(VHQN) - Đoạn ấy nằm cuối dòng sông nơi con nước gom vào cửa trước khi hòa cùng biển. Cửa sông như là một nơi chốn để người ta đi qua hay như con nước kia chỉ kịp lừng khừng chảy chậm một chút xíu rồi vội vã như muốn sớm ra cùng đại dương mênh mông.
Phía bờ nam cửa sông vắng vẻ, chỉ có cát vàng, cây xanh và sóng bạc đầu. Sóng càng dữ dội hơn trong những ngày bão về hoặc giữa những cơn tố lớn nổi lên bất chợt. Ở cái bãi nối từ cuối sông ra gành biển thành một góc vuông vắn là nơi gia đình Hải Miên và Dương dựng hai giàn rớ kề nhau.
Những người đàn ông ngoài thời gian đi biển thỉnh thoảng mới quay về thăm chòi rớ, còn tất thảy đều giao lại cho mấy mẹ con nhà Hải Miên và Dương. Bãi cát dài, phẳng lỳ, đi mỏi chân chưa đến mép nước. Hai đứa thường nắm tay nhau vừa chạy vừa cười ngặt nghẽo, vừa đoán xem rớ nhà ai trúng cá nhiều hơn. “Rớ nhà em nhiều hơn!”. “Rớ nhà anh…”. “Nhà em…”.
Nhà họ phía trong làng Lương Thành, sát Bàu Sâu, nơi đa số dân làng đi lộng, đi khơi, một ít làm nghề nông, sau này làm thêm mấy nghề dịch vụ.
Nghe nói đó là ngôi làng cổ nằm lọt sau một cồn cát lớn, một phía có bàu nước, còn lại là những đám ruộng xinh xắn, vẫn còn lưu nhiều dấu tích của cảng thị nổi tiếng từng tồn tại mấy trăm năm trước. Làng đẹp nhưng buồn như mô tả trong tùy bút của một nhà văn lừng danh: “Mấy túp lều tranh nép mình dưới ngọn phi lao. Sóng biển ì ầm... sao cảnh ở đây hiền lành thế?”.
Mỗi sáng, tàu đánh cá trở về ở phía bãi Biển Về cách đó hơn cây số. Những chiếc thuyền thúng chuyển cá từ tàu lớn vào bờ. Đám đông bạn hàng vội vã nhận lấy phần hải sản đã được đặt cọc trước với chủ tàu hoặc tranh nhau trả giá vội vàng trên mép nước. Không khí ồn ã suốt một khúc bãi biển dài, cho đến tận lúc mặt trời lên cao. Tất cả như bản hòa âm rộn rã giữa biển cả, con người và cuộc sống sôi động.
Đó là câu chuyện của mấy năm trước khi Dương chưa nhập học. Hải Miên cũng chưa theo các chuyến hàng xuôi ngược từ đất liền ra đảo. Khi mành rớ bắt đầu thưa cá, cả hai nhà cùng nhượng chòi rớ lại cho hàng xóm tìm công việc khác.
Họ chia tay sau lễ Cầu ngư ở làng. Theo lời kể của ông nội Dương đó là lễ hội đặc biệt bắt nguồn từ tín ngưỡng nguyên thủy của cộng đồng cư dân vùng biển.
Nhiều ngư dân được Cá Ông giúp đỡ thoát khỏi hiểm nguy ngoài biển khơi nên tục thờ Cá Ông từ lâu đã trở thành lễ hội tín ngưỡng quan trọng đối với họ. Khi cá ông chết, trôi dạt vào bờ, dân làng đã chôn cất tử tế, lập lăng thờ cúng hằng năm và tục thờ cúng Cá Ông đã trở thành nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc.
Lễ tế Cá Ông nhằm tỏ lòng tôn kính, biết ơn của ngư dân và lễ tế còn thể hiện ước nguyện, mong cầu ra khơi được sóng yên biển lặng, thêm những mùa đánh bắt mới bội thu, thuận buồm xuôi gió, mọi người bình an quay trở về. Lễ tế có khi kéo dài đến ba ngày.
Lễ cầu an được tổ chức vào ngày đầu tiên. Các vị chánh tế, người cao tuổi, người có uy tín trong làng đại diện làng chài bày đồ lễ và đọc văn tế dâng lên lòng thành kính, biết ơn của người dân đối với Ngài và cầu cho ra khơi thuận lợi, tôm cá đầy khoang.
Lễ rước được tổ chức vào rạng sáng ngày hôm kế tiếp trên biển. Sau những tiếng trống, họ thực hiện nghi thức làm lễ rước Ông. Một vị trí đã được định sẵn từ trước để vị chánh tế xin keo và tất cả tàu thuyền cùng nhau ra khơi đến nơi ấy. Sau khi xin keo thành công, theo hiệu lệnh của vị chánh tế, các tàu sẽ quay vào bờ.
Cuối cùng, lễ chánh tế được tổ chức vào nửa đêm hôm sau bao gồm các nghi thức: lễ khai mỏ, đội học trò dâng hương, sau đó là chương trình hát bả trạo, hát bội, hát hò khoan. Chèo bả trạo là đặc trưng của lễ hội.
Người ta mặc những bộ trang phục đẹp đẽ vừa lĩnh xướng vừa hò kết hợp với các động tác mô phỏng việc chèo thuyền trên bờ nhằm tái hiện cảnh sinh hoạt thường ngày nơi sông nước. Nội dung hò hay lĩnh xướng là những câu hát thay cho lời tri ân Đức Ngư Ông đã luôn cứu giúp ngư dân những khi hoạn nạn.
Dương đã xung phong tham gia hát bả trạo lần cuối trước khi rời làng với nhiều cảm xúc khó tả.
“Dương sao vậy?”, Dương nhớ Hải Miên đã lo lắng nhìn Dương. Gạt mớ mồ hôi túa ra trên trán, Dương lắc đầu: “Không có gì đâu Hải Miên! Chắc do mệt thôi”. Dương nói dối, thực ra chính anh cũng không hiểu hết. Có điều gì đó bất an, cứ làm anh đứng ngồi không yên.
Dương kể: “Thường thì Hải Miên chỉ ra vào đảo bằng tàu lớn nhưng hôm ấy nghe tin mẹ đau bất ngờ phải nhập viện, quá sốt ruột nên Hải Miên vội vã theo ca nô vào bờ. Tố ập về bất ngờ khi ca nô vừa đến ngay cửa. Chiếc ca nô mong manh không đủ sức chịu đựng. Và…”.
Tôi đã từng mua những con tôm, cá còn nhảy tanh tách vừa được cất lên từ sông biển của họ. Từng giật mình khi bỗng như đang vẳng nghe lời ông nhà văn nổi tiếng thì thầm bên tai: “con nhà chài ở đây chưa biết đánh lừa người ta khi bán mớ tôm mớ cá…”.
Hết mùa bão năm sau, tôi lại đến, sững sờ khi cái bãi cát dài, thơ mộng đã biến mất như chưa hề tồn tại. Những hàng dương liễu ngã chỏng chơ bên mép nước phơi những bộ rễ khẳng khiu chỉa lên trời như những dấu hỏi gởi lại cho con người đầy trêu ngươi.
Mấy nhà hàng chưa kịp khai trương giờ tan hoang chỉ còn trơ lại mấy khung bê tông đứng chơi vơi. Biết đâu dải cát ấy đã trôi ra với cồn Khổng Lồ ngoài khơi kia trong một cơn hứng khởi bất ngờ của trời đất mà cũng có thể đã tan hết vào mênh mông biển cả.
“Cháu sắp xong đợt huấn luyện và được nhận vào hải quân, chú ạ! Ngành cháu học hải quân đang tuyển mà”. Dương nói thêm, hơi mỉm cười: “Rồi cháu sẽ đối diện với sóng dữ mỗi ngày. Còn hơn thế, sẽ cưỡi lên sóng mỗi khi có tố lớn. Sóng dữ chẳng là gì với cháu nữa. Chỉ thương Hải Miên…”.
Dương, người tôi muốn gặp đã được gặp. Và biết thêm một câu chuyện…
Trời nhá nhem tối, tôi chia tay Dương. Những ngôi nhà phía xóm kề bãi biển đã lên đèn. Tiếng cười nói lao xao quanh bữa cơm ấm trước khi những người đàn ông bắt đầu vươn khơi cho vụ cá nam, có vẻ như họ không hề ngạc nhiên như tôi - người khách phương xa. Phía gió biển, sóng bạc đầu vẫn mê mải đuổi nhau.