Đình làng Hội An - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh gắn với các nghi thức lễ tế là câu chuyện dài cùng nhiều điều thú vị gắn với huyền tích văn hóa dân gian của người xứ Tiên.
Dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm nay, tại đình làng Hội An (xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước) Lễ hội Kỳ yên được tái hiện, phục dựng.
Tiên Châu sơn thủy hữu tình
Vào dịp lễ hội Kỳ yên, tức tháng Ba âm lịch, khắp các con đường về làng ở Tiên Châu, từ làng Hội An, Thanh Bôi qua Thanh Khê, Thanh Hà, hoa sưa nở vàng rực lối. Nơi đây cũng là thủ phủ của trái lòn bon - đặc sản của xứ Tiên. Tại Tiên Châu, do cấu tạo đất đai nên lòn bon vùng này ngon hàng đầu của vùng trung du, cũng như nơi này có rất nhiều vườn lòn bon cổ thụ trên 70 năm tuổi.
Tiên Châu là nơi sơn thủy hữu tình. Từ tên gọi các làng xưa đã cho thấy ý nghĩa, ước vọng về sự an yên, hạnh phúc của những lưu dân từ nhiều nơi tụ hội đến đây khai khẩn lập nghiệp.
Tiên Châu là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch lớn ở Tiên Phước. Cùng với đình làng nằm tại làng cổ Hội An, địa phương còn có các vườn cây ăn trái đủ loại, thác nước xinh đẹp, ruộng bậc thang trải dài khắp nơi...
Tiên Châu còn nổi tiếng là “miền gái đẹp”. Các cô gái Phước Hòa xưa - Tiên Châu nay - đẹp mặn mà nhưng cũng không kém phần kiêu sa đài các. Bởi vậy, có nhiều giai thoại, thơ ca nói về vẻ đẹp của những giai nhân một thời với đôi mắt đẹp hút hồn người. Người khắp nơi hay đùa rằng “đôi mắt Tiên Châu - nghĩa là nàng tiên có đôi mắt long lanh như hạt ngọc”.
Tiên Châu cũng là nơi duy nhất có đoạn sông Tiên chảy ngược còn nguyên sơ trầm tích nhiên thạch. Kết hợp hài hòa với dòng nước trắng xóa, âm điệu dòng chảy lúc hào hùng lúc nhẹ nhàng sâu lắng.
Nơi đây còn giữ được hồn cốt của làng quê mộc mạc, chân chất. Ngoài ngôi đình cổ Hội An có giá trị lịch sử văn hóa, ở Tiên Châu còn có đình Hội Lâm và nhiều ngôi nhà cổ hàng trăm năm, khiêm tốn nép mình trong những ngõ đá rêu phong.
Thống kê từ UBND xã Tiên Châu, riêng thôn Hội An có 12 nhà cổ, chưa tính di tích đình làng Hội An và một số mộ cổ. Trên địa bàn toàn xã, có 33 nhà cổ rải rác ở các thôn Hội Lâm, Thanh Bôi, Thanh Tân, Thanh Khê với niên đại 100-150 năm.
Những đường làng uốn lượn quanh co trong không gian xanh ngút ngàn, dài tít tắp như được sắp đặt một cách tinh tế. Về Tiên Châu sẽ thấy tâm hồn mình thanh tịnh hơn.
Hội làng trung du
Lễ hội Kỳ yên được xem là hội làng lớn nhất ở vùng trung du, diễn ra tại đình làng Hội An. Đây cũng là lễ cầu an, lễ tế thần thành hoàng lớn nhất trong năm của một ngôi đình. Trong dịp này, du khách cùng hòa vào lễ rước sắc, trên cung đường rợp bóng sưa đẹp như một bức tranh vẽ.
Đình làng Hội An được xây dựng dưới thời Tự Đức, khoảng năm 1870. Người đứng ra vận động khởi xướng là cụ Phó bảng Tế tửu quốc tử giám Nguyễn Đình Tựu - người con của làng Hội An xưa. Ông là người theo chân tiền hiền Nguyễn Phúc đến khai khẩn, sinh sống tại làng Hội An và là thầy của phần lớn sĩ phu bấy giờ như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Duy Hiệu…
Ông có công đầu trong việc xây dựng đình làng Hội An nhằm tri ân các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập làng và được đông đảo người làng đồng thuận, hưởng ứng. Đình là nơi thờ thành hoàng làng và các vị tiền hiền, hậu hiền. Sau này đến năm Duy Tân thứ 3 (1909), đình này được phong sắc, mỹ hiệu là Bảo an chánh trực hựu thiện đôn ngưng Bổn cảnh thành hoàng chi thần. Đây là ngôi đình duy nhất còn lại ở miền trung du – bán sơn địa Tiên Phước.
Năm nay, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống, lễ hội Kỳ yên lần đầu được tái hiện, phục dựng trên cơ sở nguyên bản. Trong đó, lễ rước sắc được chuẩn bị rất công phu, có kiệu long đình sơn son thếp vàng cùng hơn 250 người tham gia.
Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, ngoài nghi lễ rước sắc và cúng tế thành hoàng, tiền hiền, hậu hiền còn có hoạt động hội sôi nổi mang sắc thái văn hóa nông thôn. Từ thi làm bánh truyền thống, nấu mỳ Quảng, phiên chợ nhà nông cho đến chợ ẩm thực dân gian với sản vật địa phương phong phú hấp dẫn. Dịp này sẽ có nhiều trò chơi dân gian như đánh cờ làng, cờ hội, hô hát bài chòi, hát dân ca, các trò chơi ngày xưa của thiếu nhi...