Phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả và được lan tỏa trong cộng đồng.
Những cách làm hay
Nhiều mô hình cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo đã lan tỏa trong cán bộ, hội viên. Đơn cử như mô hình “Góp vốn quay vòng” ở Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn, Thăng Bình... trong 5 năm qua, đã góp phần giải quyết việc làm cho 11.309 lao động của tỉnh.
Ông Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội CCB huyện Duy Xuyên chia sẻ, từ việc góp vốn tạo quỹ, nhiều CCB có điều kiện mượn vốn để chăn nuôi, trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế, ổn định đời sống.
Quảng Nam có 78 doanh nghiệp vừa và nhỏ do hội viên CCB làm chủ, thu hút 1.366 lao động. Ngoài ra còn có 15 hợp tác xã, 20 tổ hợp tác, 132 trang trại, 543 gia trại, thu hút hàng nghìn lao động tham gia.
Tổng nguồn vốn vay giải quyết việc làm trong năm 2022 là 17,2 tỷ đồng với 278 dự án, giải quyết việc làm cho 697 lao động. Nhiều hội viên đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay qua kênh ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, góp vốn quay vòng để sản xuất, cải thiện đời sống.
Một mô hình khác cũng rất hiệu quả là mô hình “5+1”, tức là 5 hội viên giúp đỡ 1 hội viên vươn lên thoát nghèo.
Giai đoạn 2016 - 2021, toàn Hội CCB tỉnh đã xây dựng được 65 mô hình “5+1” và đã giúp đỡ cho 65 hội viên CCB có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo ở các địa phương Tiên Phước (16 hội viên thoát nghèo), Hiệp Đức (15), Núi Thành (17)...
Mô hình “Câu lạc bộ CCB giúp nhau giảm nghèo” cũng có sức lan tỏa mạnh mẽ, xuất hiện nhiều tấm gương CCB không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi mà còn có đóng góp to lớn cho xã hội.
Có thể kể đến ông Nguyễn Ngọc Sáu - Giám đốc Công ty gạch Tuynel Gia Phú (Duy Xuyên); ông Nguyễn Quang Dũng - Giám đốc Công ty xây dựng Ny Cường Nguyên (xã Tam Ngọc, Tam Kỳ); ông Bùi Vân - Giám đốc Công ty xây dựng Bùi Vân (Núi Thành)...
Hay như, CCB Lê Tư Kiện là chủ Doanh nghiệp tư nhân Hòa Thắng có vốn đầu tư hơn 15 tỷ đồng, là chủ cơ sở sản xuất xay xát lương thực và chế biến thức ăn gia súc gia cầm. Ông Kiện đã giải quyết việc làm cho hơn 90 lao động (mức lương 7 triệu đồng/người/tháng). Mỗi năm, ông Kiện còn dành cả tỷ đồng làm công tác xã hội.
Vì mục tiêu giảm nghèo
Ông Bùi Văn Trí - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết, phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo đã huy động được nhiều nguồn lực, phát huy tiềm năng, nâng cao năng lực làm kinh tế cho CCB. Phong trào được triển khai đồng bộ, tích cực, sâu rộng, bằng nhiều biện pháp, hình thức đa dạng, phong phú, tạo được những kết quả đáng phấn khởi.
“Thời gian qua, các cấp hội còn tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước và các chương trình phát triển kinh tế của Chính phủ, của địa phương. Đặc biệt quan tâm đến các gia đình hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, giúp hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đó, số hộ CCB nghèo, cận nghèo giảm đáng kể” - ông Trí nói.
Cũng theo ông Trí, Tỉnh hội tiếp tục động viên CCB, cựu quân nhân là chủ các doanh nghiệp, chủ trang trại và hợp tác xã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là CCB, cựu quân nhân...
Từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã xây dựng được 88 nhà “Nghĩa tình đồng đội” với tổng kinh phí hơn 5,1 tỷ đồng, góp phần xóa cơ bản nhà tạm cho hội viên. Hội CCB tỉnh phấn đấu giai đoạn 2021 - 2026 giảm 800 hộ CCB nghèo (mỗi năm giảm 160 hộ). Đến năm 2026, toàn tỉnh giảm 30 nhà tạm (giảm 6 nhà/năm), hướng tới xóa sạch nhà tạm vào năm 2026.