông đưa về từ vùng trung du Tiên Phước. Trước đây làm chủ yếu để giữ giống và dùng trong gia đình, chứ chưa nghĩ đến kinh tế. Nhưng khi địa phương có chủ trương phát triển vùng trồng, hợp tác xã đứng ra thu mua thì bắt đầu tính chuyện đầu tư nghiêm túc hơn. Giá ổn định, đầu ra rõ ràng, nên người dân làm cũng yên tâm hơn” - ông Mân nói.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Mân chia sẻ về vườn tiêu nhà mình và sự thay đổi sau khi hợp tác với HTX Bình Quế:
Từ vài hộ duy trì giống nhỏ lẻ, đến nay toàn xã có khoảng 50 hộ trồng tiêu, trong đó có hơn 25 hộ canh tác quy mô từ 80 trụ trở lên, tập trung nhiều ở các thôn Bình Hội, Bình Quang và Bình Phụng. Sản lượng tiêu khô toàn xã đạt khoảng 3 tấn/năm, với mức giá thu mua phổ biến 180 - 200 nghìn đồng/kg, tạo nguồn thu ổn định cho bà con.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quế, cây tiêu được xác định là một trong những giống cây bản địa phù hợp để cải tạo vườn tạp, nâng hiệu quả sử dụng đất và tạo nguồn nông sản có giá trị cao.
Tiêu của Bình Quế có đặc trưng về hương vị, chất lượng hạt tốt, phù hợp để xây dựng sản phẩm OCOP và phát triển theo hướng thương hiệu riêng của địa phương. Cây dễ chăm sóc, có thể khai thác lâu năm, đầu tư một lần nhưng thu nhiều năm nên hiệu quả mang lại rõ rệ
Hiện nay, Bình Quế đang tiếp tục vận động người dân cải tạo vườn tạp theo hướng trồng tiêu xen dừa, cây ăn quả, nhằm hình thành vùng sản xuất quy mô, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và sản lượng khi mở rộng thị trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quế
Mở rộng thương mại
Việc tiêu Bình Quế được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh vào năm 2024 được xem là bước tiến quan trọng, đánh dấu quá trình chuẩn hóa sản xuất, tổ chức lại đầu ra và xây dựng thương hiệu cho cây trồng bản địa này.
Đơn vị chủ lực trong việc triển khai chuỗi giá trị là Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bình Quế (HTX Bình Quế), với vai trò vừa thu mua sản phẩm, vừa tổ chức sơ chế, đóng gói, phát triển bộ nhận diện thương hiệu.
Theo ông Thái Hoàng Duy Em - Giám đốc HTX Bình Quế, sản phẩm “Tiêu thơm - đặc sản Bình Quế” hiện được đóng gói túi zip 250g, có dán tem truy xuất nguồn gốc, giá bán lẻ khoảng 80 nghìn đồng/gói. Mỗi năm HTX thu mua khoảng 500kg tiêu khô, chế biến thành phẩm sấy khô, chủ yếu tiêu thụ tại hội chợ OCOP, điểm giới thiệu sản phẩm địa phương và chợ truyền thống.
[VIDEO] - Ông Thái Hoàng Duy Em - Giám đốc HTX Bình Quế chia sẻ về lý do phát triển thương hiệu tiêu Bình Quế:
Điều quan trọng ở đây là mô hình không dừng ở khâu bao tiêu mà tiến đến việc hình thành vùng nguyên liệu đạt chuẩn, hướng dẫn nông dân canh tác theo hướng hữu cơ, truy xuất rõ ràng, đảm bảo chất lượng đồng đều. Chúng tôi cũng đang làm lại toàn bộ bộ nhận diện thương hiệu, kết nối thêm thị trường ngoài tỉnh để nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Thái Hoàng Duy Em - Giám đốc HTX Bình Quế
Bên cạnh đó, HTX Bình Quế cũng đang phối hợp với ngành nông nghiệp và các đơn vị tư vấn để hoàn thiện hồ sơ nâng hạng sản phẩm, đồng thời tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối thị trường với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Một số đề xuất về hỗ trợ giống, nâng cấp hệ thống tưới, cải tạo đất, đào tạo quy trình canh tác sạch đã được UBND xã Bình Quế xây dựng và gửi lên cấp trên để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các hộ sản xuất tiêu.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tiến, trong năm 2025, xã Bình Quế đặt mục tiêu mở rộng vùng trồng tiêu mới, nâng số hộ tham gia HTX lên 15 hộ và hướng đến sản lượng tiêu khô trên 4 tấn/năm. Đồng thời, sản phẩm tiêu đóng gói sẽ được tiêu chuẩn hóa bao bì, nhãn mác, quy cách sản phẩm để phục vụ cả thị trường thương mại điện tử và các hệ thống cửa hàng OCOP trong khu vực.
[VIDEO] - Bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quế chia sẻ định hướng phát triển cây tiêu bản địa:
“Nếu không xây dựng được vùng nguyên liệu rõ ràng, sản phẩm khó mở rộng đầu ra. Chúng tôi làm kỹ phần tổ chức sản xuất, giám sát chất lượng để tiêu Bình Quế không chỉ là nông sản địa phương, mà là thương hiệu có tính cạnh tranh thực sự.
Bài học từ các mô hình OCOP khác cho thấy, chỉ khi nào sản phẩm thoát khỏi vai trò hàng hóa thô và tham gia vào chuỗi giá trị có tổ chức thì mới có thể phát triển lâu dài" - bà Tiến khẳng định.